Học tập đạo đức HCM

Gà Việt giúp nông dân làm giàu

Thứ hai - 13/02/2017 21:38

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã chú trọng tới bảo tồn và phát triển giống vật nuôi bản địa, cụ thể là các loài đặc sản. Bởi đây được xác định là thế mạnh trong chăn nuôi, nhất là với chăn nuôi gà; giúp đảm bảo đa dạng sinh học, gia tăng kinh tế, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi và có thể thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi khi hội nhập.

Linh thiêng gà chín cựa

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, những con gà 9 cựa còn đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại các xã vùng núi Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Gà 9 cựa là giống gà bản địa của người dân huyện Tân Sơn; nơi có địa hình đồi núi chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, gần rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho giống gà 9 cựa sinh trưởng. Tại đây, gà 9 cựa được nuôi chủ yếu theo mô hình thả đồi; theo đó, gà khá săn chắc, cho thịt thơm ngon. Những năm trước, người dân nơi đây chưa biết rõ về giá trị loài gà nhiều cựa, do đó chỉ chăn thả gà tự nhiên, không có ý thức chăm sóc đúng kỹ thuật và phòng bệnh nên giống gà này có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc bảo tồn, phát triển giống gà quý này được Sở NN&PTNT Phú Thọ triển khai bằng dự án cụ thể, nên đàn gà quý đã được phục hồi, nhân đàn và khẳng định giá trị kinh tế.

Gà chín cựa
Gà chín cựa

Năm 2012, Bộ NN&PTNT đã ban hành Danh mục bổ sung nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có giống gà nhiều cựa Phú Thọ. Giống gà nhiều cựa Phú Thọ chủ yếu tập trung ở 2 xã: Xuân Sơn và Xuân Đài (huyện Tân Sơn), được nuôi chủ yếu trong các gia đình người Dao theo mô hình gia trại và trang trại với hình thức thả rông. Gà trống trưởng thành nặng bình quân khoảng 1,96 kg mỗi con, gà mái trưởng thành nặng khoảng 1,51 kg; mỗi năm gà đẻ 4,5 - 5 lứa, sản lượng trứng 70 - 75 quả, trọng lượng trứng 49,5 g, tỷ lệ tinh 44,4%. Sau 7 - 8 tháng, con gà đạt 1,3 - 2 kg, nuôi tốt có thể đạt tới 3 kg. Giá bán của gà 9 cựa cao gấp đôi gà thịt, thời điểm giáp Tết hoặc mùa lễ hội lên tới 200.000 - 300.000 đồng mỗi kg. Từ khi nuôi theo mô hình mới, một hộ có thể bán 2 - 3 tạ gà, thu nhập vài chục triệu đồng mỗi lứa. 

Đại diện huyện Tân Sơn cho biết, mô hình nuôi gà nhiều cựa đã góp phần giúp người dân có cơ hội nâng cao ý thức bảo tồn loài gà quý hiếm của địa phương, đồng thời góp phần cải thiện đời sống, phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 50 hộ ở các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng tham gia mô hình chăn nuôi này với tổng đàn ước trên 6.000 con. Ngoài số gà bố mẹ của dự án, hiện các hộ chăn nuôi cũng đã phát triển thêm hơn 800 con gà giống hậu bị và đang tiếp tục nhân lên. Giống gà quý này đang mở ra cơ hội chăn nuôi mới cho người dân các dân tộc ở huyện nghèo Tân Sơn. Cùng với đó, việc giống gà nhiều cựa Phú Thọ được xác định là một nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gà nhiều cựa, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi ở địa phương phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ dân.

Bảo tồn giống gà Hồ

Trải qua hàng thế kỷ hình thành và phát triển trên vùng đất cổ giàu truyền thống văn hiến, gà Hồ ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) nổi tiếng bởi mang đậm nét tâm linh, văn hóa gắn với lễ hội truyền thống... Qua thăng trầm của lịch sử, giống gà quý hiếm này được gìn giữ và phát triển, gà Hồ còn mang giá trị của một nguồn gen quý, một giống gà quý hiếm của Việt Nam có giá trị kinh tế, giá trị ẩm thực cao được người dân Lạc Thổ phát huy nhằm tạo dựng nên một thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các nhà nghiên cứu khoa học ở Viện Chăn nuôi Quốc gia và Học viện Nông nghiệp Việt Nam… đều khẳng định gà Hồ là một giống gà quý hiếm “có một không hai” ở Việt Nam. Điều quý hiếm trước hết là nó tồn tại qua hàng thế kỷ với biết bao thăng trầm, tưởng chừng như chỉ được biết đến qua truyền thống lễ hội ở địa phương, qua tranh dân gian Đông Hồ hay qua những câu chuyện kể của các bô lão làng Lạc Thổ. Thế nhưng, đến ngày nay, gà Hồ vẫn tồn tại và phát triển trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây và trở thành một sản vật quý hiếm của người tiêu dùng khắp cả nước…

Về ngoại hình, gà Hồ là giống gà to, mau lớn, có màu sắc đẹp, thân hình cường tráng, hùng dũng nhưng thật hiền hậu. So với các giống gà khác, gà Hồ có đặc điểm chung là đầu gộc, mào gà (cả trống và mái) đều là mào sít (mào con chim sít), cao trường, vẩy chân mịn, mầu đỗ lành (hạt đỗ tương), ngón chân mập.

Hiện nay, người dân vùng Lạc Thổ vẫn tiếp tục chăn nuôi và bảo tồn nguồn gen quý hiếm của giống gà này với trên 100 hộ dân và có riêng một câu lạc bộ dành cho những người cùng yêu thích gà Hồ ngay tại địa phương. Tại đây, các thành viên luôn cố gắng cùng nhau xây dựng mô hình nuôi gà Hồ an toàn nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ những nỗ lực đó, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản của tỉnh Bắc Ninh đã chứng nhận quy trình nuôi gà Hồ của làng Lạc Thổ bảo đảm an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, Cục Chăn nuôi cũng cấp giấy chứng nhận nguồn gốc gà Hồ cho người dân địa phương. Hiện, giá gà Hồ bán ra thị trường với gà thịt trọng lượng dưới 4 kg là 450.000 - 500.000 đồng/kg, gà to trên 6 kg là 500.000 - 550.000 đồng/kg. Như vậy, giá gà Hồ lớn nhất lên tới trên 3 triệu đồng/con.

Tỷ phú với gà Đông Tảo

Là vùng đất bao đời nay nổi tiếng với giống gà Đông Tảo được nhiều người tìm mua vào dịp Tết, đến nay nhiều hộ dân ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đã phát triển thành mô hình nuôi gà Đông Tảo thả vườn, đem lại thu nhập khá cho kinh tế gia đình.

Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ trang trại Đông Tảo Hà Quân cho biết, việc giữ được gen giống gà Đông Tảo thuần chủng rất khó, không phải trang trại nào cũng làm được. Phải mất 4 năm ông mới có thể nhân tạo thêm được những con gà giữ được gen giống gà Đông Tảo thuần chủng bán dịp Tết với mức giá dao động 3 - 7 triệu đồng/con. Để đáp ứng nhu cầu mua gà Đông Tảo của người tiêu dùng hiện nay, mỗi tháng trang trại nhà ông Quân xuất khoảng 90 con gà thịt và 30 con gà giống. Bình quân giá bán 250 - 350 nghìn/kg gà thịt và 200 - 300 nghìn/con gà giống. Một  người cũng khá thành công mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo tại Hưng Yên, anh Giang Tuấn Vũ cho biết, trang trại của anh được mở rộng đến 2.000m2 với 250 gà bố - mẹ, 400 gà hậu bị chuẩn bị sinh sản, mỗi tháng có 500 - 600 con gà con, 100 gà thương phẩm bán ra, cho doanh thu từ 900 triệu đến một tỷ đồng mỗi năm.

Thống kê tại xã Đông Tảo cho thấy, hiện toàn xã có khoảng 100 hộ làm kinh tế theo mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo với doanh thu ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, song song với việc phát triển mô hình kinh tế của mỗi hộ dân, UBND xã đã hỗ trợ vốn với mức 20.000 đồng/con giống và mở những lớp đào tạo thêm kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ; qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Cần áp dụng song song hai cách bảo tồn - ở phòng thí nghiệm và tại địa phương. Với việc lưu giữ ở địa phương, Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn cho các hộ dân và đơn vị có nguồn gen quý. Do ngân sách hạn chế, cần phối hợp dưới dạng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước cũng cần trích một phần tiền ngân sách đầu tư trang trại, các hộ chăn nuôi đóng góp một phần để có trách nhiệm với đàn giống và khi khai thác được. “

Ông Lê Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: Phát huy lợi thế gà thả vườn
Thịt gà thả vườn (gà ta) sẽ là sản phẩm cạnh tranh tốt với các loại gà thịt nhập ngoại trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế. Cùng với các chính sách trong liên kết chuỗi giá trị, kiểm soát giết mổ, quản lý dịch bệnh, sản xuất giống, chi phí thức ăn... sản phẩm gia cầm thả vườn nhất là gia cầm qua chế biến luôn là sự lựa chọn của nhiều người tiêu dùng thế giới và trong nước. Đây chính là thị trường ngách mà ngành chăn nuôi gia cầm trong nước nên hướng đến trong thời gian tới. Nhiều nông dân đã giàu lên nhờ nuôi gà thả vườn theo phương thức bán công nghiệp.

Ông Đoàn Xuân Trúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: Bảo tồn các giống gà bản địa
Trong khi các giống vật nuôi ngoại nhập lao đao tìm thị trường và cạnh tranh về giá thì các giống bản địa đang lên ngôi. Song để tạo ra những sản phẩm có giá trị thương mại cao cho nền kinh tế thì nhiều vấn đề về công nghệ giống và thương hiệu cần được quan tâm. Việc gà ngoại ồ ạt nhập vào Việt Nam khiến các loài gà bản địa rớt giá 15 - 20% cho thấy việc xây dựng thương hiệu cho chăn nuôi trong nước còn đang giai đoạn hình thành. Bản thân việc phát triển thương hiệu trong nước cũng có thể giúp tiêu thụ sản phẩm đáng kể. Đơn cử gà đồi Yên Thế hiện khoảng 3 triệu con/năm và nhiều đồng bào các dân tộc đã có thu nhập khá nhờ nuôi gà với tổng giá trị tiêu thụ gà đồi khoảng 25 - 27 tỷ đồng/năm. Nếu việc xây dựng thương hiệu tốt hơn, chắc chắn các sản phẩm bản địa sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn tại thị trường nội địa và từ đó sẽ là bước đệm để tiến đến xuất khẩu.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Cần nâng cao sức cạnh tranh
Ngành chăn nuôi nói chung trong đó có chăn nuôi gà sẽ bị tổn thương đầu tiên khi tham gia hội nhập, cần sớm nâng cao sức cạnh tranh, không thể chần chừ. Cùng với đó là cải thiện chất lượng thịt trứng, an toàn thực phẩm, giá thành và giá bán phải hạ hơn. Ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp FDI, họ chi phối về dây chuyền sản xuất thức ăn và cả trang trại. Chính vì vậy, hiện trạng phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến chi phí chăn nuôi trong nước tăng cao, dẫn đến thịt nội rất khó cạnh tranh về quy mô lẫn giá. Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển chăn nuôi nhưng còn nhiều hạn chế về tốc độ và chưa bền vững. Cần làm rõ hơn nữa các nguyên nhân để xử lý căn cơ hơn trong thời gian tới.

Ông Dương Xuân Tuyển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova: Cần tập trung đồng bộ vào các giải pháp
Để ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có gia cầm tập trung phát triển các loại vật nuôi có thế mạnh, cần có chính sách quy hoạch đất đai, định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi, công nghiệp, bán công nghiệp; chú trọng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung; chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm mà địa phương có lợi thế, từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Đối với những giống vật nuôi bản địa cho sản phẩm chất lượng cao nhưng có nguy cơ mai một, cần có định hướng và đề ra các giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển.

Ông Cao Văn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh: Chủ động cung ứng sản phẩm
Xu hướng trên thế giới đang chuyển dần sang “gà đi bộ” và khi Việt Nam gia nhập TPP, nên chọn phân khúc mình lợi thế. Người Việt có thế mạnh gà lông màu hơn là gà lông trắng. Theo định hướng sắp tới của ngành chăn nuôi gia cầm, cần tiếp tục phát triển gà thả vườn, gà chất lượng cao; đây chính là dòng sản phẩm chiếm giá trị sản xuất khoảng 70% và ước tính đạt khoảng hơn 30.000 tỷ đồng mỗi năm, trong khi gà công nghiệp chỉ đạt 13.000 - 14.000 tỷ đồng/năm.

Bà Lưu Thị Tám - Chủ trại gà Tám Lợi, xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương: Hỗ trợ cho trang trại và người chăn nuôi
Những tháng cuối năm 2016, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định, phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thì các sản phẩm chăn nuôi chủ đạo của Việt Nam (như gà, lợn) đang hết sức bất lợi. Theo đó, người chăn nuôi vừa phải ổn định sản xuất vừa thăm dò thị trường để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chăn nuôi ồ ạt. Với sản phẩm gà thịt và trứng gà những ngày gần đây đã có dấu hiệu tăng lên, tuy nhiên; để người chăn nuôi cũng như các trang trại có thể sản xuất ổn định thì rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, đất đai…

Ông Phạm Văn Lượng - Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ: Chăn nuôi hướng đến gà lông màu
Trước đây, khi con gà trắng rất phát triển tại thị trường Việt Nam, Công ty của chúng tôi cũng theo trào lưu đó, định nhập một lô hàng gà lông trắng về sản xuất. Tuy nhiên, thấy doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh nguồn hàng gà lông trắng vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn, nên Lượng Huệ quyết định chuyển hướng kinh doanh vào thị trường gà lông màu. Hiện, Lượng Huệ là một trong những đơn vị cung ứng giống gia cầm chất lượng hàng đầu tại Việt Nam. Với giống gà ta lai nòi Lh-009 (được bình chọn sản phẩm Vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam năm 2016), Lượng Huệ phải mất tới hơn 3 năm liên tục để lai tạo, chọn lọc và hoàn thiện. Cùng với đó là sản phẩm gà ta chọn tạo Lh-001 hay còn gọi là  Gà Ri Lương Huệ Hải, đây là giống gà còn lưu giữ được trọn vẹn những tương đồng nhất về hình dáng màu mã và chất lượng thịt của dòng gà ta Ri truyền thống trong dân gian xưa, nhưng năng suất chăn nuôi và cân nặng gà đã được cải thiện rất nhiều.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà: Phát triển sản phẩm gà thảo mộc
Giữa bối cảnh ngành chăn nuôi gia cầm chịu nhiều áp lực từ sản phẩm nhập khẩu, người dân và doanh nghiệp sản xuất cần có những chiến lược phát triển hợp lý, tập trung vào các sản phẩm là thế mạnh của mình. Với San Hà, thời gian qua, đơn vị đã tập trung phát triển dòng sản phẩm gà thảo mộc với chất lượng và hiệu quả đã được khẳng định. Gà thảo mộc được chăn nuôi bằng hình thức thả vườn, trong khu vực rộng rãi; tạo điều kiện vận động nên thịt gà săn chắc và ít mỡ. Đặc biệt, khẩu phần ăn được bổ sung thêm nhiều loại thảo dược tốt có lợi cho sức khỏe, góp phần thay thế các loại kháng sinh và chất kích thích tăng trọng thường được sử dụng trong quy trình nuôi gà bình thường. Gà Thảo Mộc là loại gà đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, không kháng sinh, an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng chính là sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao tên tuổi của San Hà ở thị trường trong nước.

Tác giả Mộc Miên/nongthonviet.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm220
  • Hôm nay58,539
  • Tháng hiện tại58,539
  • Tổng lượt truy cập84,965,575
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây