Đảm bảo môi trường sống cho chim sạch sẽ thoáng mát Ảnh: Xuân Trường
Nguyên nhân
Mầm bệnh là vi khuẩn Yersinia pseudotyberculosis do nhà nghiên cứu Pháp tìm ra năm 1883 và được Pfeyfer phân lập, mô tả đầy đủ vào năm 1889. Yersinia pseudotyberculosis là một loại trực khuẩn gram âm, tròn ở hai đầu (hình chùy), kích thước 0,8 - 2 × 0,4 - 0,8 micromet, còn gọi là vi khuẩn lưỡng cực vì khi nhuộm bắt màu sẫm ở hai đầu, không tạo thành nha bào, không vỏ bọc. Vi khuẩn phát triển tốt trên môi trường thạch pepton, thạch máu có thêm một số axit amin và thích hợp ở nhiệt độ 370C, có sức chịu đựng kèm với điều kiện khô và ánh sáng mặt trời. Đun nóng 600C vi khuẩn chết sau 10 - 30 phút, ở 1000C chết sau 10 giây, các thuốc khử trùng thông thường đủ diệt vi khuẩn trong 30 - 60 giây. Nhưng có thể bảo quản hàng năm trong môi trường thạch để ở nhiệt độ lạnh. Hiện có 6 serotyp vi khuẩn đã được xác định là typ I, II, III, IV, V, VI và 8 subtyp gây bệnh cho một số loài chim và thú.
Đặc điểm dịch tễ
Đối tượng: Trong tự nhiên, nhiều loài gia cầm và chim trời bị bệnh giả lao như gà nhà, gà rừng, ngỗng, vịt, gà tây, bồ câu, vẹt... Nhiều loại thú nhỏ cũng nhiễm vi khuẩn như: khỉ, chuột lang, thỏ, chuột bạch... khi tiêm truyền thực nghiệm. Bồ câu non dưới một năm tuổi thường nhiễm vi khuẩn và bị bệnh thể cấp tính.
Đường truyền bệnh: vi khuẩn chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa. Chúng tồn tại và lưu hành trong môi trường tự nhiên và thức ăn. Chim ăn uống phải thức ăn nước uống bị nhiễm vi khuẩn sẽ bị mắc bệnh. Vi khuẩn cũng xâm nhập vào cơ thể chim qua đường hô hấp, do hít thở không khí có vi khuẩn.
Cơ chế gây bệnh: Khi tấn công vào cơ thể chim, vi khuẩn nhanh chóng xâm nhập vào hệ thống hạch lâm ba, phát triển nhanh số lượng, rồi vào máu, đến các phủ tạng như gan, lách, phổi, thận và ruột. Các trường hợp bệnh cấp tính, vi khuẩn tăng số lượng, rồi vào máu, đến các phủ tạng như gan, lách, phổi, thận và ruột. Các trường hợp bệnh cấp tính, vi khuẩn tăng số lượng rất nhanh trong máu, gây nhiễm trùng huyết. Khi đến các phủ tạng, vi khuẩn sẽ tồn tại ở đó gây ra hiện tượng viêm nhiễm với các hạt nhỏ có chứa bựa vàng xám, giống như các hạt lao dạng “lao kê”. Các hạt này đôi khi cũng có ở tổ chức cơ.
Triệu chứng
Chim bệnh có biểu hiện tăng thân nhiệt, bỏ ăn, niêm mạc tụ huyết đỏ sẫm, mắt nhắm, đứng ủ rũ, thở khó, chảy nước mũi, nước mắt; sau đó xuất hiện ỉa chảy phân xanh vàng. Bệnh tiến triển nhanh. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ 1 - 2 ngày, Chim bệnh chết sau 2 - 4 ngày, từ khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên.
Bệnh tích
Khi tiến hành mổ khám thấy: bao tim có tụ huyết, đôi khi có dịch vàng; phổi, lách, gan và các niêm mạc có tụ máu. Các phủ tạng và đôi khi ở cơ còn có các hạt giống hạt kê, hoại tử có màu vàng xám. Một số trường hợp nhiễm trùng huyết thấy: máu đỏ sẫm, chậm đông, niêm mạc tím đỏ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng. Căn cứ vào các dấu hiệu lâm sàng và bệnh tính đặc trưng để chẩn đoán: bệnh tiến triển nhanh với các triệu chứng như thở khó, chảy rãi rớt, ỉa chảy phân xanh vàng hoặc vàng đục; mổ khám có các đám tụ huyết ở các nội tạng; đặc biệt có các hạt nhỏ hoại tử có bựa vàng xám.
Chẩn đoán vi sinh vật. Phân lập, xác định vi khuẩn từ các mẫu bệnh phẩm là dịch xuất tiết hoặc phủ tạng chim bệnh.
Phòng trị bệnh
Bệnh tiến triển nhanh vì vậy việc điều trị ít có hiệu quả. Khi phát hiện các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên thì chim đã bị rất nặng, khó chữa. Vì vậy, nếu thấy một vài con chim có dấu hiệu bị bệnh, cần phải điều trị có tính chất phòng ngừa cho toàn đàn. Người nuôi có thể tham khảo phác đồ điều trị sau:
- Thuốc điều trị: Phối hợp hai loại thuốc sau: Kanamycin 2 g; Tetracyclin 2 g. Bổ sung nước 1.000 ml, cho toàn đàn chim uống liên tục 3 - 4 ngày.
Thuốc trợ tim mạch: Tăng sức đề kháng: Cho uống hoặc trộn thức ăn các Vitamin B1, K, A, D, E.
- Hộ lý: Cho chim ăn thức ăn dễ tiêu, bớt ăn các loại hạt.
Phòng bệnh
Giữ gìn chuồng trại và môi trường sống của chim luôn khô ráo, thoáng mát. Thường xuyên quét dọn sạch sẽ, vệ sinh hàng ngày đối với các dãy chuồng, khu vực xung quanh chuồng và các lối đi. Thực hiện tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Trong điều kiện không có dịch bệnh, phun thuốc sát trùng 2 tuần 1 lần đối với toàn bộ khu trại, kể cả khu vực đệm. Các loại hóa chất có thể dùng là: lodine 1%, NaOH 2%, BKA 2%, Chlorine 3%, Formol 2%, nước vôi 10%...
Hàng ngày nên rửa máng uống để tránh cho chim uống nước bẩn, đã lên men do cặn thức ăn đọng lại trong máng. Định kỳ 1 tháng sửa chữa và làm mới chỗ hư hỏng, cạo sạch phân, thay ổ đẻ.
Đảm bảo thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, không được cho chim ăn thức ăn mốc, ẩm. Cần bổ sung muối khoáng cho chim thường xuyên để chim hấp thụ vào cơ thể những chất không thể tự kiếm giúp chim có đủ sức khỏe để kháng chịu với thời tiết và môi trường sống nuôi nhốt. Trong quá trình sử dụng thuốc, chúng ta nên dùng chất điện giải để cho chim hấp thụ thuốc tốt hơn, làm tăng cường hệ miễn dịch cho chim.
Thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn chim trưởng thành khi có vaccine phòng bệnh.
Khi có dịch xảy ra: Phát hiện sớm chim bệnh để cách ly điều trị hoặc xử lý, tránh lây nhiễm cho đàn chim.
Kim Tiến/nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;