Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1 đạt 19 tỷ USD, tăng mạnh với mức 33,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 33,7%. Cùng với đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 gồm: điện thoại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7%; dệt may đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%; giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18,2%... Đặc biệt, ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, bên cạnh điện thoại và linh kiện điện tử, mặt hàng dệt may và điện tử-máy tính-linh kiện cũng đã góp mặt vào câu lạc bộ tỷ USD. Cũng theo Bộ Công Thương, bước sang năm 2018 này, Trung Quốc đã vượt lên Hoa Kỳ và trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 17%; EU đạt 3 tỷ USD, tăng 6,6%; ASEAN đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,7%; Nhật Bản đạt 1,5 tỷ USD, tăng 18,6%; Hàn Quốc đạt 1,3 tỷ USD, tăng 28%. Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1 đạt 19,3 tỷ USD, tăng mạnh 47,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào tháng giáp Tết Nguyên đán. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 43,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 50,4%. Dựa vào chỉ số này cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 nghiêng về nhập siêu với 300 triệu USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,1 tỷ USD. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2018, Quốc hội đặt chỉ tiêu cho Bộ Công Thương tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Đáng lưu ý, năm 2018 là thời điểm bước ngoặt hết sức quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế đối với 98% biểu thuế (trừ mặt hàng xăng dầu đến năm 2024 thuế suất mới giảm xuống 0%). Với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đây cũng là thời điểm hết thời hạn chuyển đổi và bắt đầu phải thực hiện cắt giảm thuế với các mặt hàng Danh mục nhạy cảm. Bởi vậy, bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, việc điều phối để thực thi hiệu quả các hiệp định đã ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì thế, nếu doanh nghiệp không cập nhật thông tin kịp thời và bắt nhịp với thị trường thế giới thì đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi sân chơi toàn cầu. Theo baohatinh.vn |