Các hộ dân tại thôn Hoa Sơn xã Kỳ Hoa tiến hành trồng lại Tràm sau khi thu hoạch
Ông Nguyễn Văn Cử ở thôn Hoa Sơn, xã Kỳ Hoa ( TX. Kỳ Anh) cho biết: gia đình ông đã gắn bó với nghề trồng cây keo, tràm vài chục năm nay. Từ một gia đình khó khăn, vất vả, đông con nhưng nhờ trồng cây tràm nên đến nay ông đã có cuộc sống đủ đầy, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Hiện gia đình ông trồng và chăm sóc, khai thác luân phiên gần 8ha cây keo tràm. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì sau một chu kỳ khoảng 4 năm, gia đình thu lãi 50- 60 triệu đồng/ 1 ha.
Thôn Hoa Sơn xã Kỳ Hoa hiện có 103 hộ, trong đó có trên 80 hộ trồng và nhận chăm sóc, khai thác keo tràm, toàn thôn có khoảng 400 ha keo tràm . Đây là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, vốn đầu tư thấp và chỉ sau 3-4 năm trồng có thể thu hoạch bán cho các nhà máy dăm gỗ ở khu kinh tế Vũng Áng. Nếu gia đình nào có điều kiện trồng khoảng 5-6 năm thu hoạch thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Theo các hộ trồng rừng cho biết: trồng cây keo, tràm nguyên liệu cần ít vốn đầu tư và chỉ vất vả trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, làm cỏ, phát quang từ 1 đến 2 đợt mỗi năm và chỉ trong 2 năm đầu chăm sóc là chờ đến thời kỳ khai thác. Nhiều hộ trồng rừng, còn tiến hành trồng xen kẽ giữa các năm nên năm nào cũng có keo xuất bán có thu nhập và đảm bảo độ che phủ rừng bền vững.
Các hộ trồng rừng tiên hành thu hoạch tràm
Từ thực tế hiệu quả mang lại của cây keo, tràm, nhiều hộ dân trong xã Kỳ Hoa đã lên các vùng đồi núi, xin địa phương cấp đất để phát triển kinh tế trang trại trồng rừng. Gia đình ông Hoàng Văn Kiệm ở thôn Hoa Đông là một trong những trường hợp như vậy. Hơn 10 năm về trước, ông đã quyết định chuyển lên vùng đồi Đá bạc để xây dựng mô hình, ngoài trồng các loại cây ăn quả, chăn nuôi, gia đình ông còn đầu tư trồng 10 ha keo, tràm có hiệu quả kinh tế cao. Không những gia đình có kinh tế khá giả mà trang trại trồng rừng của ông Kiệm còn giải quyết cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương.
Quan trọng hơn, cây keo, tràm không chỉ tạo việc làm cho lao động ở địa phương mà còn giúp nông dân ở các xã khác có thêm nguồn thu nhập nhờ trồng, ươm cây giống và thu hoạch keo, tràm. Thực tế ở xã Kỳ Hoa không thu hoạch rừng đồng loạt mà hầu như rải rác trong năm để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Vậy là, lao động làm thuê cũng có việc làm gần như cả năm từ nghề chặt cây, trồng cây, ươm cây giống. Bình quân mỗi lao động thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/1 tháng.
Ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh cho biết : “Xã Kỳ Hoa hiện có hơn 917,54 ha đất lâm nghiệp trong đó, hơn 600 ha keo, tràm, với 189 hộ dân tham gia nhận trồng và chăm sóc, khai thác. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có các chính sách khuyến khích các hộ dân, tạo điều kiện cấp đất phát triển kinh tế trang trại, các đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyền giao KHKT, khâu nối các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trồng cây keo, tràm… Nhờ vậy, nhiều hộ dân ở xã Kỳ Hoa đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí, một số hộ có diện tích trồng keo lớn đã thu tiền tỷ từ việc bán gỗ nguyên liệu. Theo đó, nghề trồng keo tràm đã giải quyết cho khoảng trên 300 lao động ở địa phương mỗi năm. Hiệu quả kinh tế từ cây keo, tràm đã được khẳng định.. Trên địa bàn xã Kỳ Hoa hiện không còn chỗ nào đất trống, đồi núi trọc, bà con tập trung mở rộng diện tích trồng với mong muốn có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình”.
Có thể khẳng định: cây keo, tràm ở xã Kỳ Hoa đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, đồng thời góp phần đảm bảo độ che phủ rừng và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn. Không những thế với những đặc điểm sinh học riêng, cây keo còn có khả năng làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Điều mà chính quyền và ngành chuyên môn đang trăn trở, đó là làm thế nào để có thể phát triển cây keo một cách bền vững theo hướng trồng rừng gỗ lớn để có thể nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm khi xuất bán.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã