Nước ở đây không những có khả năng chữa được nhiều loại bệnh tật, nếu người ta uống lâu dài thì còn có thể làm đẹp da và đặc biệt còn có thể “gây nghiện”. Tiếng đồn gần xa, người dân ở khắp nơi cứ thế ùn ùn kéo đến, không quản nắng, mưa, gió, rét, đứng xếp hàng đợi vài tiếng đồng hồ có khi cả nửa ngày trời chỉ để được “mua nước thánh”.
Xếp hàng đợi mua “nước thánh”
Chúng tôi thẳng đường quốc lộ 15 tiến về xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) để tìm hiểu thực hư của câu chuyện nước giếng Cổng Kẹp có khả năng làm đẹp da, chữa bách bệnh.
Xe đạp, xe máy lẫn ô tô chờ đợi lấy nước.
Giữa cái nắng chói chang gần 40oC, một đoạn đường phía bên sườn núi Sắc, người già, người trẻ, thanh niên, nam nữ đứng chật kín dưới những bóng cây để tránh nắng, đợi đến lượt mình “hứng nước”. Người đợi cứ đợi, người đến cứ đến, hết người này xách can đi ra thì lại có người khác xách can đi vào. Một người phụ nữ trung niên đang ngồi đợi đến lượt mình mua nước cho biết: “Nước ở đây là “nước thánh” đấy! Uống ngon và mát lắm, trong người mà thấy mệt mỏi không khỏe ở đâu thì uống vào là người sẽ tỉnh táo, sảng khoái lên ngay. Người dân ở đây sử dụng nước này đến hơn chục năm nay rồi! Nếu có điều kiện dùng nước để nấu ăn, để tắm nữa thì lâu dần da dẻ sẽ trắng hồng hẳn lên, các o (cô-PV) cứ uống thử sẽ biết, uống rồi là nghiện ngay ấy mà, không uống được nước ở nơi khác nữa mô!”.
Ông Nguyễn Văn Hải, một người dân địa phương cho biết: “Nước ở đây dù là nước chảy từ khe núi ra, nhưng người dân ở đây phải đứng xếp hàng mua. Mỗi người chỉ được mua tối đa hai can (một can/20 lít) trong một ngày chứ không được hơn. Để có được hai can nước như thế phải đi từ rất sớm để đỡ phải đợi lâu, đôi khi đợi mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt mình, vì chủ thầu không cho “gửi”. Mỗi can quy định đối với người dân địa phương là một nghìn đồng, còn với người nơi khác đến thì tùy theo số lượng họ lấy mà chủ thầu tự ra giá bán”.
Theo như lời của những người dân địa phương, thì người dân ở xã Khánh Sơn hầu như hộ gia đình nào cũng có vài can nước được mua ở Cổng Kẹp để trong nhà uống dần. Điều đặc biệt là, nước ở đây không cần phải đun sôi, người ta mua về rồi cứ thế là rót ra uống dần đến khi hết lại xách can đi mua mà không ai thấy đau bụng bao giờ (?!). Không chỉ những người dân trong xã đến mua “nước thánh” mà hàng nghìn người dân ở nơi khác cũng đến xếp hàng đợi mua nước bằng đủ các loại phương tiện từ xe đạp, xe máy, xe thồ, xe bò... và có cả xế hộp hạng sang cũng về đây mua nước.
Người dân đang đợi hứng nước ở Cổng Kẹp.
Thực hư công dụng của “nước thánh”
Theo những cao niên trong vùng cho biết, nước ở Cổng Kẹp thực chất là một mạch nước ngầm chảy từ trong núi Sắc (thuộc hệ thống núi Thiên Nhẫn) chảy ra, nguồn nước này có từ rất lâu đời. Những người đi thả trâu thấy có mạch nước từ trong núi chảy ra thì cũng chỉ thỉnh thoảng uống khi khát và rửa cho mát chứ cũng không ai để ý. Đến thời kỳ Pháp thuộc, binh lính Pháp đã thăm dò và sử dụng như một nguồn nước sạch, khi đó người ta mới biết giá trị của mạch nước chảy không bao giờ cạn này. Sau năm 1968, khi mở đường (QL15 bây giờ-PV) các cô thanh niên xung phong cũng đã sử dụng nguồn nước này và lấy ống dẫn cho nước chảy qua đường như ngày nay.
Nói về việc nước Cổng Kẹp có khả năng làm đẹp da, chữa bách bệnh như lời đồn đại truyền tai nhau của người dân, ông Nguyễn Trọng Tranh, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: “Hoàn toàn không có chuyện nước Cổng Kẹp có thể làm đẹp da và chữa được bách bệnh. Đó chỉ là những lời nói bông đùa của người dân địa phương, bởi những câu chuyện ly kỳ được truyền tụng từ bao đời nay quanh dãy núi Thiên Nhẫn và mạch nước ngầm không bao giờ cạn ở chân núi Sắc mà thôi!”.
Để giải thích sâu hơn về nguồn gốc của những tin đồn thất thiệt này, ông Tranh cũng cho biết thêm: “Nước Cổng Kẹp có những điều rất đặc biệt mà người dân ở đây không giải thích được. Người ta không thể đoán biết được chắc chắn mạch nước này bắt đầu xuất hiện từ bao giờ, có thể là hàng nghìn năm trước? Nhưng có điều kỳ lạ là mạch nước này chưa bao giờ cạn và dòng chảy hoàn toàn không phụ thuộc vào thời tiết.
Chúng tôi đã thử rất nhiều lần để đo độ nước chảy, trung bình khoảng 1 phút 30 giây thì nó chảy đầy một can 20 lít nước. Trời mưa hay trời nắng cũng thế, và cho dù có bão đi nữa thì mạch nước chảy cũng vẫn như vậy không hề thay đổi. Hơn nữa, nấu cơm bằng nước này thì hạt cơm nhìn sẽ trắng sáng và ăn ngon hơn rất nhiều. Người dân ở đây cho dù có ăn thịt mỡ rồi uống nước này chưa qua xử lý cũng không thấy đau bụng bao giờ. Ai đã uống nước ở đây quen rồi thì khi uống nước ở nơi khác sẽ cảm thấy rất ngang, có muốn lừa là nước Cổng Kẹp cũng không lừa họ được”.
Được biết, tháng 7/2010, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã lấy mẫu nước kiểm tra và có kết luận đây là nguồn nước sạch tự nhiên đủ tiêu chuẩn để sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Hải, một cán bộ xã Khánh Sơn cho biết thì: “Dù đã được khuyến cáo là nước này phải sử dụng đun chín uống sôi, nhưng nhiều năm nay người dân vẫn cứ thế lấy về là sử dụng ngay không cần qua xử lý, chính quyền xã có vận động nhưng đã thành thói quen khó bỏ!”.
Nước cũng được đấu thầu
Phía trên giếng Cổng Kẹp được UBND xã dựng lên một tấm bảng “nội quy” rất to treo ngay trên sườn đường giống tấm bảng giới thiệu về khu di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh nào đó vậy! Tuy nhiên, trên bảng không hề có khuyến cáo người dân phải đun chín, uống sôi hay trích dẫn kết luận của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An về kết quả sau khi kiểm định nguồn nước ở đây.
Bà Trần Thị Tâm, một người dân sống gần đó cho biết: “Nước giếng Cổng Kẹp được ông Nguyễn Trọng Lịch đấu thầu làm chủ nguồn nước này từ năm 2009 đến nay. Người dân đến đây mua nước rất đông. Ngoài giá bán cho người dân địa phương như UBND xã quy định thì đối với người nơi khác đến ông ấy bán tùy theo các mức từ 1.000 đồng đến 5.000 đồng/1 can. Có khi 3h sáng đã có người đến mua nước cho đến tối mịt vẫn còn người đợi, mỗi ngày ông ấy cũng thu được khoảng 8 trăm đến 1 triệu đồng. Trước xã cho thầu một năm một với giá 120 triệu đồng/năm, nhưng nay họ cho lên một nhiệm kỳ 5 năm mới phải đấu thầu lại”.
Để giải thích cho “sáng kiến” vì sao UBND xã Khánh Sơn lại có quyết định cho đấu thầu nguồn nước ngầm tự nhiên dưới chân núi Sắc để cho chủ thầu bán lại cho người dân? Ông Nguyễn Trọng Tranh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Trước kia khi người dân được tự do lấy nước thỉnh thoảng lại xảy ra tình trạng tranh giành, xô đẩy, đánh đập nhau vì ai cũng muốn được lấy nước trước. Nhất là đám thanh niên, nhiều khi mâu thuẫn còn lấy gạch, đá ném nhau, thậm chí còn đâm chém nhau nữa nên chính quyền xã rất khó quản lý. Sau nhiều lần họp bàn, để ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, năm 2009, UBND xã Khánh Sơn đã có sáng kiến là cho đấu thầu mạch nước ngầm dưới chân núi Sắc này, và ông Nguyễn Trọng Lịch đã trúng thầu”.
Sau khi ông Lịch trúng thầu, lại có rất nhiều tin đồn thất thiệt của người dân về việc uống nước Cổng Kẹp có khả năng làm trắng da, chữa bách bệnh nên đã có rất nhiều người dân khắp nơi đổ về mua nước. Thậm chí có cả người ở tận ngoài Hà Nội về Nghệ An chơi có điều kiện cũng mua nước ở đây mang về uống. Chính vì vậy, đã xuất hiện một số hộ dân cũng đào giếng ở chân núi Sắc giả làm nước Cổng Kẹp để bán cạnh tranh với ông Lịch.
UBND xã chỉ quản lý nguồn nước đã được đấu thầu Vì để đảm bảo ANTT trên địa bàn mà UBND xã Khánh Sơn mới có “sáng kiến” cho đấu thầu nguồn nước ngầm tự nhiên để bán lại cho người dân. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng một số hộ tư nhân khoan giếng bên chân núi Sắc để bán nước cạnh tranh thì xã lại cho “vô tư” hoạt động dù nước đó chưa qua kiểm định. Bởi theo lời ông Nguyễn Trọng Tranh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài khe nước chính ở giữa mà ông Lịch đã trúng thầu do UBND xã quản lý ra thì những hộ gia đình mọc lên tự phát bán nước dưới chân núi Sắc để bán xã không quản lý. Người dân ở đây uống nước không phải ở Cổng Kẹp chảy ra là họ biết liền, vì nước ở những giếng của các hộ dân ấy có rêu, bẩn. Chỉ có những người bất đắc dĩ hoặc không biết thì họ mới mua của những hộ kinh doanh đó mà thôi”. |
HỒNG ĐIỆP – MY KHÁNH
Theo nguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã