PV Dân Việt đến thăm gia đình anh Triệu Văn Lương và chị Triệu Thị Hiền (xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) trong một ngày đầu tháng 4. Dù đang tất bật với công việc tại xưởng sản xuất tăm hương, nhưng hai vợ chồng vẫn nán lại tiếp chuyện PV Dân Việt.
Nhìn căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của anh chị, ít ai biết rằng, do hoàn cảnh khó khăn, chị Hiền chỉ học hết lớp 2. Còn anh Lương thì cũng chỉ học hết lớp 5.
Chị Hiền cho biết, khi mới lấy nhau, gia đình chị chẳng có tài sản gì đáng giá. Dù hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn nhưng cái khó, cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Đến năm 2015, thấy ở địa phương có một số cơ sở sản xuất tăm hương, anh chị bảo nhau "làm liều" một phen.
"Lúc đó vốn liếng trong nhà chỉ có 20 triệu đồng, trong khi giá máy làm tăm hương đã mất 40 triệu đồng. Nghĩ vậy, hai vợ chồng chúng tôi vay mượn anh em trong gia đình để mua lại 2 chiếc máy làm tăm hương cũ về tự làm với nhau", chị Hiền kể.
Ban đầu khi mới mở xưởng tăm hương, anh chị cũng gặp phải không ít khó khăn. Dần dà, khi đã có nguồn thu nhập, anh chị từng bước mở rộng thêm quy mô diện tích nhà xưởng và thuê thêm nhân công.
Nhờ mở xưởng sản xuất tăm hương, đến nay gia đình anh chị đã thoát khỏi hộ nghèo, có cơ ngơi tương đối khang trang với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Hiện nay, anh chị đã mở rộng diện tích nhà xưởng lên đến 10.000m2 và 19 máy làm tăm hương. Gia đình chị Hiền cũng tạo công ăn việc làm cho 30 – 40 nhân công, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Dao.
Mỗi công nhân làm việc tại xưởng có mức thu nhập từ 3 – 8 triệu đồng/người/tháng, tùy theo khối lượng sản phẩm làm ra.
Chị Hiền chia sẻ, so với làm ruộng hay làm công ty phải xa nhà, việc sản xuất tăm hương này chủ động về thời gian, do đó chị em phụ nữ có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Bởi vậy, nhiều người đã bỏ việc ở công ty để về làm việc tại xưởng sản xuất tăm hương của gia đình chị.
Chị Đặng Thị Hương (xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) - công nhân làm việc tại xưởng sản xuất tăm hương cho biết: "Tôi bắt đầu làm việc tại đây từ lúc bắt đầu mở xưởng đến giờ. So với công việc làm ruộng thì công việc này đỡ vất vả hơn mà lại không bị gò bó về thời gian. Thu nhập trung bình mỗi tháng của tôi hiện nay là từ 5 – 6 triệu đồng".
Theo chị Hiền, do bà con trong vùng trồng nhiều cây tre phấn, nên gia đình chị rất thuận lợi trong nguồn nguyên liệu với chi phí thấp.
Hiện tại với 19 chiếc máy làm tăm hương, mỗi ngày xưởng sản xuất của anh chị làm ra được khoảng 1,6 tấn sản phẩm cả chân hương và tăm. Giá tăm hương hiện nay là 11.000 đồng/kg, còn tăm vip có giá 34.000 đồng/kg.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng hóa làm ra bị chững lại, ảnh hưởng đến hoạt động của xưởng. Tuy nhiên đến thời điểm này, xưởng đang dần hoạt động ổn định trở lại.
Ngoài ra, gia đình chị còn mua máy nghiền để nghiền rác thải phát sinh từ sản xuất tăm hương thành bột, sau đó bán cho các công ty sản xuất giấy. Nhờ vậy, gia đình chị vừa có thêm thu nhập, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Chị Hiền cho biết, sắp tới anh chị sẽ mở rộng thêm quy mô diện tích nhà xưởng để sản xuất gỗ bóc, vừa tăng thu nhập, vừa tạo thêm việc làm cho bà con trong vùng.
Ông Bàn Sinh Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết, xã Hợp Tiến là một xã khó khăn của huyện Đồng Hỷ với 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, 98% dân số xóm Mỏ Sắt là đồng bào dân tộc Dao. Bà con nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên thu nhập rất thấp.
Xưởng sản xuất tăm hương của vợ chồng chị Triệu Thị Hiền đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình.
Ngoài ra, gia đình anh chị còn là một trong những hộ có nhiều đóng góp cho các phong trào của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới và giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Dao nơi đây.
https://danviet.vn/thai-nguyen-vo-chong-nguoi-dao-kha-gia-lai-giup-duoc-nguoi-lang-co-viec-lam-quanh-nam-nho-nghe-nay-20210405111923893.htm
Theo Hà Thanh - Kiều Hải/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã