Học tập đạo đức HCM

Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu mỗi năm có thu nhập tiền tỷ

Thứ tư - 12/08/2020 18:45
Qua 5 năm có hơn 79.400 hộ được công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó có nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi với các mô hình cho thu nhập tiền tỷ.

Hơn 79.400 hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi
Ngày 12/8, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2015-2020) và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW, ngày 04/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 1.
Ông Phạm Minh Hùng – Ủy viên Thường vụ, Trưởng Cơ quan thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại miền Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chúc Ly.
Để phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 và các phong trào hành động cách mạng ở nông thôn diễn ra sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân, trong những năm qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, là then chốt, là khâu đột phá để phát triển, nhân rộng phong trào.
Theo Hội ND tỉnh Bạc Liêu, xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là một trong những phong trào lớn, trọng tâm của Hội, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 01 về "Hỗ trợ ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập góp phần giảm nghèo, làm giàu chính đáng giai đoạn 2013 - 2016"; Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh (khóa X) ban hành Nghị quyết số 02 về "Phát huy vai trò chủ thể của ND trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản an toàn, bền vững giai đoạn 2018 - 2023".
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 2.
Ông Phạm Tuấn Tài – Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bạc Liêu chủ trì hội nghị. Ảnh: CL.
Qua đó, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, ND ra sức thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm giảm nghèo, vươn lên khá, giàu được đông đảo hội viên, ND tham gia đăng ký.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh phối hợp với Sở NNPTNT tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình trình diễn, tổ chức hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ về chăn nuôi, trồng trọt; cách phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức các hội thảo về canh tác lúa trên cánh đồng lớn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân vi sinh trong trồng trọt an toàn;...
Kết quả đã tổ chức 273 lớp trên 6.600 lượt hội viên, ND tham dự với kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Phát động 100% hộ hội viên ND sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 2.
Làm hồ nổi trên cạn nuôi tôm theo hướng công nghệ cao là mô hình tiên tiến, cho hiệu quả cao ở Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly.
Theo đó, qua 5 năm có hơn 170.000 lượt hộ đăng ký, qua bình xét có hơn 79.400 hộ được công nhận đạt danh hiệu hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt 108% chỉ tiêu Đại hội. Trong đó, cấp Trung ương 890 hộ, cấp tỉnh hơn 10.100 hộ, cấp huyện hơn 36.000 hộ, cấp cơ sở hơn 150.460 hộ.
Chia sẻ tại hội nghị, ND Nguyễn Tấn Nhã (ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai), cho biết: "Thông qua báo đài, vận động của Hội ND các cấp, tôi mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, cải tiến phương pháp sản xuất, chuyển đổi mô hình theo hướng đa cây, đa con. Với diện tích đất vườn tôi xây chuồng để nuôi ếch sinh sản và thương phẩm. Tôi sử dụng khoảng 1,5ha để thả cá kèo kết hợp nuôi cá phi đơn tính, 1ha còn lại tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Với cách làm này, nguồn thu nhập hằng năm của gia đình khá ổn định, năm 2019 doanh thu hơn 900 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hàng năm, tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng".
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 3.
ND Nguyễn Tấn Nhã có thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm nhờ mô hình đa cây, đa con. Ảnh: Chúc Ly.
Ông Phạm Tuấn Tài – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Qua phong trào, nông dân đã có bước chuyển biến rõ nét trong phương thức sản xuất, theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi tôm siêu thâm canh; nuôi tôm quảng canh sử dụng vi sinh; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao; mô hình chuyên màu, sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình lúa - tôm - cá; tôm - cua - cá; lúa - tôm; nuôi sò huyết; nuôi nghêu; mô hình chăn nuôi heo thịt, bò thịt, bò sinh sản...".

Bên cạnh đó, xây dựng mới và phát triển nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình trồng măng tây, nấm rơm, cua đinh, nuôi lươn... Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống hội viên, ND được nâng lên đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu và mỗi năm có hàng nghìn hộ thoát nghèo bền vững.
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 4.
Mô hình trồng nho trên đất phèn mặn của anh Phan Thanh Cần ở huyện Hồng Dân khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ảnh: Chúc Ly.
Từ hiệu quả của phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong hội viên, ND điển hình như hộ ông Phan Khắc Nhật Tiến (phường 5, TP.Bạc Liêu) nuôi tôm và các loại, cá với diện tích canh tác hơn 30ha, lợi nhuận gần 15 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Văn Chiến (ấp Tràm 1, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) kinh doanh xay sát, bán gạo, cám và thu mua lúa tự chế biến thành gạo thương phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, lợi nhuận 8,2 tỷ đồng/năm; ông Trịnh Công Sơn (ấp 21, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai nuôi tôm quảng canh, tôm càng xanh và trồng lúa trên đất nuôi tôm với diện tích 8,9ha, lợi nhuận trên 4 tỷ đồng…
Hỗ trợ nông dân về mọi mặt  
Ngoài ra, thực hiện phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội ND tỉnh 5 năm qua đã giải ngân được tổng số vốn hỗ trợ ND quay vòng hơn 56,3 tỷ đồng (tổng số 196 lượt dự án; tổng số người vay là 2.156). Các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động góp phần vào phát triển kinh tế tại địa phương và nhân rộng được các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh Bạc Liêu còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng NNPTNT và các tổ chức tín dụng khác trong tỉnh giúp ND tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sản xuất, hướng dẫn, tạo điều kiện để ND vay vốn, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; phối hợp với Sở Lao động, thương binh và xã hội tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho ND; tư vấn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho ND, giới thiệu việc làm cho trên 6.728 lao động trong độ tuổi lao động tại các công ty, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 38,8 triệu đồng/năm (năm 2015) lên 51 triệu đồng/năm (cuối năm 2019).
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 5.
Hội ND tỉnh phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho nhiều ND vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Chúc Ly.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Hội ND tỉnh Bạc Liêu xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình là làm cho cán bộ, hội viên, ND hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nội dung 19 tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, phát huy tốt vai trò chủ thể, nòng cốt trong việc xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, ND tham gia đóng góp ngày công, tiền, vật liệu, hiến đất... để thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, hội viên, ND tỉnh nhà đã hiến 924.360m2 đất; xây dựng 18 trạm bơm điện gắn với ô đê bao thủy lợi khép kín; xây dựng 19.200 tuyến lộ bê tông dài hơn 135.400km; làm mới, nâng cấp và sửa chữa 2.543 cây cầu bê tông; sên vét 12.180 tuyến kênh, mương thủy lợi chiều dài hơn 280.200m; xây dựng mô hình vườn - nhà xanh, sạch, đẹp và xanh, sạch, đẹp, an toàn…phát hoang bụi rậm theo các tuyến lộ trên 100.000km; trồng 80.550m hàng rào cây xanh tại các tuyến đường kiểu mẫu;...ND đóng góp trên 300.000 ngày công lao động, tổng giá trị đóng góp trên 250 tỷ đồng.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, Hội ND tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận, một số phong trào thi đua vẫn mang nặng hình thức, phát triển chưa đồng đều, chưa liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ. Ở một số đơn vị chưa nhận thức đúng mức còn xem nhẹ công tác thi đua - khen thưởng, việc bình xét hình thức khen thưởng chưa sát thực với tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước, báo cáo thành tích chưa cụ thể, còn dưới dạng hình thức, từ đó làm ảnh hưởng chung đến phong trào thi đua...
Đồng thời, một số yếu tố khách quan (thời tiết, dịch bệnh…) gây bất lợi cho người sản xuất cho nên ảnh hưởng đến phong trào thi đua, nhất là phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi; do sự tác động của thị trường về tiêu thụ sản phẩm thì không có đầu ra ổn định, giá cả hàng hóa nông sản thấp, mô hình sản xuất thì chưa đảm bảo tính bền vững còn nhỏ, lẻ.
Gặp những “siêu nông dân” của xứ Công tử Bạc Liêu - Ảnh 7.
Có 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Chúc Ly.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Cơ quan thường trực Trung ương Hội ND Việt Nam tại miền Nam, đã ghi nhận và biểu dương kết quả đạt được của các cấp Hội ND tỉnh Bạc Liêu trong phong trào thi đua 2015- 2020.

Theo ông Hùng, để phong trào thi đua yêu nước ngày càng lớn mạnh hơn đòi hỏi cán bộ, hội viên, ND cần phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn nữa, các cấp Hội phải luôn bám sát các chỉ tiêu, Nghị quyết của Đảng, của Hội, bám sát chương trình công tác trọng tâm của Hội để kịp thời phát động phong trào thi đua cho từng giai đoạn, từng thời gian thích hợp nhằm mang lại hiệu quả cao. Hội ND tỉnh cần chỉ đạo phong trào thi đua tập trung về cơ sở, khai thác nguồn lực trong ND, nông thôn. Phong trào gắn liền với nguyện vọng và lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên, ND.
"Các cấp Hội trên địa bàn cần chú trọng xây dựng các loại mô hình mới, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời và nhân rộng các mô hình ra diện rộng. Phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nuôi dưỡng phong trào để phong trào thi đua trở thành việc làm tự giác, thường xuyên trong cán bộ, hội viên, ND. Cần phát huy tính cần cù, sáng tạo gắn liền với phong trào thi đua yêu nước. Các cấp Hội tăng cường phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, xem đây là nhiệm vụ và trách nhiệm chung của Hội…", ông Hùng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, có 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 28 điển hình tiên tiến được nhận Bằng khen của Hội ND tỉnh.
Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên và các cấp Hội ND trong tỉnh đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong việc tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước và của Hội phát động, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh nhà.
Cụ thể, Hội ND tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì; 3 Huân chương Lao động hạng 3 cho 1 tập thể và 2 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 7 tập thể và 6 cá nhân; UBND tỉnh tặng 231 Bằng khen và 4 Cờ thi đua xuất sắc. Trung ương Hội tặng 182 Bằng khen và 347 Kỷ niệm chương "Vì giai cấp ND Việt Nam". Hội ND tỉnh xét tặng 299 giấy khen cho tập thể và cán bộ Hội các cấp; Hội ND cấp huyện tặng 625 giấy khen.
            https://danviet.vn/gap-nhung-sieu-nong-dan-cua-xu-cong-tu-bac-lieu-moi-nam-co-thu-nhap-tien-ty-20200812153542524.htm
Theo Chúc Ly/danviet.vn




 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay28,460
  • Tháng hiện tại259,164
  • Tổng lượt truy cập92,636,828
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây