Học tập đạo đức HCM

Tràn lan và khó kiểm soát

Chủ nhật - 04/10/2015 20:37
Các loại thuốc tây được sử dụng khá phổ biến trong nuôi tôm ở các địa phương, nhưng việc quản lý, kiểm soát thực trạng này gặp nhiều khó khăn.

Mạnh ai nấy dùng

Ông M. ở xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, một hộ dân nuôi tôm trên cát nhiều năm khẳng định: “Nuôi tôm mà không sử dụng kháng sinh thì không thể phòng trị bệnh hiệu quả được. Người uống thuốc nào thì tôm cũng “uống” thuốc đó thôi”. Mới nghe qua, cứ tưởng rằng chuyện đùa. Thế nhưng, về các địa phương Quảng Ngạn, Điền Hòa, Phong Hải tìm hiểu mới thấy đây là thực trạng đáng báo động!

Ghé một số hộ dân nuôi tôm ở thôn Trung Hải, xã Quảng Ngạn, trong vai một sinh viên ĐH Nông lâm về tìm hiểu quá trình chăm sóc, phòng trị bệnh trên tôm nuôi, ông N. (thôn Trung Hải) cho biết: “Với hồ 2.000 m2, thả 50 vạn tôm sau khoảng 2,5 tháng cho thu hoạch khoảng 5 tấn tôm. Ngoài chi phí lớn như thức ăn, con giống, người nuôi phải bỏ ra từ 50 - 60 triệu đồng tiền các thuốc tây, muối khoáng, men tiêu hóa… để phòng và trị bệnh cho tôm.” Nói đoạn, ông N. vào trong lán trại đưa ra cơ man nào là các loại như men tiêu hóa DH, thuốc diệt khuẩn W99, khoáng bổ sung cho tôm Pre-mix cùng những thứ thuốc tây như Biolacplus, Teraxinlin, Becberin.

Khi tôm bị bệnh, người nuôi thường sử dụng kháng sinh trộn trong thức ăn rất nhiều hòng cứu hồ tôm nuôi  

Ông N. nói về cách pha chế: “Tùy theo lượng tôm trong hồ cũng như “tuổi” tôm mà pha chế các loại thuốc kháng sinh vào thức ăn cho phù hợp. Tôm càng nuôi về giai đoạn sau, hoặc đang bị bệnh thì phải tăng cường thuốc. Cứ 1 kg thức ăn có thể trộn từ 10 - 20 gram Becberin, Oxyteraxilin; từ 5 - 10 viên Biolacplus, Boganic để phòng trừ các bệnh liên quan đường tiêu hóa, bệnh gan. Cách thức trộn có thể hòa trong nước hoặc bỏ vào máy sinh tố đánh nhuyễn rồi trộn vào thức ăn”. “Sử dụng thuốc tây nhiều có ảnh hưởng chất lượng tôm không?- tôi hỏi. Ông N. thú thật: “Không bán cho công ty được thì bán cho thương lái trên địa bàn, có sao đâu”. Theo các chủ hồ nuôi, các loại thuốc tây, trong đó có kháng sinh, chủ yếu mua từ các tiệm thuốc tây trên địa bàn.

Đi lên vùng Ngũ Điền - “vựa” tôm lớn tỉnh, tình trạng sử dụng thuốc tây, trong đó có kháng sinh cũng đang rất phổ biến. Ông B. (thôn Hải Đông, xã Phong Hải), tiết lộ: “Nếu nuôi bình thường mình chỉ sử dụng tây dược nhằm bổ sung khoáng chất, men… ở mức độ vừa phải để phòng bệnh, còn khi tôm đã bị bệnh, người nuôi không cách nào khác phải sử dụng các loại kháng sinh để trị bệnh. Một hồ tôm bị bệnh khi đã lớn có thể “ngốn” cả trăm triệu đồng tiền thuốc.”

