Lỷ A Lồng, Đảng ủy viên, Chỉ huy trưởng quân sự xã Quảng Lâm, phụ trách bản Siệc Lống Mìn hướng dẫn người dân trong thôn thu hoạch quế.
Chặng đường 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian chưa phải là dài đối với một xã còn nhiều khó khăn nhưng điều khẳng định, chương trình xây dựng NTM đã thực sự tạo sự đổi thay căn bản để tạo thế và lực cho người dân xã Quảng Lâm biến thách thức thành hiện thực.
Đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, giải pháp đầu tiên được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã là làm thế nào để người dân thay đổi tập tục canh tác sản xuất, phá bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, phá thế độc canh. Vì vậy, xã Quảng Lâm đã đổi mới cách làm ngay từ khâu phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên. Không chỉ cán bộ được phân công phụ trách địa bàn phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho công việc được giao, mà ngay cả các đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, hay Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã, hàng tuần đều phải dành thời gian đến tận các hộ gia đình, hay các vùng sản xuất, canh tác của người dân vừa là kiểm tra thực tế, vừa là để chuyển tải những cách làm mới trong sản xuất, canh tác cho người nông dân. Đồng thời, Đảng ủy xã cũng giao nhiệm cụ thể cho từng đảng viên ở các Chi bộ thôn, bản để tuyên truyền, cầm tay chỉ việc cho người dân phát triển các mô hình kinh tế, cũng như mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển các mô hình kinh tế nên giờ đây người dân cũng đã có những chuyển biến rõ nét về tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Tằng Văn Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Lâm, cho biết: Việc lựa chọn đối với cán bộ được phân công phụ trách địa bàn, không chỉ biết tiếng địa phương, mà người cán bộ đó phải có kiến thức, trình độ về sản xuất, canh tác. Đặc biệt, ngoài công tác tuyên truyền thì cán bộ phụ trách địa bàn phải cầm tay chỉ việc. Theo đó, hàng tháng cán bộ được phân công phụ trách địa bàn phải báo cáo cụ thể công việc được giao. Điều này, giúp cho đội ngũ cán bộ xã ngày càng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trong phát triển các mô hình kinh tế cũng ngày một hiệu quả hơn.
Một chủ trương phù hợp với thực tiễn là cơ sở cho việc triển khai thực hiện, bằng những việc làm cụ thể, công việc cụ thể đã tạo được sự thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới và phát triển các mô hình kinh tế. Mặt khác, đối với đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt, nhận thức đầy đủ hơn và chỉ đạo chương trình có hiệu quả hơn, nhất là trong thực hiện việc nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Từ một hộ gia đình sau nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn, của xã, nhưng từ khi được cán bộ xã đến tận nhà, ra tận vườn hướng dẫn cách thức chăm bón cây, đến nay khu đồi quế của gia anh Chíu A Tài, bản Siềng Lống, xã Quảng Lâm đã đến kỳ thu hoạch. Anh Tài cho biết: Không chỉ riêng gia đình anh, mà giờ đây hầu hết người dân trên địa bàn thôn đều không bỏ hoang đất nữa, và mùa thu hoạch cây quế năm nay, nhà nào cũng có thu nhập nên người dân trong thôn rất vui.
Chíu A Tài, bản Siềng Lống thu hoạch quế.
Bên cạnh việc người dân tích cực phát triển các mô hình trồng rừng, trồng các loại cây bản địa có hiệu quả kinh tế cao, thì hình ảnh về khu đất ruộng canh tác kém hiệu quả của các thành viên, hợp tác xã Quế Lâm chuyên sản xuất rượu khoai thuộc bản Tài Lý Sáng, nay đã được chuyển đổi thành nhà xưởng sản xuất rượu khoai cũng là một minh chứng về một mô hình phát triển kinh tế của người dân xã Quảng Lâm.
Với quy mô đầu tư, sau khi xưởng sản xuất đi vào hoạt động, mỗi năm sản phẩm rượu khoai do Hợp tác xã sản xuất đã cung cấp ra thị trường trên 20.000 lít rượu khoai, mang lại lợi nhuận lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, khi cơ sở sản xuất của hợp tác xã đi vào hoạt động, ngoài số lao động trực tiếp tại hợp tác xã có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, thì những người dân trên địa bàn xã có thêm một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Sản xuất rượu khoai tại hợp tác xã Quế Lâm.
Có thể nói, chương trình xây dựng NTM đã chắp cánh cho những người nông dân trên địa bàn xã Quảng Lâm ngày càng thêm nghị lực, có thêm nhiều cơ hội phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả hơn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự sáng tạo trong triển khai, xây dựng NTM ở Quảng Lâm đang ngày càng lan tỏa, tạo cho bộ mặt nông thôn của xã vươn lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng quê hương Đầm Hà ngày một đẹp giàu.
Theo Phạm Thái/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã