Đầu tư chưa tương xứng
Để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, KHCN được xem là yếu tố tiên quyết phải có. Nhưng theo ngành nông nghiệp các địa phương, việc chuyển giao còn rất thấp và chưa tạo động lực phát triển ngành kinh tế trọng điểm của quốc gia.
Cụ thể, KHCN của nước ta chỉ giúp nông dân tăng năng suất lúa, ngô, hoa màu, sản xuất thành công cá giống…Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực khác, vẫn còn nhiều hạn chế, chẳng hạn như: Chưa làm chủ được công nghệ sản xuất giống gia cầm, chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh…
Phần lớn máy móc, thiết bị trong sản xuất lúa đều nhập từ nước ngoài. (Trong ảnh, người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh thu hoạch lúa). Ảnh: Huỳnh Xây
Vụ Khoa học và Công nghệ GDP ngành nông nghiệp đạt 3,13% Nhờ đóng góp KHCN, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,13%; xuất khẩu nông nghiệp tăng bình quân 9%/năm (từ 19,5 tỷ USD năm 2010 lên 30,14 tỷ USD năm 2015). Đến nay, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: Gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ. |
Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho rằng: “ ĐBSCL là nơi có ngành chăn nuôi gia cầm lớn nhưng công đoạn sản xuất giống chịu sự chi phối chủ yếu vào 3 doanh nghiệp nước ngoài là Japfa, CP và Emivest, với mỗi tháng cung cấp hơn 6 triệu con giống”.
Còn ở lĩnh vực giống cây ăn trái, ông Hiệp cho rằng, khi chọn cây giống, thay vì nghĩ đến những giống cây trồng của Việt Nam, phần lớn người nông dân ĐSBCL nghĩ đến các mặt hang nông sản của Thái như: Chôm chôm, nhãn, xoài, mít… bởi chất lượng sản phẩm của giống ngoại ngon hơn nhiều so với sản phẩm trong nước.
Đồng quan điểm, GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, số liệu đầu tư ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đối với cây lúa ở mức khá tốt, nhưng hầu như là sự “thâu tóm”, chịu chi phối từ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài thị trường Việt Nam mua về.
“Ở ĐBSCL, có đến 80% máy móc là của người nước ngoài phục vụ cho khâu chuẩn bị đất; 60% máy phục vụ bơm tưới và 85% máy thu hoạch phụ thuộc nước ngoài” – GS Xuân thống kê. Cũng theo GS Xuân, Việt Nam là nước đứng thứ hai, thứ ba về xuất khẩu gạo và cũng xuất khẩu đáng kể về khối lượng thủy sản, cà phê, cao su… Tuy nhiên, giá bán thấp vì ứng dụng KHCN quá thấp, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được nâng cao, chưa xây dựng được thương hiệu, từ đó kéo theo lợi tức của nông dân thấp.
Một báo cáo mới đây từ phía Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho thấy: Sự yếu kém khá xa về KHCN của nước ta so với các nước khác khiến nhiều người phải “giật mình”. Cụ thể, Nhật Bản với chỉ 5% dân số làm nông nghiệp vẫn đủ cung cấp thực phẩm và xuất khẩu cho thế giới với chất lượng rất cao, giá trị gia tăng lớn. Trong khi ở Việt Nam có đến 70-80% dân số tham gia vào nông nghiệp nhưng hiệu quả thì ngược lại.
Còn tại Israel, đất nước có đến 70% diện tích là sa mạc, người nông dân trồng cà chua đạt năng suất đến 250-300 tấn/năm; trong khi ở Việt Nam có thừa tiềm năng nhưng năng suất chỉ đạt 20-30 tấn/năm…
Nhiều bất cập trong công tác hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Văn Tốn – Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Nông thôn (Ban Kinh tế T.Ư), thực tế, thời gian qua, có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp khó áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, công tác chuyển giao KHKT của các địa phương còn dàn trải, mang hiệu quả thấp. Số lượng dự án khuyến nông nhiều, nhưng thực hiện chồng chéo, trùng lặp ở các vùng có nhiều dự án.
“Chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu KHKT có nhiều nhưng các doanh nghiệp chưa tiếp cận được những ưu đãi đó. Phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ thường thiếu vốn gặp nhiều trở ngại trong thủ tục nhận mức hỗ trợ từ Nhà nước. Trong khi đó, lĩnh vực này đòi hỏi thời gian dài và gặp nhiều rủi ro, cần nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm mới thành công” – ông Tốn nêu khó khăn.
Ngoài ra, khi nghiên cứu thành công, một dự án, đề tài KHCN rất khó khăn khi đăng ký sở hữu trí tuệ. Trong đó có nguyên nhân công tác thẩm định và việc xác định kết quả nghiên cứu trên chưa có quy định cụ thể. Việc xử lý vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền còn chưa đủ sức răn đe. Ông Trần Hữu Hiệp cho biết thêm, thời hội nhập TPP hay AEC, vấn đề sở hữu trí tuệ càng quan trọng hơn, vì nó là “linh hồn” quyết định giá trị sản phẩm trong các cuộc cạnh tranh trên thị trường?
Nhiều nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp cảnh báo, nếu câu chuyện về “sở hữu trí tuệ” tiếp tục bị buông lỏng thì khó lòng thu hút được chất xám, không thể kỳ vọng các nhà khoa học có những sản phẩm tốt, bởi một sự cống hiến toàn tâm đòi hỏi phải có sự đền đáp xứng đáng.
Liên quan đến sự yếu kém này, TS Lê Văn Bảnh – nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhấn mạnh: “Sự yếu kém về KHCN trong nông nghiệp là một thực trạng diễn ra từ rất lâu và gần đây do tác động nặng nề của biến đổi khí hậu nên nó càng bộc lộ rõ hơn… Thực trạng đáng buồn nữa là cho đến nay, số lượng sinh viên theo học ngành nông nghiệp vẫn rất thấp, nhất là cơ khí nông nghiệp không có ai theo học. Ở đó, đầu ra không có, môi trường làm việc không tốt, nguồn thu nhập không cao là những nguyên nhân chủ yếu”.
TS Đào Thế Anh – Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam): Năng lực cơ giới hóa sản xuất thấp Cả nước hiện có trên 598.000 máy gặt, máy tuốt các loại. Riêng ĐBSCL có 11.000 máy gặt, trong đó, có 6.000 máy gặt đập liên hợp. Nhìn chung năng lực cơ giới hóa sản xuất lúa ở Việt Nam cũng như ĐBSCL còn thấp, chỉ đạt 2,2 mã lực (HP)/ha canh tác; trong khi Thái Lan là 4 HP/ha, Trung Quốc là 8 HP/ha. Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ): Đa phần chính sách chạy theo đuôi thiệt hại Các chính sách trong nông nghiệp hiện nay đa phần là chạy theo đuôi thiệt hại. Tức nông sản hoặc vật nuôi bị dịch bệnh (vàng lá, gân xanh, bị dịch cúm…) tất cả đều được hỗ trợ thiệt hại. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư cho những cái trước đó để người dân tổ chức sản xuất tốt, phòng tránh được dịch bệnh phải mang hiệu quả cao hơn không, tạo lực để phát triển hơn là đi khắc phục hậu quả. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;