Các loại thuốc tây ông B. sử dụng như Biosubtyl, Kacmanut, Biobiclilis giá vài trăm nghìn đồng/hộp; trong đó có Oxyteraxilin, mua mỗi thùng 20 kg giá khoảng 10 triệu đồng. Ông B. cho biết: “Thuốc này là kháng sinh để trị bệnh trên tôm, dạng bột, có màu vàng. Khi tôm bị bệnh đã nổi lởm chởm trên mặt hồ thì sử dụng thuốc trộn tỷ lệ 10 - 20 gram/kg thức ăn phả xuống hồ. Thông thường, khi cuối vụ sử dụng các loại kháng sinh, thì mình phải giãn thời gian ra. Nếu không, khi bán cho các công ty thu mua tôm trên địa bàn, họ kiểm tra sản phẩm không đạt là họ không mua.”

 

Khó kiểm soát

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, từ trước đến nay người nuôi tôm trên địa bàn ngoài sử dụng các loại khoáng, chế phẩm bổ sung nằm trong danh mục cho phép được bán ở các đại lý, thời gian gần đây bà con còn sử dụng thuốc nam trong tôm nuôi. “Còn việc sử dụng tây dược, trong đó có kháng sinh cho tôm nuôi thì địa phương chưa nắm được”- ông Khánh khẳng định. Ông Nguyễn Chiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cũng khẳng định: “Địa phương cũng chưa hề nghe đến việc sử dụng thuốc tây trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Sắp đến sẽ phối hợp các ngành liên quan kiểm tra”.

Thuốc tây được sử dụng khá phổ biến trong vùng nuôi tôm Ngũ Điền  

Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh cho biết: “Hiện nay, người nuôi có sử dụng tây dược, có cả kháng sinh trong việc nuôi tôm để trộn vào thứ ăn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng trong trường hợp tôm đã bị bệnh. Trước thời gian thu hoạch người nuôi “giãn ra” để các dư lượng tồn đọng trong tôm được đào thải”. Để quản lý, kiểm soát các loại thuốc tây dược trong nuôi trồng thủy sản nói chung, ông Bình thừa nhận: Khi người nuôi tôm chủ yếu các hộ cá nhân mua các loại thuốc tây trôi nổi thì “cũng không biết đâu mà lần”. Mỗi tháng, đơn vị đều về các vùng tập trung nuôi để test sản phẩm tôm. Đến nay, vẫn chưa phát hiện các trường hợp có tồn dư các chất cấm như Cloramphenicol, Miccrophuram, Xanhmarachit. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng do điều kiện khách quan nên cũng chỉ kiểm tra được một số các chất cấm chứ không thể kiểm soát hết được.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng: “Hàng tháng, đơn vị cũng phối hợp với Chi cục NTTS, thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra định kỳ và ngẫu nhiên các vùng nuôi tôm tập trung, đặc biệt là các vùng nuôi có dịch bệnh theo Thông tư 45 của Bộ NN&PTNT, tiến hành lấy mẫu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc để xử lý. Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm tra do kinh phí có hạn nên nhiều lúc hiệu quả cũng chưa cao”. Ông Hưng cũng thừa nhận, biện pháp hiện nay chủ yếu thông qua chính quyền địa phương để tuyên truyền người dân là chính. Người nuôi tôm nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên, xuất bán ngay thì có thể nguy hiểm cho người tiêu dùng.

>> “Tôm thẻ chân trắng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thả nuôi khoảng trên 500 ha. Việc sử dụng các loại kháng sinh trong NTTS theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, người nuôi phải ngưng hoặc giảm lượng thuốc trong 4 tuần trước khi thu hoạch. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng, tiêu chuẩn của thị trường. Hiện nay, việc sử dụng thuốc tây trong nuôi tôm khó kiểm soát được.”- Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, nói.

Hà Nguyên 
Theo Báo Thừa Thiên - Huế
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập184
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại928,593
  • Tổng lượt truy cập92,102,322
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây