Học tập đạo đức HCM

Để giống cây trồng, vật nuôi Việt... giảm nhập?

Thứ ba - 06/10/2020 04:57
Từ xa xưa, ông cha ta đã biết đến vai trò của giống trong sản xuất nông nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ qua câu tục ngữ “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.

Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường; đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa,… nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Có được kết quả đó do nhiều lý do nhưng chắc chắn có vai trò của công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, đầu tư cho phát triển giống chưa đến tầm; chưa được quan tâm đúng mức, mất cân đối; chưa huy động được nguồn lực xã hội cho công việc đặc biệt quan trọng này…

Hiệu quả cao nhờ dùng giống chất lượng

Hiện, việc dùng giống chất lượng cao, giống đầu dòng đang được các địa phương triển khai mạnh mẽ. Krông Nô (Đăk Nông) là một ví dụ về việc sử dụng giống mới, chất lượng cao.

Để tạo bước đột phá về  năng suất, chất lượng sản phẩm, liên tục từ năm 2015 đến nay, huyện Krông Nô đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể như xây dựng cánh đồng mẫu lớn 200ha, trồng giống RVT tại xã Buôn Choáh theo chuẩn VietGAP.  

t9.jpg
Nhờ dồn điền đối thửa nông dân xã Buôn Choáh có vùng sản xuất lớn, được cơ giới hóa 100% và dùng giống lúa chất lượng nên thu nhập tăng. Ảnh: Văn Tâm.

Song, sau nhiều năm canh tác, giống RVT bị nhiễm sâu bệnh nặng, dẫn đến thoái hóa, kém năng suất. Năm 2018, huyện đã thay bằng giống ST24 (do Sóc Trăng sản xuất). Kết quả, lúa gạo ST24 có chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt hơn giống RVT. Đặc biệt, giá lúa ST24 thương phẩm cao hơn lúa RVT, hiệu quả sản xuất cũng cao hơn 5-7 triệu đồng/ha/vụ, được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện, lúa ST24 đạt trên 50% diện tích, đang dần thay thế giống RVT.

Điều không ai có thể phủ nhận, giống tốt sẽ làm tăng năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản, vật nuôi; tăng thời vụ và giúp thay đổi cơ cấu cây trồng. Ai cũng biết, nếu trồng phải giống xấu, kém chất lượng, coi như mùa vụ đó mất trắng, không có mùa vàng bội thu. Vì vây, có thể khẳng định giống tốt, quyết định sự thành bại của cây trồng, vật nuôi.

Từ thành công trên, năm 2019, lúa gạo Buôn Choáh đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Lúa gạo Krông Nô”; đưa tên tuổi lúa gạo Krông Nô đến với nhiều người dân Tây Nguyên, tiếp cận được các thị trường Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung. Giá lúa Krông Nô luôn ở mức cao, 7.000 - 8.000 đồng/kg lúa tươi, cải thiện thu nhập đáng kể cho người dân. Vì vậy, huyện tiếp tục mở rộng cánh đồng lúa  VietGAP lên 500ha và hình thành vùng trọng điểm sản xuất lúa ở Krông Nô.

Lãnh đạo huyện Krông Nô cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện luôn tìm tòi, cải thiện chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Điển hình là lúa, ngô, sắn, đậu, bơ, cà phê và các giống bò, heo, dê... Tất cả đã được thay đổi theo hướng chất lượng cao, nhờ đó, sản xuất của bà con luôn ổn định, thu nhập được cải thiện.

Đặc biệt, giống cây trồng chủ lực dài ngày cũng được nâng cao. Tính đến cuối 2019 đã  đạt trên 30.000ha, trong đó, cà phê 18.427ha, sản lượng  56.563 tấn/năm. Để tái canh cà phê bền vững, huyện đã thay thế các giống mới như: TR4, TR9, TR11, TS1. Hiện, cà phê giống mới đạt trên 3.000ha, các loại cây ăn trái  trên 1.000ha. Từ thắng lợi trên, Krông Nô tiếp tục thay giống bơ cũ, hỗ trợ 3.200 chồi bằng giống mới Gem Has, Pinkerton chất lượng cao để bà con thay giống bơ mỡ, bơ nước chất lượng kém. Hỗ trợ sản xuất bơ theo chuẩn VietGAP, đạt diện tích 15,5ha.

Ngoài ra, huyện còn có nhiều mô hình giống mới như: rau an toàn, nấm, dâu tằm, sâm cau, đinh lăng, mật ong... Phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ HTX, các tổ chức sản xuất và hộ nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. 

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô:  Dự kiến đến năm 2025, Krông Nô phát triển 1.600 – 2.000ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng vùng lúa buôn Choáh 600ha; vùng ngô 500ha; vùng bơ và cây có múi công nghệ cao 400ha…Việc nâng cao chất lượng nguồn giống đã đem lại thu nhập lớn, ổn định cho nông dân... Vì vậy, huyện đang tích cực đẩy mạnh sản xuất và quan tâm đặc biệt khâu giống.

Nhờ dùng giống mới nên vải thiều - cây ăn quả đặc sản nổi tiếng của Thanh Hà (Hải Dương), huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã rải vụ thu hoạch, kéo dài thời gian thu hoạch từ 20-25 ngày lên hơn 2 tháng, vừa giảm áp lực khi chính vụ, vừa tăng thu nhập cho nhà vườn.

Còn nhiều những dẫn chứng về việc đưa giống mới vào sản xuất giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng nông sản, tăng và kéo dài thời vụ, tạo điều kiện thay đổi cơ cấu cây trồng mà trong bài viết ngắn này không thể thống kê.

Giống đặc sản Việt: Thành công bước đầu

Bà Lê Thị Thiện, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), người gắn bó hơn nửa cuộc đời với việc chọn lọc, nhân tạo giống cây ăn quả, cho biết, sau khi nghỉ hưu, bà chọn vùng đồi núi hoang vu xã Đông Sơn (Tam Điệp - Ninh Bình) và di chuyển hàng nghìn cây giống ăn quả đặc sản đầu dòng trên khắp  vùng miền đất nước, đưa về đây thuần dưỡng, lấy mắt ghép nhân giống. Thật kỳ diệu, tất cả các giống cây trên chỉ sau vài năm đã cho năng suất, chất lượng tốt, thậm chí, có quả ngon hơn khi trồng ở nơi được coi là khởi nguồn của nó.

Hiện, bà đã cung ứng ra thị trường gần 10 vạn cây ăn quả đặc sản các loại, chủ yếu là cam, bưởi, ổi, nhãn, xoài, hồng xiêm, mít, táo, bơ... Trong đó, có nhiều giống chất lượng cao như: bưởi Diễn tôm vàng, tôm xanh; nhãn muộn - giống nhãn ngon nhất miền Bắc, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, thời gian thu hoạch từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 hàng năm, khi các giống nhãn khác đã hết; cam cara không hạt, quả to, ruột đỏ, mọng nước, vị ngọt dịu; cam Quỳ Hợp, cam Quảng Yên, 2 giống cam đặc sản nổi tiếng thơm ngon của Nghệ An, Hà Tĩnh…

Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, song, thị trường giống vẫn đang bỏ ngỏ, phụ thuộc vào nhập khẩu. Từ  thực trạng đó, đòi hỏi nhà nước và doanh nghiệp phải phát huy vai trò của mình, cần có hướng đi mới để nâng cao chất lượng sản xuất giống.

Ở mảng chăn nuôi, các giống gà bản địa đặc sản của Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) cũng rất phong phú.  Hiện có trên 50 giống vật nuôi bản địa: lợn rừng lai, lợn Mán, lợn Mường Khương, lợn cỏ,… được giữ giống ở Viện Chăn nuôi.  Mặt khác, Viện đã phối hợp với các đơn vị bảo tồn được 44 giống vật nuôi có gen quý hiếm ở Việt Nam.

Trong đó, một số giống đã được phục hồi và trở thành hàng hóa như: lợn Móng Cái, lợn Mường Khương, lợn Táp Ná (Cao Bằng), ngựa Bạch, gà H’Mông, gà Tè (lùn), vịt Bầu Bến (Hòa Bình), vịt Kỳ Lừa, vịt đốm (Lạng Sơn).  Tuy nhiên, Viện mới chỉ nuôi giữ, phát triển được 9 giống gà, vịt, ngan, ngỗng tại Viện, còn lại được nuôi thả trong các hộ dân.

Đặc biệt, Viện Chăn nuôi đang bảo tồn 24 giống vật nuôi, trong đó có 7 giống gà quý: Gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn (Quảng Bình), gà kiến (Bình Định), gà Quý Phi, gà chín cựa, gà Lôi lam đuôi trắng, gà Xước Hà Giang. Do kinh phí eo hẹp nên Viện chỉ nuôi giữ được 2 giống lợn Ỉ và Lũng Pù; 3 giống thủy cầm; 7 giống gà và một số giống khác. Nếu phát hiện có giống vật nuôi quý hiếm, chỉ con nào có khả năng nhân giống mới đem về nghiên cứu; còn lại, dùng biện pháp hỗ trợ cho người dân thực hiện.     

Ở phía Nam, hàng năm, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh triển khai trên 20 nhiệm vụ nghiên cứu về giống cây trồng, bám sát mục tiêu các chương trình trọng điểm: hoa, cây kiểng; rau an toàn; giống cây, giống con chất lượng cao; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, thường xuyên đón các đoàn công tác từ nước ngoài và trong nước đến trao đổi về công nghệ chọn tạo giống, cũng như nhu cầu giống mới phục vụ sản xuất, từ đó xây dựng kế hoạch hợp tác nghiên cứu có hiệu quả.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có  (trang thiết bị, nhân lực), Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch đầu tư nghiên cứu, tạo giống mới trên các đối tượng chủ lực là rau, hoa, cây kiểng. Dự kiến, năm 2020 sẽ cung cấp 6-10 dòng lan lai; 1-2 dòng hoa chuông đột biến, 1-2 giống dưa lưới lai F1;  01-2 giống cà chua bi F1; hoàn thiện 2-3 quy trình công nghệ tạo giống hoa, kiểng lá mới, bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, chuyển gen và lai hữu tính.

Nhập khẩu là chính

Hiện, sản phẩm cây trồng thương mại hóa của Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh chưa nhiều, trong đó sản phẩm tạo ra từ ứng dụng công nghệ cao không đáng kể. Nguyên nhân, hầu hết các nghiên cứu cơ bản đi sâu vào lý thuyết chưa bám sát thực tế, chưa có sự gắn kết giữa nhà nghiên cứu và các đơn vị sản xuất. Đặc biệt, Trung tâm đang thiếu chuyên gia đầu ngành và cán bộ nghiên cứu, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, sử dụng công nghệ sinh học và sinh học phân tử.

t11.jpg
Cây giống hoa trồng tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: Cao Thăng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam còn hạn chế... Trong đó, sản xuất giống lúa mới đáp ứng 80%, ngô 40%, rau quả 20%, còn lại là nhập khẩu. Chỉ tính riêng giống cây trồng, trung bình mỗi năm phải chi 500-700 triệu USD để nhập khẩu, trong đó có 80% giống rau, hoa. Với lợn và gia cầm, mỗi năm phải chi 126-130 triệu USD để nhập khẩu giống.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Vũ Văn Việt, nguyên nhân khiến việc sản xuất giống chưa đáp ứng yêu cầu là do một số tập thể, cá nhân đã nhập công nghệ sản xuất giống, cho ra đời một số bộ giống tốt, song việc mua bản quyền giống mới diễn ra khá chậm. Mặt khác, việc đào tạo, tập huấn, kiểm soát chất lượng giống ở cả trung ương và địa phương chưa được quan tâm đúng mức, dẫn tới giống sản xuất trong nước luôn “thua” giống nhập khẩu cả về chất lượng và giá cả....

Hiện, cả nước có 415 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó doanh nghiệp chiếm 59%, các Trung tâm giống 31% và các thành phần khác 10%, song, không phải đơn vị nào cũng làm tốt chức năng của mình. Vì có rất ít doanh nghiệp kết hợp với các viện để đầu tư, nghiên cứu giống mới do chi phí cao. Thay vì đầu tư lâu dài, họ chỉ nhập khẩu giống về bán, để hưởng chênh lệch giá.

Tình trạng các doanh nghiệp đi buôn hạt giống đã gây không ít hệ lụy cho người sản xuất và ngành trồng trọt. Năm 2011, Cục Trồng trọt lập 15 đoàn kiểm tra tại 63 tỉnh, thành và 665 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Kết quả có 162 tổ chức, cá nhân vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.  Có 10 trung tâm, 4 công ty giống cây trồng cấp tỉnh, 3 Viện sản xuất kinh doanh giống, không có đăng ký kinh doanh... Cục Trồng trọt lấy 133 mẫu sản xuất kinh doanh giống lúa, có 18 mẫu không đạt tiêu chuẩn; lấy 29 mẫu tại Gia Lai, Đắk Lắk thì 8 mẫu không đạt quy chuẩn Việt Nam. 

Đâu là nguyên nhân?

Thực tế cho thấy, hiện chúng ta vẫn chưa có một chiến lược dài hơi về phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Nhất là việc nghiên cứu chọn tạo giống; sản xuất, chế biến, bảo quản và cung ứng hạt giống.

Ở phía Bắc, phần lớn các tỉnh đã có công ty giống cây trồng được cổ phần hóa. Song, các tỉnh phía Nam hầu hết vẫn là trung tâm giống nông nghiệp, chỉ có bốn tỉnh: Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai, An Giang có công ty cổ phần. Trong 13 tỉnh ĐBSCL duy nhất tỉnh An Giang có Công ty cổ phần BVTV An Giang.

Ông Nguyễn Như Cường,Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, công tác nghiên cứu giống cây trồng mới tập trung ở giống ngắn ngày: lúa ngô; giống cây ăn quả chưa được quan tâm đúng mức. Dẫn đến việc sử dụng giống chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật... Căn nguyên của vấn đề là do công tác nghiên cứu, chọn tạo giống, đòi hỏi kinh phí lớn, trình độ cao, và nhiều rủi ro, nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia

Mặt khác, việc nghiên cứu cây, con giống chất lượng cao, vẫn chưa thật sự “bắt nhịp” được nhu cầu thị trường. Mới chỉ tập trung vào cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh như lúa,  ngô (chiếm 80,6%). Một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật chưa đạt mục tiêu đề ra. Riêng trồng trọt, có tới 60% giống đậu tương, 50% giống lạc, 25% diện tích trồng sắn chưa sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật; 30% diện tích càphê trồng mới không rõ nguồn gốc giống…

Để có nền công nghiệp giống lớn mạnh, cần nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, kinh doanh giống, đưa giống đến với nông dân theo chuỗi giá trị với sự gắn kết chặt chẽ và cần một chiến lược có tầm nhìn xa.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, các cơ sở giống chưa đáp ứng nhu cầu đàn bố mẹ. Vẫn còn 37,5% số lượng bò thịt sử dụng giống địa phương năng suất thấp; 30% tổng đàn gia cầm chưa sử dụng giống năng suất cao, tiến bộ kỹ thuật. 20% cây giống lâm nghiệp chưa được chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. 50% giống cá tra, tôm sú chưa được kiểm soát chất lượng…

Lý giải về bất cập trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, theo quy định, thời gian công nhận giống cây trồng, vật nuôi ngắn ngày khoảng 18 tháng; cây dài ngày 6 - 7 năm; với giống trâu, bò, ít nhất cần 4 năm… Đây là một trong những nguyên nhân khiến các thành phần kinh tế chưa quan tâm nghiên cứu. Mặt khác, cơ chế, chính sách chưa thu hút được các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chọn tạo. Một bộ phận người dân còn thờ ơ trong việc ứng dụng giống mới chất lượng vào sản xuất

Đàn giống vật nuôi bố mẹ chưa được cải tiến, phần lớn con giống sản xuất từ cơ sở tư nhân, chất lượng chưa được kiểm soát. Giống vật nuôi Việt Nam cả số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Con giống chủ yếu mua từ các địa phương, quốc gia khác, tình trạng buôn bán, lưu thông giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không an toàn dịch bệnh thường xuyên diễn ra.

Báo động về thất thoát nguồn gen vật nuôi

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chúng ta vừa chưa có chiến lược quốc gia dài hạn, vừa đầu tư chưa thỏa đáng trong phát triển giống vật nuôi, trong đó có chương trình bảo tồn, phát triển và khai thác giống bản địa. Đồng thời thiếu luôn biện pháp đánh giá, kiểm soát lai tạo giống, dẫn đến tình trạng lai tạo giống tùy tiện. Giống chưa được đánh giá, kiểm soát chất lượng vẫn được lưu thông. Đặc biệt, một số giống nội địa đã bị pha tạp, có nguy cơ biến mất, nhưng thiếu giải pháp kiểm soát. Trong khi, giống nhập ngoại trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được nhập lậu từ các quốc gia lân cận rất nhiều.

t12.jpg
Lợn đen Mường Khương – con xóa đói nghèo ở huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Lục Văn Toán

Vì lý do trên, không ít nguồn gen lợn quý đã bị mai một như giống lợn Ỉ, lợn H’mông, lợn rừng, gà Ri… Trước đó, ít nhất đã có 8 giống vật nuôi bản địa của người Việt khá nổi tiếng như: lợn Ỉ mỡ, lợn Phú Khánh, lợn Thuộc Nhiêu, gà Sơn Vi.... đã mất hẳn do không có viện nghiên cứu, nhà khoa học nào lưu giữ, bảo tồn.

Ngành chăn nuôi trong thời hiện đại hóa, thiên tai dịch họa và bệnh tật, cùng sự mở cửa với thế giới bên ngoài, các giống ngoại được nhập ồ ạt, là những nguyên nhân gây ra thất thoát này. Hoặc, phong trào đổi mới giống chăn nuôi được nhân rộng, cũng là mối đe dọa đến nguồn gen bản địa. Trong khi đó, các địa phương không đủ sức để phát hiện, giữ lại các giống, quần thể vật nuôi tiềm ẩn. 

Bình thường, các giống nội địa vẫn được nuôi giữ, nhưng chỉ cần một trào lưu nuôi con giống mới, hay một đợt lũ quét là có không ít giống có thể bị tuyệt chủng. Ví như, lợn Vân Pa (của đồng bào Vân Kiều) có thói quen tự dọn ổ, sức đề kháng tốt, thịt thơm ngon, nhưng chỉ còn khoảng chục con, đang được làm đề án bảo tồn.

Thống kê của Viện Chăn nuôi, có 2 giống đã mất giống, 3 giống nguy cơ mất và 26 giống đang giảm nhanh về số lượng, chưa nói đến chất lượng. Theo FAO, đã có 5 giống bị tuyệt chủng, 50% số còn lại nằm dưới con số 20 con đực và 1.000 con cái. Điều đó khiến Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thất thoát nguồn gen vật nuôi.

Không riêng lợn, giống gà cũng vậy, việc nhập ồ ạt các dòng gà công nghiệp vô tội vạ, là những nguyên nhân chính gây ra nhiều loại dịch bệnh. Khiến gà thuần chủng bị lai tạp, dẫn tới khả năng chịu đựng bệnh tật kém và bị tuyệt chủng, ví như, giống gà Văn Phú (chủ yếu ở  Phú Thọ) nay đã vắng bóng.

Giải pháp từ thực tế

Sau hơn 10 năm triển khai, Đề án “Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” đã thu được những kết quả bước đầu. Song, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới vẫn chưa có bước “đột phá”, chủ yếu mới tập trung vào những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh…

Từ những tồn tại trên, mục tiêu đặt ra cho thời gian tới là: Nâng cao năng lực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra chỉ tiêu: Bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận, và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%; giống tiêu đạt khoảng 50%. Tỷ lệ giống cây lâm nghiệp mới, được công nhận đưa vào sản xuất đạt  70 - 80% trở lên. Đặc biệt, bảo đảm cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đối với thịt bò đạt 80%, lợn 95% và gia cầm 90%; chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng thủy sản…

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích các thành phần kinh tế, đầu tư sản xuất giống những cây trồng, vật nuôi được ưu tiên cơ cấu theo ba trục sản phẩm phát triển gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, thịt gia cầm. Nhóm chủ lực cấp tỉnh; nhóm đặc sản địa phương. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, có năng suất, chất lượng cao.…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo: “Thị trường chính là mệnh lệnh của sản xuất; sản xuất phải theo “tín hiệu” của thị trường. Hiện, thị trường đã thay đổi rất lớn, cứ khư khư ôm cơ cấu cũ, ôm lúa, ôm lợn là chết”. Tôi lấy thí dụ, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận phải hướng tới nền nông nghiệp sa mạc. Đồng bằng sông Cửu Long gắn với nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Khu vực Tây Bắc phải theo hướng cây ăn quả, cây dược liệu, chứ không phải là ngô nữa. Để thực hiện được mục tiêu đề ra thì khâu giống luôn luôn phải đi trước một vài bước”... Sắp tới , Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành đề án phát triển giống nông nghiệp giai đoạn mới, trong đó tập trung xoay quanh ba trục kinh tế ngành lớn là: lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp. Đề án mới được xây dựng trên cơ sở gắn bó chặt chẽ với thị trường.

Sản xuất theo “tín hiệu” thị trường

Vì những lý do trên, mới đây, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển, nghiên cứu, sản xuất giống giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 703/QĐ-TTg). Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam mở rộng lưu giữ 45-52 nghìn nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Đánh giá và khai thác nguồn gen, để phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống. Đảm bảo sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1; tỷ lệ cây giống trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc đạt 95%. Bảo đảm cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật đối với lợn đạt 95%, gia cầm 85-90%..

Với góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình, Trần Mạnh Báo đề nghị, để có giống phù hợp nhu cầu thị trường, Nhà nước cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia chọn tạo, sản xuất giống. Việc tạo điều kiện về đất đai, nguồn vốn sẽ giúp doanh nghiệp làm tốt hơn công tác nghiên cứu, thay vì chỉ nhập khẩu, đóng gói, gia công như hiện nay. Sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo bước chuyển mới trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước mắt, các cơ quan chức năng, cũng như các địa phương, cần sớm đánh giá để khai thác nguồn gen quý, phục vụ công tác nghiên cứu, chọn tạo giống. Trong đó, chú trọng giống bản địa mang tính đặc sản, khả năng chống chịu thiên tai, dịch bệnh tốt, tiến tới xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Đề án phát triển giống vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, hoàn thiện trong giai đoạn mới. Ví như, việc thích ứng thị trường chưa cao, vẫn tập trung quá nhiều vào giống lúa, trong khi nhiều giống khác phục vụ kinh tế vườn như rau, hoa, khoai tây… vẫn phải nhập khẩu rất lớn. Việc kêu gọi, huy động doanh nghiệp, chung tay phát triển ngành giống, chưa như mong đợi. Chưa thực sự chủ động tìm hiểu, hội nhập, đánh giá, phân tích nhu cầu, thế mạnh thị trường thế giới.

Vai trò quản lý của Nhà nước và cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội chưa được coi trọng và chưa trở thành nhân tố quyết định. Đầu tư công chưa đến tầm và chưa tạo được đột phá, nhất là vào các mũi trọng điểm định hướng. Chưa có một “quả búa tạ” trong công tác phát triển giống.

 Theo Dương An Như/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập264
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay33,946
  • Tháng hiện tại304,533
  • Tổng lượt truy cập92,682,197
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây