Các lợi ích của máy cho ăn tự động
- Cung cấp thức ăn mới thường xuyên, đáp ứng liên tục nhu cầu của tôm, giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng;
- Hạn chế lượng thức ăn dư thừa, cải thiện hệ số FCR và giúp duy trì chất lượng nước tốt;
- Nâng cao năng suất lao động. Khi tôm được cho ăn bằng máy, một công nhân có thể chăm sóc 2 - 3 ao;
- Giảm thời gian cho tôm ăn để công nhân dành thời gian quan sát, kiểm tra hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm, giám sát chất lượng nước để có các điều chỉnh thích hợp, kịp thời;
- Góp phần đảm bảo an toàn sinh học cho toàn bộ hệ thống, thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát, thu thập số liệu về vụ nuôi.
Vận hành máy cho ăn tự động
Máy cho ăn tự động hiện sử dụng phổ biến trong nghề nuôi tôm được thiết kế đơn giản, gồm có: Thùng chứa thức ăn làm bằng nhựa hoặc inox kết nối với bộ phát tán thức ăn dạng ống hình chữ thập. Bộ phát tán này xoay được nhờ vào một motor khoảng 0,5 CV. Khi motor hoạt động, thức ăn từ thùng chứa theo ống dẫn rơi vào trung tâm của bộ phát tán thức ăn. Nhờ lực quay ly tâm, các hạt thức ăn bắn ra ngoài về 4 hướng. Khi tốc độ của motor đạt mức cao nhất, thức ăn sẽ bắn xa nhất. Lúc motor giảm tốc, thức ăn sẽ rơi gần vị trí đặt máy hơn. Bán kính của vùng rải thức ăn dao động 4 - 15 m, phụ thuộc vào kích thước hạt thức ăn và tốc độ của motor. Thức ăn có cỡ hạt càng lớn, càng văng xa.
Motor của máy cho ăn tự động được vận hành nhờ một bộ điều khiển điện tử, cho phép người sử dụng lập trình hoạt động của máy qua 2 thông số: thời gian nghỉ (tính bằng phút) và thời gian chạy (tính bằng giây). Nhờ đó, máy có thể cho ăn vào bất cứ giờ nào người nuôi tôm muốn. Về nguyên tắc, muốn tăng lượng thức ăn thì ta có thể giảm thời gian nghỉ hoặc tăng thời gian chạy. Để quyết định tăng hay giảm lượng thức ăn đưa xuống ao, người nuôi đặt một nhá kiểm tra cách vị trí đặt máy khoảng 2 - 4 m và không cần cho thức ăn vào nhá. Kiểm tra nhá mỗi 60 hoặc 120 phút. Nếu thấy ít thức ăn trong nhá, thì giảm thời gian nghỉ của máy. Ngược lại, khi thấy trong nhá còn nhiều thức ăn thì tăng thời gian nghỉ của máy. Các yếu tố khác cần xem xét khi điều chỉnh thời gian nghỉ của máy là sức của khỏe tôm, điều kiện thời tiết và chất lượng nước ao.
Cơ chế hoạt động
Với một ao nuôi có diện tích 3.000 - 4.000 m2, thường chỉ cần sử dụng 1 máy cho ăn tự động, đặt phía sau một giàn quạt nước có công suất đủ lớn khoảng 10 - 12 m. Lý do là tôm thẻ chân trắng thường tập trung ở khu vực giàu ôxy hòa tan và dòng chảy hình thành nhờ giàn quạt nước sẽ giúp phát tán thức ăn đi xa hơn. Tôm thẻ chân trắng rất tích cực tìm mồi; chúng bắt mồi ngay trong tầng nước khi đang bơi lội, rất ít khi để hạt thức ăn chìm xuống đáy. Máy cho ăn tự động, tuy vậy chỉ có thể sử dụng từ ngày thứ 25 của vụ nuôi trở đi. Thời gian đầu khi lượng thức ăn còn ít và kích thước hạt quá nhỏ, việc sử dụng máy cho ăn tự động không phù hợp.
Khuyến cáo sử dụng máy
Khi sử dụng máy cho ăn tự động, người nuôi cần lưu ý một số điểm quan trọng (Limsuwan & Ching, 2013). Thứ nhất, nếu ao có kích thước lớn đòi hỏi phải sử dụng nhiều hơn 1 máy thì các máy này phải được cài đặt theo cùng một chế độ, đảm bảo tính đồng bộ trong hoạt động, giúp phát tán thức ăn đều trong ao. Thứ hai, chỉ nên cho máy hoạt động ban ngày. Ban đêm, tôm đói sẽ tìm bắt thức ăn tự nhiên. Nếu cho máy hoạt động vào ban đêm thì có thể làm giảm hàm lượng ôxy hòa tan, gây stress cho tôm. Thứ ba, khi đàn tôm nuôi trong ao có kích thước không đồng đều thì cần cho tôm ăn bằng tay, kiểm tra nhá vài ngày để xác định chính xác lượng thức ăn cần thiết rồi mới sử dụng máy cho ăn tự động.
Để chất lượng nước ao nuôi đạt ngưỡng tối ưu trong suốt mùa vụ giúp tôm nuôi khỏe mạnh, kích thích tăng trưởng nhanh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp cho ăn của mỗi người nuôi. Máy cho ăn tự động sẽ là lựa chọn phù hợp, tự động hóa trong việc cho ăn, giúp người nuôi tiết kiệm thời gian và nhân lực trong quá trình vận hành quy trình nuôi suốt vụ mùa.
Skretting - Tập đoàn Thủy sản hàng đầu châu Âu sẽ luôn đồng hành cùng bà con nuôi tôm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;