Học tập đạo đức HCM

Đưa giống ST25 ra phía Bắc sản xuất tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Thứ ba - 29/06/2021 00:13
Cục Trồng trọt cho rằng, việc một số đơn vị, doanh nghiệp, nông dân đưa giống lúa ST25 sản xuất ở phía Bắc khi chưa được khảo nghiệm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thời gian qua, giống lúa ST25 đã được một số đơn vị, doanh nghiệp, HTX cũng như nông dân đưa vào sản xuất thử nghiệm tại nhiều vùng trên cả nước, nhất là các tỉnh phía Bắc. Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) liên quan tới vấn đề này.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: TĐ.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: TĐ.

Hiệu quả, năng suất, chất lượng… của giống lúa ST25 ở mỗi nơi cũng có nhiều nhận xét, đánh giá rất khác nhau, ông đánh giá triển vọng và có khuyến cáo nào cho việc đưa giống lúa này ra sản xuất tại các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL?

Sau khi đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định công nhận giống cây trồng mới đối với giống lúa ST25 cho vùng sản xuất sản xuất ở ĐBSCL. Nghĩa là giống ST25 mới chỉ được Bộ NN-PTNT công nhận và cho phép lưu hành, trồng, sản xuất kinh doanh tại vùng ĐBSCL, chứ chưa công nhận và cho phép lưu hành, trồng, sản xuất kinh doanh tại các vùng khác tại nước ta.

Hiện tại, Luật Trồng trọt năm 2018 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo Luật Trồng trọt, cây trồng chính (trong có lúa) muốn được công nhận và cho phép lưu hành ở vùng nào thì phải tiến hành khảo nghiệm ở vùng đó.

Như vậy, nếu giống ST25 muốn được cấp quyết định lưu hành, trồng, sản xuất kinh doanh ở các vùng khác (ngoài vùng ĐBSCL) thì phải tiến hành khảo nghiệm trước khi được cấp quyết định lưu hành.

Thời gian qua, nhất là sau khi giống ST25 đoạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2019, đã có hiện tượng một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đem giống lúa này ra sản xuất thử nghiệm trong phạm vi của đơn vị, doanh nghiệp và ở một số diện tích tại các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL như Tây Nguyên, miền Trung, vùng ĐBSH…

Tình trạng này là chưa phù hợp với quy định của Luật Trồng trọt, vì giống ST25 chưa được tiến hành khảo nghiệm và cấp quyết định lưu hành tại các vùng khác ngoài vùng ĐBSCL.

Giống lúa ST25 sản xuất tại Kim Sơn (Ninh Bình) vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Lê Bền.

Giống lúa ST25 sản xuất tại Kim Sơn (Ninh Bình) vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Lê Bền.

Vậy với một số mô hình trồng thử nghiệm giống lúa ST25 tại các tỉnh phía Bắc thời gian qua, cá nhân ông đánh giá thế nào về sự phù hợp, năng suất, chất lượng gạo… của giống lúa này khi đưa ra trồng ở phía Bắc?

Như đã nói, việc một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tự đưa giống lúa ST25 ra trồng thử tại một số vùng khác (ngoài vùng ĐBSCL) khi chưa được thực hiện khảo nghiệm, chưa được công nhận và cấp phép lưu hành là chưa phù hợp với Luật Trồng trọt, nên bản thân tôi chưa có cơ sở để trả lời câu hỏi này.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới rất nhiều rủi ro trong sản xuất, nhất là từ những nguồn giống không được xác định rõ về nguồn gốc, xuất xứ.

Có thể một giống lúa khi đưa ra sản xuất ở nhiều vùng sinh thái, có thể vẫn sinh trưởng phát triển bình thường, nhưng không thể phát triển tối ưu.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, giống ST25 thích ứng, sinh trưởng phát triển tốt, cho chất lượng gạo rất tốt ở vùng tôm - lúa, vùng hơi lợ ở ĐBSCL.

Một số giống lúa thường sẽ phù hợp và phát huy hiệu quả cao nhất ở một số điều kiện sinh thái nhất định. Có những giống tính thích ứng rộng, có thể phát triển được ở rất nhiều vùng, nhưng để phát huy hiệu quả, năng suất, chất lượng, sự phù hợp tối ưu chỉ ở những vùng nhất định nào đó.

Một số vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) bước đầu cho thấy sự phù hợp với giống ST25. Ảnh: Lê Bền.

Một số vùng ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) bước đầu cho thấy sự phù hợp với giống ST25. Ảnh: Lê Bền.

Có nhiều đánh giá cũng cho rằng, ngay tại vùng ĐBSCL, gạo ST25 trồng ở Sóc Trăng mới ngon, chứ không phải vùng nào cũng ngon. Ông có bình luận gì về điều này?

Một giống lúa, dù có thích ứng rộng đến đâu nhưng không thể chỗ nào cũng phát huy hết đặc tính tốt nhất của giống. Và hầu như thực tế không một giống nào có thể tập trung được tất cả đặc tính tốt nhất của một giống lúa như năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, chất lượng gạo ngon tuyệt vời, khả năng thích ứng rộng, chống chịu tốt với sâu bệnh, chống đổ ngã…

Lý thuyết chúng ta hướng tới giống lúa như thế, nhưng thực tế thì hiếm có giống lúa nào hoàn hảo, đáp ứng được mọi tiêu chí, tích hợp được tất cả những đặc tính như vậy. Đương nhiên giống ST25 cũng vậy.

Nhưng một giống lúa có gạo ngon như ST25, thiết nghĩ chúng ta cũng rất nên khuyến khích nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa ra sản xuất trên diện rộng, thưa ông?

Vấn đề này phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của tác giả giống, của đơn vị, doanh nghiệp sở hữu bản quyền sản xuất, phân phối kinh doanh của giống ST25, xem họ có chiến lược mở rộng sản xuất, cung ứng giống đó ra phía Bắc hay các vùng khác ngoài vùng ĐBSL hay không.

Nếu đơn vị, doanh nghiệp nào đó có chiến lược muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, phân phối giống ST25 ra ngoài vùng ĐBSCL, thì phải được sự đồng ý của tác giả giống, và cần phải tiến hành quá trình đánh giá, khảo nghiệm tại các vùng khác (ngoài vùng ĐBSCL).

Trên cơ sở những kết quả khảo nghiệm, Cục Trồng trọt sẽ căn cứ vào những quy định hiện hành để đề nghị Bộ NN-PTNT cấp hoặc không cấp quyết định công nhận, cho phép lưu hành tại các vùng khác.

Xin cảm ơn ông!

Nơi hồ hởi, nơi thận trọng

Từ khi giống ST25 nổi lên sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất Thế giới, giống lúa này không chỉ được mở rộng sản xuất tại vùng ĐBSCL mà còn được các đơn vị, doanh nghiệp, nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước thuộc các vùng như Tây Nguyên, Trung Bộ, các tỉnh phía Bắc đưa vào sản xuất.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, giống lúa ST25 đã được nhiều địa phương vùng ĐBSH triển khai sản xuất thử. Tại tỉnh Ninh Bình, ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh này cho biết vụ đông xuân 2020 – 2021 là vụ thứ 3, tỉnh này đưa giống lúa ST25 vào sản xuất thử tại một số địa phương trong tỉnh với tổng diện tích khoảng 50ha.

Qua 3 vụ, đều cho thấy ST25 sinh trưởng phát triển rất tốt, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao và chất lượng gạo rất ngon, nhất là tại các vùng đất phèn, mặn tại huyện Kim Sơn. Tại huyện Kim Sơn, theo đánh giá, năng suất giống ST25 vụ đông xuân 2020-2021 đạt khoảng 69 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon. Nông dân, các HTX rất hồ hởi với giống lúa này bởi gạo ngon, được thương lái ưa chuộng mua với giá rất cao (khoảng 15.000 đồng/kg thóc).

Ông Vũ Khắc Hiếu cho biết thêm: Qua 3 vụ trồng thử, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn gần như không xuất hiện. Nhược điểm nhất của giống là bộ lá đòng lòng mo, rậm, rất dễ bị sâu cuốn lá và rầy. Tuy nhiên đây lại là 2 loại sâu rất dễ phòng trừ nên không ngại.

ST25 tỏ ra rất hợp với chân đất phèn, hơi chua và mặn ở vùng ven biển như huyện Kim Sơn, hợp cả vụ mùa và vụ đông xuân. Nhưng nhược điểm duy nhất chỉ là thời gian sinh trưởng hơi dài, từ 130-135 ngày ở vụ đông xuân, dài hơn các giống đại trà khoảng 7 - 10 ngày…

Trong khi đó tại tỉnh Thái Bình, vụ đông xuân năm nay, giống ST25 cũng đã được thử nghiệm trồng tại một số địa phương, nhất là các vùng ven biển. Tuy nhiên theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh này, giống ST25 trồng tại Thái Bình lại cho năng suất không cao, chỉ khoảng 170 - 180 kg/sào.

Tại Nam Định, trong kế hoạch triển khai sản xuất vụ mùa 2021, Sở NN-PTNT tỉnh này đã đề nghị các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ mô hình trình diễn giống lúa (ST24 và ST25) theo đúng quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp khi triển khai phải báo cáo, ký kết hợp đồng và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

https://nongnghiep.vn/dua-giong-st25-ra-phia-bac-san-xuat-tiem-an-nhieu-rui-ro-d295173.html
Theo Lê Bền(Thực hiện)/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay19,736
  • Tháng hiện tại1,020,191
  • Tổng lượt truy cập92,193,920
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây