Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP |
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xung quanh nội dung này.
Ông có thể nói rõ hơn sự khác nhau giữa hoạt động kiểm dịch và kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) được không? Hiện Việt Nam đang áp dụng quy định nào với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Có thể hiểu nôm na hoạt động kiểm dịch là dành cho các sản phẩm tươi sống còn kiểm soát ATTP là dành cho các sản phẩm đã qua chế biến.
Kiểm dịch với các phương pháp của thú y là các biện pháp, phương pháp có cơ sở khoa học để kiểm soát việc phát triển, lây lan dịch bệnh trong vật nuôi và môi trường vật nuôi. Kiểm dịch nhập khẩu là các biện pháp của Nhà nước áp dụng cho các đối tượng động vật và sản phẩm động vật có thể mang theo mầm bệnh để lây lan vào vật nuôi trong nội địa.
Vấn đề cốt lõi của kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (trên cạn, dưới nước) nhập khẩu chính là kiểm soát sự lây lan dịch bệnh cho vật nuôi và môi trường vật nuôi, chứ không phải là kiểm soát các tác nhân gây ra bệnh cho con người. Các sản phẩm nhập khẩu trong câu chuyện này là thực phẩm dành cho người tiêu dùng chứ không phải để nuôi trồng nên không thể có trong danh mục kiểm dịch được.
Hiện nay về kỹ thuật, chúng ta đang thực hiện hoạt động kiểm tra ATTP các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu, chứ không phải kiểm dịch. Các hoạt động kiểm tra ATTP đưa ra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như vi khuẩn gây hại như E.coli hay Salmonella. Nếu kiểm dịch thì phải kiểm tra các tác nhân (virus) gây bệnh trên con tôm, con cá…
Theo thông lệ quốc tế thì việc kiểm dịch được thực hiện như thế nào? Những quốc gia nào trên thế giới thực hiện kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Về cơ bản, việc kiểm soát dịch bệnh trong vật nuôi và môi trường vật nuôi dựa trên các tài liệu về dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cập nhật hằng năm.
Có hai tài liệu chính là “Terrestrial Animal Health Code” (tạm dịch: Đạo luật thú y động vật trên cạn) và Aquatic Animal Health Code (Đạo luật thú y thủy sản) - trong đó luôn quy định tiêu chí để đưa ra danh mục dịch bệnh và sau nữa là danh mục dịch bệnh cho từng đối tượng thủy sản (cá, nhuyễn thể, giáp xác)…
Hầu như không có quốc gia nào kiểm dịch đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu. Ngay như EU, thị trường đang kiểm dịch chặt chẽ nhất cũng chỉ yêu cầu chứng nhận an toàn dịch bệnh áp dụng đối với các loài cá và giáp xác còn sống. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu thủy sản còn sống sang thị trường này.
Có một số trường hợp đặc biệt như 2 quốc gia là Australia và Hàn Quốc thực hiện thêm phần kiểm dịch với nhóm sản phẩm này để đảm bảo an toàn dịch bệnh theo luật và đánh giá rủi ro của họ.
Tuy nhiên phải nói rõ khi thực hiện việc này, họ có thông báo theo quy trình cho Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và chỉ áp dụng với sản phẩm tươi đông lạnh chưa nấu chín. Những tác nhân, chỉ tiêu mà họ kiểm tra là các virus gây bệnh trên tôm, trên cá rất cụ thể.
Cụ thể, cách đây gần 5 năm, Australia đưa ra thông báo cho WTO biện pháp kiểm dịch virus gây bệnh đốm trắng và đầu vàng trên tôm tươi đông lạnh (chưa hấp chín, bỏ đầu, bỏ vỏ) nhập khẩu với lý do được đưa ra từ Báo cáo đánh giá an toàn sinh học có cơ sở, luận cứ của chính phủ nước này.
Theo đó, người dân Australia hay sử dụng tôm tươi làm mồi câu và du lịch câu cá ở Australia ngày càng phát triển, dẫn tới nguy cơ có thể lây virus gây bệnh sang môi trường nước của Australia. Các sản phẩm tôm tươi đông lạnh nhập khẩu vào Australia phải được ghi nhãn “Chỉ dùng làm thực phẩm cho người, không sử dụng làm mồi câu hoặc thức ăn thủy sản”.
Hàn Quốc, cách đây 3 năm, cũng có thông báo cho WTO việc kiểm soát dịch bệnh với một số tác nhân virus gây bệnh trên sản phẩm tôm, cá nước ngọt và hàu-bào ngư nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Một trường hợp nữa là Trung Quốc cũng chỉ ban hành quy định giám sát dịch bệnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng còn sống (giống EU) về virus gây bệnh còi, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, bệnh đốm trắng, và hội chứng Taura của 3 giai đoạn nuôi. Trung Quốc không có quy định kiểm soát dịch bệnh sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm.
Như vậy, chỉ Australia và Hàn Quốc mới có quy định và thực thi kiểm dịch - kiểm soát các tác nhân virus gây bệnh cho tôm/cá - đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Và họ đều có đánh giá khoa học cũng như công khai bản chất của quy trình là kiểm dịch, khác với việc kiểm tra ATTP thủy sản mà Cục Thú y đang áp dụng.
Ông có thể nói rõ vì sao cần gọi đúng tên quy trình này? Nếu không gọi đúng quy trình này thì doanh nghiệp bị tác động thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Hiện nay Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh, Canada và hầu hết các quốc gia có nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam (khoảng 160 quốc gia) chủ yếu nhập sản phẩm chế biến đông lạnh, đồ hộp, hàng khô… để dùng làm thực phẩm cho người. Các thị trường này đều chỉ áp dụng kiểm tra ATTP thủy sản nhập khẩu, bao gồm các chỉ tiêu cảm quan, vi sinh vật gây hại và/hoặc kháng sinh, hóa chất.
Trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản đi các thị trường khác nhau đều quen và hiểu rõ nguyên tắc kiểm tra và các chỉ tiêu an toàn thực phẩm mà doanh nghiệp phải áp dụng.
Việc kiểm soát và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (Health Certificate) chứ không phải giấy chứng nhận kiểm dịch (Veterinary Certificate) cho lô hàng sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu theo yêu cầu của rất nhiều thị trường nhập khẩu là hoàn toàn tuân theo các quy định và chỉ tiêu ATTP của các nước này và cả Việt Nam.
Ngành thú y Việt Nam đang thực hiện quy trình này và kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm này, nhưng khác cách gọi tên là quy trình kiểm dịch. Nếu thực hiện như dự thảo thông tư hay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT về bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT của Cục Thú y đang trình là không phù hợp.
Việc này không chỉ sai về bản chất khoa học mà còn đi ngược lại với tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính, khiến danh mục hàng hóa, bao gồm hàng chế biến, đông lạnh phải chịu kiểm tra nhập khẩu không hề giảm đi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Đỗ Hương (thực hiện)
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;