Hội nghị tổ chức tại Phú Quốc từ 13 - 15.11, đăng ký ban đầu là khoảng 400 đại biểu đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng ngày khai mạc, khách hàng quốc tế vẫn đổ tới. Đến giữa trưa ngày 14.11, số lượng khách tham dự hội nghị đã vượt qua con số 500.
Sức hút hạt điều Việt Nam
Các doanh nghiệp nước ngoài đến tham dự, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hội nghị Điều quốc tế tại Việt Nam ngày 14.11. Ảnh: Ngọc Minh
Để thực hiện được các cam kết về tiêu chí chất lượng, hơn 10 DN lớn, thành viên của Vinacas đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo mô hình cánh đồng lớn với nông dân, HTX sản xuất điều theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ. Để hỗ trợ thêm cho nông dân, Vinacas cũng đang "chạy" chương trình “Đồng hành cùng nhà nông” với 3 dự án: Tái canh và xen canh vườn điều; Ghép cải tạo và thâm canh điều và nghiên cứu phát triển giống điều quốc gia và địa phương. |
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, qua 29 năm phát triển, ngành điều Việt Nam từ kim ngạch xuất khẩu 37.000USD trong năm đầu tiên (1998) và đạt đến 2,84 tỷ USD trong năm 2016, đã khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, trở thành nước xuất khẩu điều nhân đứng đầu thế giới trong nhiều năm liền. Hiện sản lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm hơn 60% thị trường thế giới.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, nhưng lúc đó Công ty ETG (Dubai) chỉ kinh doanh các mặt hàng thức ăn gia súc, xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên trước sự phát triển ấn tượng của thị trường điều Việt Nam, "cầm lòng không đặng", năm 2017, ETG đã nhảy sang lĩnh vực hạt điều. Và ngay tức khắc, chỉ trong 10 tháng đầu năm, ETG đã lọt vào top 3 nhà cung cấp điều thô lớn nhất Việt Nam với sản lượng nhập khẩu 85.000 tấn.
"Năm nay do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngành điều Việt Nam bị thất thu sản lượng gần 50% nên mới tạo cơ hội ghi bàn cho ETG. Vì công ty chúng tôi có chi nhánh tại hơn 30 quốc gia có trồng và kinh doanh điều trên thế giới, thuận lợi trong việc nhập điều thế giới về cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chế biến” - ông V.GoPalakrishnan- Giám đốc phụ trách mảng điều của Công ty ETG tại Việt Nam chia sẻ.
Mặc dù vậy, ETG vẫn đánh giá rất cao chất lượng điều Việt Nam và công ty có kế hoạch tăng cường đầu tư, xây dựng một nhà máy chế biến hạt điều tại Việt Nam trong một vài năm tới.
Tương tự, Hiệp hội Điều các quốc gia Nigieria, Bờ biển Ngà, châu Phi, Úc... cũng cho biết hợp tác phát triển, kinh doanh ngành điều giữa DN các nước này với Việt Nam luôn tăng trưởng trong những năm gần đây. Không chỉ phát triển mảng chế biến, xuất - nhập khẩu hạt điều, các nước còn hợp tác với Việt Nam trong các khâu chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, mua bán máy móc chế biến hạt điều.
“Tuy nhiên một số chính sách hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và các quốc gia còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Như trường hợp các DN chúng tôi hợp tác sản xuất, mua máy móc chế biến điều của Việt Nam nhiều nhưng các thủ tục để Việt Nam cử kỹ sư qua hỗ trợ sửa chữa máy móc khi có sự cố còn nhiêu khê, mất nhiều ngày mới qua tới. Tôi hy vọng, bản ghi nhớ ký kết tăng cường hợp tác phát triển ngành điều được ký kết trong hội nghị này sẽ khắc phục được những vấn đề trên và đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác về công nghệ, kỹ thuật giữa DN Việt Nam và châu Phi” - ông Wayne Tilton- Chủ tịch Liên minh Điều châu Phi mong muốn.
Không chỉ ký kết với Hiệp hội Điều châu Phi, trong khuôn khổ hội nghị, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) còn ký kết bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển ngành điều với 2 tổ chức khác là Hiệp hội Điều Nigieria và Bờ Biển Ngà. Ngoài ra, các DN Việt Nam cũng ký kết hàng trăm hợp đồng mua bán, xuất - nhập khẩu hạt điều, máy móc chế biến hạt điều với khách hàng quốc tế.
Cam kết các tiêu chuẩn về chất lượng
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để tiếp tục phát triển ngành điều Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng, Bộ NNPTNT đang đề nghị các DN sản xuất, chế biến điều tích cực hơn nữa trong việc liên kết các vùng nguyên liệu theo hướng cánh đồng lớn bao tiêu sản phẩm cho nông dân và tiếp tục đầu tư hỗ trợ người sản xuất nguyên liệu thâm canh, trồng thay thế, ghép cải tạo nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng vườn điều. Đồng thời tiếp tục xây dựng một số chính sách mới như sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành điều Việt Nam, chính sách cho vay ưu đãi ở khu vực nông thôn trồng điều. Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chế biến sâu, nhất là các sản phẩm ăn liền từ hạt điều có giá trị gia tăng cao và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas, cam kết với các khách hàng quốc tế trong hội nghị, là hạt điều Việt Nam sẽ đảm bảo các tiêu chí “4 có” và “4 không”. “4 có” là: Có giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng tốt; Có quy trình sản xuất điều an toàn thực phẩm; có dây chuyền công nghệ chế biến điều tiên tiến (giữ nguyên hương vị, màu sắc của điều); có hệ thống ISO-HACCP-SRC-FSSC22.000... phù hợp với yêu cầu của thị trường. Và “4 không” là: Không có sản phẩm biến đổi gen; không sử dụng thuốc bảo về thực vật, phân hóa học trong danh mục cấm của Việt Nam và thế giới; không có nấm mốc, vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người và không sử dụng lao động cưỡng bức.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;