Học tập đạo đức HCM

Tiến tới hạn chế những bức xúc xung quanh việc sử dụng đất nông nghiệp

Chủ nhật - 08/04/2012 09:40
Thời gian qua, nhiều vụ tranh chấp liên quan đến đất nông nghiệp mà điển hình là vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy việc quy hoạch và sử dụng đất còn bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có những văn bản, thông tư mới tạo điều kiện cho việc sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm, tạo nguồn lực phát triển đất nước.
Trước tình hình đó, sáng 6/4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức buổi đối thoại trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang với nhân dân cả nước về vấn đề đất đai, khoáng sản và môi trường.

 

 

 Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (Ảnh: K.D)

Bộ xin nhận trách nhiệm về những sai sót trong sử dụng đất đai...

Tại buổi đối thoại, trong phần trả lời các câu hỏi của bạn đọc, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một số sai sót liên quan đến vấn đề đất đai trong thời gian qua... Bộ trưởng cũng khẳng định: Tiến tới năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35% và đặc biệt hạn chế các vấn đề bức xúc trong việc sử dụng đất nông nghiệp.

Độc giả Trịnh Thúy Minh (Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội) hỏi: Hiện nay đang có tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả. Tình trạng này gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng nghĩ thế nào khi số phôi thất thoát này là nguyên nhân gây ra tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả.

Tại Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri khiến dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau. Phải nói rằng quy định hiện về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.

Về việc xử lý những người có trách nhiệm, pháp luật đã có quy định và chúng ta phải tiến hành theo luật.

Độc giả Trần Thị Thu Nga (Ứng Hòa, Hà Tây): Xin Bộ trưởng cho biết ngành chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình lên. Với tình trạng báo động về quy hoạch đất đô thị, đất nông nghiệp thiếu chuyên nghiệp hiện nay, ông có nghĩ là Bộ cũng có phần chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Vấn đề quy hoạch sử dụng đất rất được quan tâm, có tác động tới việc sử dụng đất có hiệu quả, tiết kiệm, Tôi khẳng định trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện Luật Đất đai, Nghị định 181, Nghị định 69, các văn bản này đều nói rõ Bộ có trách nhiệm thẩm định quy hoạch sử dụng đất của các địa phương…

Riêng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần phải tiếp tục xem xét, rút kinh nghiệm hơn nữa. Tôi rất đồng tình với ý kiến quy hoạch xây dựng có tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng đội ngũ cán bộ địa chính, nhất là ở địa phương còn nhiều hạn chế…

Sự yếu kém thể hiện ở phục vụ chiến lược phát triển còn nhiều hạn chế, tầm dự báo từ xa còn non yếu. Quy hoạch cách làm vẫn chưa bài bản, bó gọn trong địa phương nhất định, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng còn hạn chế… Như các tỉnh đều muốn có sân bay, cảng biển, khu kinh tế… trong khi một vùng chỉ cần 1 công trình là đủ giải quyết nhu cầu. Tôi cho đây là một vấn đề cần sớm xem xét, hết sức chú ý phân bố nguồn lực đất đai, chú ý tới tính liên kết vùng, không gian như thế nào…

Về trách nhiệm của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy rõ trách nhiệm trong thẩm định quy hoạch phải làm tốt hơn, nghiêm ngặt hơn, đạt các yêu cầu đặt ra, phối hợp với các ngành làm tốt thẩm định… Tôi cho rằng cần chú ý tới đội ngũ cán bộ địa chính các cấp mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo yêu cầu đặt ra trong câu hỏi của bạn.

Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới trong công tác này. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội quy hoạch sử dụng đất 10 năm tới, khắc phục được nhưng mặt yếu tôi đã nêu.

Sẽ hạn chế tối đa những bức xúc quanh việc giao và sử dụng đất...

Bạn đọc Nguyễn Thúc Lâm cùng một số bạn đọc (Hải Phòng): Thưa Bộ trưởng vừa rồi vụ việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn đã làm dư luận quê tôi cũng như cả nước quan tâm. Chúng tôi muốn biết tới đây có quyết định giao lại đất cho nhà ông Vươn tiếp tục nuôi trồng thủy sản nữa hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Mọi người đều biết, sau vụ Tiên Lãng được sự quan tâm của dư luận cả nước, đặc biệt là thông tin trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến về vấn đề này, thông báo số 43 của VPCP đã nói khá rõ.

Tôi xin nói thêm, vụ việc xảy ra có nguyên nhân khách quan, lĩnh vực đất đai có nhiều văn bản, Luật, Nghị định, Thông tư với gần 300 văn bản…, tức là lĩnh vực này hết sức phức tạp, đòi hỏi người thực thi công vụ phải nắm vững. Bản thân các văn bản cũng có nhiều vấn đề cần sửa.

Thứ hai, liên quan đến thực thi công vụ của các cấp chính quyền, với các quyết định giao đất, thu hồi, cưỡng chế…

Thứ ba, trách nhiệm của người sử dụng đất. Mỗi người dân phải có trách nhiệm sử dụng đất theo đúng pháp luật. Tôi cho rằng thông tin vừa qua mới chủ yếu nói đến vai trò của người thực thi công vụ, nhưng việc sử dụng đất của người dân cũng không phải không có vấn đề. 19,3ha mà ông Đoàn Văn Vươn lấn chiếm là như vậy. Nếu lấn chiếm thì phải thu hồi, nhưng huyện lại hợp thức hóa… Rồi vấn đề phá rừng phòng hộ như thế nào, hoặc chậm nộp thuế sử dụng đất, cho người khác thuê lại…; việc xây dựng nhà kiên cố dù huyện đã cho phép sử dụng nhà 1 tầng… Qua đó, phải thấy rằng bên cạnh cái sai của chính quyền, thì người sử dụng đất cũng phải tuân thủ pháp luật.

Sau vụ Tiên Lãng, chúng tôi đã có công văn yêu cầu các tỉnh kiểm tra các bãi bồi, chúng tôi cũng tổ chức các đoàn kiểm tra… Tinh thần là tất cả đều phải tuân thủ pháp luật, không suy diễn.

Vấn đề người dân mong đợi là xử lý mảnh đất của ông Đoàn Văn Vươn như thế nào, vì có liên quan đến chuyện tương tự pháp luật… Tôi vừa đi Thái Bình về, họ thực hiện cho thuê trên cơ sở đấu thầu, theo quy định của pháp luật và chưa có vấn đề gì.

Với gia đình ông Vươn, tôi đã nghe ý kiến của huyện, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng. Đề xuất của huyện là đất hết thời hạn từ năm 2007, diện tích 19,3ha đến năm 2011 là hết thời hạn, thì làm thế nào?

Theo quy định, chúng ta chuyển sang cho thuê, tôi đã giao Tổng cục Đất đai, Thanh tra Bộ tham mưu. Bộ sẽ có ý kiến chính thức là cho thuê theo quy định của pháp luật. Thời hạn bao nhiêu, tiền thuê như thế nào thực hiện theo quy định của pháp luật…

 

 

Độc giả Nguyễn Thị Út (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) hỏi: Hiện nay việc cấp Giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở còn rất chậm, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và Bộ đã có chỉ đạo như thế nào để khắc phục tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đây là một nhu cầu đang được chậm đáp ứng, Tôi đề nghị đồng chí Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai trả lời.

Cục trưởng Trần Hùng Phi: Về câu hỏi của bà Út, tôi xin trả lời như sau: Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2011, Bộ đã phối hợp, kiểm tra tình hình việc cấp giấy chứng nhận nhà ở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, tình hình cấp giấy nhìn chung rất chậm như bà phản ánh.

Có nhiều nguyên nhân, từ phía đầu tư, từ cơ quan Nhà nước từ người dân. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất, nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán xong...

Về phía cơ quan Nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, chưa cương quyết, chủ động... Một số trường hợp cơ quan chức năng từ chối thủ tục vì một số lý do chưa hợp lệ...

Về người mua nhà, nhiều dự án có mức độ chuyển nhượng mua đi bán lại với tỷ lệ lớn, trên dưới 70%, thông thường các trường hợp này chưa muốn làm thủ tục, trong đó có lý do ngại làm thủ tục sẽ phải chịu thuế, phí, đặc biệt là phí trước bạ.

Về giải pháp, Bộ sau khi hoàn thành kiểm tra đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1474/CT-TTg trong tháng 8/2011, đề cập giải pháp lâu dài và trước mắt. Về lâu dài, chỉ đạo địa phương chấn chỉnh ngay các dự án phát triển nhà ngay trong quá trình thực hiện, xử lý sớm các dự án có sai phạm.

Trước mắt, tập trung thanh tra kiểm tra các dự án có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu sai sót về phía chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp giấy chứng nhận cho họ.

Bạn đọc Phan Văn Thùy ở Vinh Nghệ An hỏi: Nghị định 84, Điều 21 quy định trường hợp tổ chức, công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nhưng ở nhiều địa phương các cơ quan không thực hiện theo đúng điều này?

Cục trưởng Trần Hùng Phi: Điều 21 Nghị định 84 quy định, tất cả các trường hợp phát hiện cấp quyền sử dụng đất có nghi vấn cần chuyển qua cho cơ quan thanh tra làm rõ, cấp có thẩm quyền sẽ thu hồi và thực hiện theo đúng quy định. Trường hợp bạn nêu đã có kiến nghị, đã thông báo nhưng cơ quan Nhà nước không thực hiện, rất mong bạn thực hiện quyền công dân là làm đơn khiếu nại, tố cáo tới cơ quan Nhà nước.

Bạn đọc Vũ Mậu Trịnh (Đông Hưng, Thái Bình); Nguyễn Trọng Thắng [thang_kcs258@...com.vn]; Hoàng Thủy (hoangthuyhanoi@...com]: Tới năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo NĐ 64. Vậy đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông? Làm thế nào để việc gia hạn đất nông nghiệp cho người dân tiếp tục sử dụng được thuận tiện, bớt thủ tục hành chính? Vì hiện nay tại nông thôn rất bất cập có trường hợp chết 8 năm nay vẫn còn ruộng và ngược lại có trường hợp sinh ra 8 năm nay vẫn không có ruộng mà là hộ nghèo và cận nghèo.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trường hợp này được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đối với trường hợp này. Trong luật đất đai 1993 (sửa đổi năm 2003) có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp như đất trồng cây ngắn ngày và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng cây lâu năm... Mốc thời điểm tính từ năm 1993. Thời hạn sử dụng là 20 năm. Như vậy, sang năm sau, 2013 là tròn 20 năm. Bà con rất quan tâm bây giờ xử lý như thế nào? Có tiếp tục cho sử dụng hay chia lại ruộng đất?

Tôi xin nói rằng, vừa qua, Bộ Tài Nguyên &Môi trường đã bàn, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Về thời hạn sử dụng đất, về thẩm quyền quyết định, theo luật, thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Hiện tại cũng phát sinh vấn đề khi giao dịch ngân hàng (như dùng sổ đỏ để thế chấp), với thời hạn sử dụng đất còn ngắn, thì sẽ tiến hành như thế nào?

Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn.

Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn.

Một vấn đề nữa, khi thời hạn sắp hết, đối với loại đất nêu trên, có tiếp tục cấp sổ đỏ hay không? Tôi xin trả lời, theo luật hiện hành, tiếp tục cấp sổ đỏ. Đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng. Còn thời hạn thì theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các Ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt đoạn.

Quan điểm chúng tôi là đất nông nghiệp là giao ổn định, lâu dài, tuy nhiên, có điều chỉnh nhất định trong trường hợp cần thiết, như trường hợp ở Thái Bình. Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thừa thì có sắp xếp lại đất đai, liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có xây dựng nông thôn mới. Có thể có điều chỉnh nhất định đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác. Theo tôi, với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi.

Tiến tới năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, các vấn đề đất nông nghiệp sẽ không còn quá bức xúc./.

Nguồn cpv.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập575
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại849,172
  • Tổng lượt truy cập92,022,901
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây