Như vậy, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì tính tới thời điểm hiện tại, nước ta có 13 doanh nghiệp được cấp chứng nhận ASC. Trong đó, có 5 trại nuôi cá tra ở Đồng Tháp, 4 trại ở Tiền Giang, 2 trại ở An Giang và 2 trại ở Cần Thơ. Ngoài ra, 5 trại nuôi cá tra khác đang trong quá trình được thẩm định để nhận giấy chứng nhận ASC.
ASC là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, bao gồm các vấn đề về môi trường, xã hội như: pháp lý, sử dụng đất và nước, kiểm soát ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải, di truyền và đa dạng sinh học, kiểm soát thức ăn, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất.
Bên cạnh đó, ASC còn đặt ra yêu cầu về một vấn đề khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam là trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xung quanh, thường được gọi chung là trách nhiệm xã hội. Chứng nhận ASC giúp nhà sản xuất đảm bảo với nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm và người mua rằng sản phẩm có nguồn gốc từ nhà sản xuất có trách nhiệm.
Việc các doanh nghiệp kể trên đạt được giấy chứng nhận ASC là điều đáng mừng vì nó cho thấy các doanh nghiệp đã chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu để đảm bảo sự bền vững của chính doanh nghiệp mình.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay khi các thị trường nhập khẩu lớn đều có xu hướng giảm sút thì việc nhận chứng nhận ASC càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi đây được coi là một trong những “giấy thông hành” cần thiết để các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể vững bước vào các thị trường lớn và khó tính trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Theo đánh giá của VASEP thì năm 2013 sẽ là năm nhiều khó khăn với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nào cũng gặp khó mà thực tế cho thấy thị trường xuất khẩu thủy sản hiện nay đang trong tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”.
Trong khi một số doanh nghiệp không tìm được khách hàng và bế tắc trong việc thâm nhập các thị trường lớn thì một số khác lại không sản xuất kịp vì số lượng đơn đặt hàng đổ về quá nhiều. Điểm khác biệt lớn nhất giữa các nhóm doanh nghiệp này chính là sự chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới về tiêu chuẩn nuôi và chế biến các mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng này.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản đạt các tiêu chí đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ASC, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), GAP (thực hành nông nghiệp tốt)… thường nhận được các đơn hàng lớn hơn, giá bán cao hơn, thậm chí là cao hơn 15-20% so với giá bán thông thường. Trong khi các doanh nghiệp không có các chứng nhận kể trên thường phải chật vật xoay xở tìm đối tác.
Nhìn lại thị trường cá tra Việt Nam có thể thấy sự tăng trưởng thần kỳ. Trong vòng 20 năm qua, khối lượng xuất khẩu cá tra của nước ta đã tăng 50 lần. Sản xuất cá tra đã đạt tốc độ phát triển chưa từng có trong bất kỳ lĩnh vực thực phẩm nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh chóng theo cấp số nhân đã dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm.
Bởi thế, hơn bao giờ hết, việc tập trung vào chất lượng sản phẩm, sản xuất bền vững và có trách nhiệm chính là biện pháp cần thiết mà các doanh nghiệp cá tra buộc phải làm để tự mở thêm cơ hội phát triển cho chính mình trong bối cảnh hiện nay.
Theo Nông nghiệp.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã