Lễ rước bài vị và dâng lễ vật năm nay được tổ chức vào chiều ngày 20/4 tức mùng 9/3 (âm lịch), lượng người tập trung về Khu di tích Đại Hùng dâng hương và tham gia lễ rước bài vị rất đông, làm tăng thêm sự linh thiêng và linh đình, rộn ràng của ngày Giỗ Tổ...
Lễ rước bài vị được xuất phát từ cung đường từ khu Kinh Đô Ngàn Hống xuống Sân lễ hội, nơi được chọn tổ chức Đại lễ Giỗ Tổ. Đám rước với mầu sắc sặc sỡ, lộng lẫy bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu… và trang phục truyền thống được xếp thành hàng dài.
Nghi lễ rước bài vị rất công phu, từ việc sắp lễ đến việc chọn người khiêng kiệu. Tham gia đoàn rước còn có các chức sắc, bô lão trong làng, các trung nam, trai đinh, đội tuần tráng, phường múa sư tử… với hàng trăm người. Trống – chiêng - cờ - lọng lộng lẫy, biển dấu - bát bửu uy nghi .
Thời tiết nắng nóng, tham gia lễ rước, những đoàn viên thanh niên trên vai những chiếc kiệu nặng và nhiều mâm ngũ quả đầy, mồ hôi nhễ nhại mà nét mặt vẫn tươi vui. Các bô lão và dân phường Đậu Liêu thì xúng xính trong những bộ áo dài, quần the, khăn xếp, rất nghiêm trang. Niềm vui cộng cảm vốn là đặc trưng của các lễ hội nhưng với người dân xung quanh khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng được tham gia rước kiệu thờ Vua trong ngày giỗ Tổ niềm vui dường như được nhân lên rất nhiều lần…
Sau lễ rước là lễ yên vị Đức thủy tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng tại khu vực diễn ra lễ hội
Đây là nghi lễ truyền thống, được cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn từ hàng ngàn năm nay, trở thành một định lệ, là bản sắc văn hoá dân gian tiêu biểu, không thể thiếu trong Giỗ tổ Hùng Vương. Hoạt động này không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống trên quê hương mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm tôn vinh giá trị của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” góp phần nâng cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tôn kính đối với tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Trước sự độc đáo của đội rước bài vị hàng trăm du khách dự hội cũng cùng hòa đồng tham gia cùng đoàn rước. Điều này cho thấy, mỗi một hoạt động trong nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều là sự chung tay của mọi người dân, thể hiện rõ tính cộng đồng và luôn được gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trở thành bản sắc văn hoá tín ngưỡng đặc sắc kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có ý nghĩa vun đắp tình cảm gia đình với cộng đồng và toàn xã hội./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã