Rất nhiều rau củ quả bị đổ bỏ do không được bảo quản.
Dựa trên những kết quả của ngành nông nghiệp, các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định, thức ăn của Việt Nam vô cùng tươi ngon, nhưng đáng tiếc Việt Nam lại làm thất thoát một lượng lớn thực phẩm. Ông Julien Brun – Tổng Giám Đốc công ty CEL Consulting cho hay, thống kê từ cuộc khảo sát 150 nông dân thấy rõ, Việt Nam đang để thất thoát một lượng lớn thực phẩm, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Ông Julien Brun dẫn chứng cụ thể, một năm có khoảng 694.000 tấn thịt và 805.000 tấn thủy hải sản cùng nhiều rau củ quả bị thất thoát.
Nói về vấn đề này, ông Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Nông sản đang thất thoát lớn sau khi thu hoạch, khoảng 14% đối với gạo và 20 – 25% đối với mặt hàng rau củ quả. Nếu đi vào cụ thể từng sản phẩm sẽ còn cao hơn nữa. Liên quan đến tình trạng thất thoát thực phẩm, trước đó báo cáo của Tổng Cục Môi trường chỉ rõ, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam dự báo thất thoát khoảng 5.75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương ứng cho 60% lượng chất thải rắn trên cả nước.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng thất thoát thực phẩm, các chuyên gia kinh tế cho rằng là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, việc chậm áp dụng chuỗi cung ứng lạnh trong thu hoạch và chế biến nông sản nên thực phẩm bị hư hỏng, thối rữa. Sự thất thoát trên gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.
Ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Phát triển nông thôn miền Nam chỉ ra hàng loạt điểm yếu ngành nông nghiệp, từ sản xuất cho đến thu hoạch, chế biến và thị trường. Về sản xuất, cả nước có tổng cộng 13 triệu hộ nông dân nên sản xuất quy mô nhỏ, không bảo quản tập trung, chi phí cao, nhiều trung gian. Thu hoạch thì quá nhiều trung gian, thiếu nhà kho. Chế biến không đạt yêu cầu của khách hàng, 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, đa phần xuất sản phẩm thô. Thông tin thị trường về giá cả, nhu cầu chưa nhiều, đây chính là nút thắt của ngành nông sản xuất khẩu.
Chính vì phát triển sản xuất thiếu tập trung nên tỷ lệ thất thoát thực phẩm ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao. Đáng chú ý, từ nhà sản xuất cho đến đơn vị chế biến đều lơ là với công nghệ làm lạnh, bảo quản sản phẩm. Theo thống kê, hiện chỉ có 14% công nghệ làm lạnh được ứng dụng. Các lĩnh vực áp dụng công nghệ làm lạnh – mát như bơ sữa 30% áp dụng, rau củ mới chỉ áp dụng từ 7-8%.
Để ngành nông nghiệp thật sự phát triển, tránh những thất thoát không đáng có, năm 2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã có chính sách giảm thất thoát sau thu hoạch đến năm 2020. Theo kế hoạch trên, thất thoát lúa sẽ giảm còn 5%, rau củ quả còn 12%, thủy hải sản 10%. Thế nhưng sau một thời gian dài hiệu quả thực hiện chính sách này chưa phát huy do thiếu cơ sở thu hút đầu tư, thiếu kho lạnh ở vùng sản xuất, thiếu kho lạnh ở vùng tiêu thụ.
Thanh Giang/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã