Huyện Bến Lức được xem là thủ phủ trồng chanh không hạt của tỉnh Long An với diện tích gần 6.000ha. Các vùng trồng trong huyện hầu hết lấy nước từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông.
Trồng chanh xen… cỏ dại
Huyện Bến Lức được xem là “thủ phủ” trồng chanh không hạt của tỉnh Long An với diện tích gần 6.000ha. Các vùng trồng trong huyện hầu hết lấy nước từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, tình hình khô hạn diễn biến phức tạp cùng với xâm nhập mặn ở mức cao như hiện nay đang gây ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng.
Tại xã Lương Bình, nước sông bị mặn nên nhiều nhà vườn không thể lấy nước tưới chanh. Nguồn nước dự trữ trong kênh nội đồng lại bốc hơi nhanh do thời tiết khô hạn. Ông Đỗ Hữu Lai - nông dân trong xã cho biết, chanh là loại cây trồng cần nước tưới thường xuyên, nhất là thời điểm đang cho trái. Dù đã trữ nước trong vườn theo khuyến cáo, nhưng ông Lai vẫn rất lo lắng vì nước trong ruộng chỉ đủ chống chọi chừng hơn nửa tháng nữa.
Tình cảnh nhiều chủ vườn chanh vật vã tìm nguồn nước cũng dễ bắt gặp ở khắp các vùng trồng khác của huyện Bến Lức. Thế nhưng, ở xã Lương Hòa, ông Trần Duy Thuận vẫn cứ thong dong đi ngắm chanh, ngắm cỏ mỗi ngày trong trang trại 14ha.
Ông Thuận giữa vườn chanh phủ đầy cỏ dại. (ảnh Trần Khánh)
Theo ông Thuận, các tài liệu hướng dẫn trồng chanh không hạt vẫn thường khuyên nên dọn sạch cỏ dại trong vườn. Chỉ một số ít vườn chanh hữu cơ mới khuyên không dùng thuốc diệt cỏ. Dưới cái nắng đầu giờ chiều, ông Thuận chỉ tay ra cánh đồng đằng xa bảo, một số nông dân vẫn áp dụng biện pháp canh tác cũ là diệt cỏ xung quanh gốc, khiến cây chanh bị vàng lá vì thiếu nước.
Ngay tại trang trại của ông, vườn chanh vẫn tốt tươi, trĩu quả. “Cỏ dại chính là bí quyết để chanh trong vườn chống lại cái nắng khắc nghiệt và phát triển bền vững” - ông Thuận khẳng định.
Thấy chúng tôi chưa tin tưởng lắm, ông Thuận giải thích, nhờ cỏ được nuôi giữ lại để che phủ mặt đất nên làm giảm bốc hơi nước. Bộ rễ cỏ còn giúp làm tơi xốp đất. Khi tưới, nước và phân thấm vào đất hiệu quả hơn.
Để cỏ mọc um tùm cũng đồng nghĩa với việc không phun xịt thuốc BVTV. Các vi sinh vật có lợi sẽ tồn tại, giúp ích cho đất và cây trồng. Không dùng thuốc xịt cỏ cũng giúp bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, trái chanh không nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, dễ dàng đáp ứng các yêu cầu khó tính của thị trường.
Khi tưới phân, cỏ sẽ “ăn” hết 20% lượng phân bón. Còn khi dọn sạch cỏ, lượng phân bón gặp nắng nóng bị bốc hơi đến 60–70%. Chưa kể, chính lớp cỏ bị hoai mục còn giúp bù đắp lại lớp hữu cơ tái tạo đất trồng. Ảnh: Trần Khánh
Hay như tại vườn thanh long 8 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Hùng (ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), nhiều năm qua ông không dùng thuốc diệt cỏ mà để mọc tự nhiên trong vườn, đồng thời kết hợp trồng hoa mười giờ ở lối đi. Nhờ đó, vào thời điểm hạn mặn khốc liệt nhất mùa khô năm nay, vườn thanh long của ông vẫn ra bông đều, tươi tốt, cứng cành, phát triển bình thường. Trong khi nhiều vườn thanh long trong vùng không có nước tưới đã héo cành, sụp dây, chong đèn rất khó ra bông.
Ông Hùng cho biết, việc giữ cỏ trong vườn đã giúp giảm thoát hơi nước, từ đó giảm lượng nước tưới cho cây mà vẫn giữ được độ ẩm cho đất. Lúc cây ra hoa thì nhánh vẫn phát triển bình thường trong thời điểm thời tiết khô nóng nhất.
Hại ít, lợi nhiều vô kể
Mô hình giữ cỏ dại trong vườn cây ăn trái đã được nhiều nông dân ĐBSCL áp dụng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, cỏ dại sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng, gây sâu bệnh và một số tác hại khác.
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì sản lượng trái từ vườn có và không có cỏ là tương đương. Nhưng đến mùa khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt như hiện giờ mới thấy cỏ dại phát huy lợi thế. Ảnh: Trần Khánh
Ông Thuận thừa nhận, để cỏ mọc quanh gốc thì nguồn dinh dưỡng của cây sẽ bị cạnh tranh. Tuy nhiên, bằng các thực nghiệm cụ thể, ông khẳng định việc giữ cỏ dại sống chung với chanh không hề hấn gì. Khi tưới phân, cỏ sẽ “ăn” hết 20% lượng phân bón.
Thế nhưng, nếu dọn sạch cỏ, lượng phân bón gặp nắng nóng bị bốc hơi có khi lên đến 60-70%. Chưa kể, chính nguồn cỏ hoai mục sau này còn giúp bù đắp lại lớp hữu cơ, tái tạo đất trồng.
Theo ông Thuận, nhiều người làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống, thường không để ý đến các con số cụ thể. Ví dụ như khi vườn chanh cho trái ít và nhỏ thì chỉ nghĩ rằng do thiếu nước tưới. Thế nhưng, người làm phải biết đánh giá kỹ lưỡng thiệt hơn ở từng mô hình.
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng trái từ vườn chanh có cỏ và vườn dọn sạch cỏ dại là tương đương. Nhưng đến mùa khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt mới thấy cỏ dại phát huy lợi thế.
Bình thường, chỉ cần 15 trái chanh có thể cho trọng lượng 1kg. Vào mùa khô, trái nhỏ, phải 20 trái mới đạt 1kg. Cỏ giúp chanh không mất nước nên năng suất luôn duy trì ổn định. Ảnh: Trần Khánh
Cụ thể, bình thường, 1kg chanh chỉ cần khoảng 15 trái. Vào mùa khô, trái nhỏ lại, 1kg chanh cần đến 20 trái. Khô hạn khiến cây không đủ sức nuôi trái, nếu khô hạn kéo dài cây sẽ chết hoặc vụ sau kém năng suất. Một khi cây đã bị mất sức thì cả vòng đời rất khó phục hồi.
Hạn hán và xâm nhập mặn đang tiếp diễn ở miền Tây, nhưng toàn bộ diện tích chanh 50ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức do ông Thuận làm giám đốc đều áp dụng mô hình giữ cỏ dại nên cho năng suất ổn định, cây không bị ảnh hưởng.
HTX còn cho lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước dưới mỗi gốc chanh và áp dụng cơ giới hóa chăm sóc toàn bộ trang trại. Mô hình “nuôi” cỏ dại giúp cây chanh chống hạn cũng đang được một số nông dân tại huyện Bến Lức học tập và áp dụng vào sản xuất.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, xâm nhập mặn có khả năng còn tiếp tục nghiêm trọng trong tháng 4. Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực cửa sông Cửu Long từ 8 - 15/4. Để các vườn cây ăn trái không bị suy kiệt do thiếu nước và nhiễm mặn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo bà con nông dân sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây; có kế hoạch lấy và trữ nước vào các thời điểm thích hợp. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã