Xuất khẩu tăng kỷ lục
Trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến trái chiều, một số mặt hàng sức mua giảm nhưng trong năm 2014, thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu vẫn mở rộng. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá trị so với năm 2013; trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, như càphê tăng 32,2%, hạt điều 21,1%, hồ tiêu 34,1%, rau quả 34,9%, thủy sản 18%, lâm sản và đồ gỗ 12,7%, gạo 5,3% (không kể tiểu ngạch). Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (gạo, càphê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản). Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, có được điều này, ngoài nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp thì vai trò chỉ đạo, điều hành rất quan trọng.
Trên từng cánh đồng, trong mỗi chuồng trại, ở từng địa phương, sức bật của lĩnh vực nông nghiệp thực sự rất ấn tượng. Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2014 cả nước chuyển đổi được khoảng 110.000ha gieo trồng lúa sang các cây màu khác có hiệu quả cao hơn. Chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo, đã có 17 tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng CĐML vụ hè thu và vụ mùa 2014 với khoảng 700 mô hình, diện tích lên đến 27.500ha. Đã có 7/11 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 17.502 ha/389 cánh đồng. Các địa phương vùng ĐBSCL đã xây dựng được 201.900ha CĐML. Các mô hình cho thấy, hiệu quả kinh tế trên 1ha lúa tăng so với ngoài mô hình từ 15-25% tùy theo từng tỉnh. Khoảng 1/3 số mô hình đã được các công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Áp dụng GAP trong sản xuất trồng trọt được coi là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững trong kế hoạch tái cơ cấu ngành trồng trọt. Thời điểm hiện tại tổng diện tích được chứng nhận VietGAP khoảng 14.500ha, trong đó rau 1.920ha, quả 6.979ha, lúa 1.100ha, chè 4.547ha...
Lĩnh vực chăn nuôi đang được khôi phục và phát triển nhanh. Tại thời điểm tháng 10/2014, đàn trâu cả nước giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013; đàn bò không có nhiều biến động. Riêng đàn bò sữa tiếp tục phát triển mạnh, đạt 227.625 con, tăng 22,12% so với cùng kỳ năm 2013, đàn bò sữa trang trại tập trung nhiều ở một số địa phương: Hà Nội, Nghệ An, Sơn La, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Sản lượng thịt bò hơi tăng 4,2%, sản lượng sữa tăng gần 15,6%. Đàn lợn tăng 1,5 - 2%; sản lượng thịt lợn hơi tăng 2,2%. Tổng đàn gia cầm tăng 3,1%; sản lượng thịt gia cầm tăng 4,9%; sản lượng trứng tăng 6,4%.
Về lĩnh vực thủy sản, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây chính là lĩnh vực tạo dấu ấn rõ nét cho việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi các địa phương đã xác định được và tập trung cao độ cho sản phẩm thủy sản có thế mạnh. Chỉ tính riêng sản xuất tôm, sản lượng ước tăng 110.000 tấn, đóng góp giá trị cho toàn ngành trên 16.000 tỷ đồng.
Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành đã tăng lại trong năm 2014, dự kiến đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006-2010; khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định (cao su, cá tra). Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm. Công tác quản lý chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng tạp chất, chất cấm trong sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và hàng nông sản có kết quả kiểm tra, đánh giá chưa đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao và chậm được cải thiện.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu chung của ngành nông nghiệp, nông thôn trong năm 2015 là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp được đưa ra là: Thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng địa bàn, từng địa phương, vùng, cả nước để vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị và phù hợp với cung, cầu thị trường.
Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa sang trồng cây có thị trường và thu nhập cao hơn; mở rộng diện tích gieo trồng ngô để chủ động nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo đó, trong năm 2015, dự kiến giảm khoảng 104.000ha gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hàng năm khác, chủ yếu là ngô; tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 7,68 triệu hecta, năng suất bình quân 57,1 tạ/ha, sản lượng đạt 43,85 triệu tấn.
Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tái canh càphê, cải tạo làm trẻ vườn điều, thâm canh bền vững hồ tiêu, chè, giảm chi phí duy trì cây cao su; thâm canh tăng năng suất mía. Cụ thể, đối với cây càphê, tăng cường thâm canh diện tích hiện có. Năm 2015 trồng tái canh từ 10.000 -12.000ha càphê già cỗi, năng suất thấp để sản lượng đạt 1,35 triệu tấn. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất rau an toàn.
Đối với ngành chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.
Khuyến khích chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (vùng đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (vùng trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là gà lông màu và vịt đẻ trứng), tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh.
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và giá trị gia tăng cao; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần giữ gìn biển đảo, an ninh quốc phòng. Phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản khoảng 6,4 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, cần tập trung triển khai có hiệu quả chương trình nâng cấp tàu thuyền đánh bắt xa bờ; đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương thức nuôi thủy sản với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng kinh tế, sinh thái. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể…). Giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5.200ha, nâng cao chất lượng và tổ chức liên kết chuỗi. Giảm chế biến thô và sơ chế, nâng cao tỷ trọng chế biến sâu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong năm 2015 với mục tiêu có thêm khoảng 1.100 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối 2015 khoảng 1.900 xã, tương đương 20%).
Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực đóng góp của toàn ngành nông nghiệp. Kết quả này sẽ tạo tiền đề cho nông nghiệp Việt Nam trong năm 2015 phát triển cao hơn và làm cơ sở cho quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành trong giai đoạn mới 2016- 2020.
Mặc dù vậy, theo Phó thủ tướng, thu nhập của nông dân đã được cải thiện nhưng vẫn rất thấp so với nhiều quốc gia khác. Vì vậy, ngành nông nghiệp còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc kết nối nông dân, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và nhà khoa học nhằm đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản, giúp cải thiện thu nhập cho người dân.
Phó thủ tướng nhất trí các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra trong giai đoạn tới, đồng thời đề nghị Bộ cần nâng cao hiệu quả quản lý ngành, công tác cải cách hành chính, cơ cấu tổ chức, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nông nghiệp, chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cung cấp thông tin thị trường. Cần tiếp tục hình thành và nhân rộng hơn nữa mô hình ứng dụng công nghệ cao, tháo gỡ khó khăn để các mô hình này phát triển hơn nữa.
>> Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp năm 2014 đạt 3,31% (tăng 0,67% mức tăng của năm 2013). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 829.300 tỷ đồng, tăng 3,58% so với 2013, trong đó, nông nghiệp đạt 618.100 tỷ đồng, tăng 2,63%; lâm nghiệp đạt 23.900 tỷ đồng, tăng 6,6%; thuỷ sản đạt 187.300 tỷ đồng, tăng 6,43%.
>> Mục tiêu trong năm 2015, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0-3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014 (trong đó trồng trọt 2,5-2,8%, chăn nuôi 2,8-3,2%, lâm nghiệp 6,0-6,5%, thủy sản 6,0-6,5%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%. Số xã trên cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới chiếm 20%. |
Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;