Kỳ 1: Hiệu quả từ các mô hình
Cần phải khẳng định ngay rằng, việc thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đã và đang đem lại những “hiệu quả kép”. Không chỉ giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận với những giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, mà việc liên kết còn giúp bảo đảm tốt nhất nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp; thúc đẩy khu vực nông nghiệp của các địa phương phát triển theo hướng bền vững…
Trong những ngày cuối hè oi ả mới đây, theo hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Xuyên (Hà Nội), chúng tôi tìm đến tham quan mô hình liên kết nuôi lợn an toàn của gia đình ông Tạ Đình Căn, một điển hình trong sản xuất nông nghiệp ở thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011, qua hơn 3 năm thực hiện, mô hình liên kết chăn nuôi lợn giữa gia đình ông Căn và Công ty Cổ phần Phát triển nông thôn (RTD) đã khẳng định rõ tính hiệu quả trong việc nâng cao giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Vừa kiểm tra lại đàn lợn chuẩn bị xuất bán, ông Tạ Đình Căn vừa cho biết: “Hiện nay, trang trại của gia đình tôi thường xuyên duy trì 4.200 con lợn siêu nạc. Nhờ Công ty RTD cung ứng đầy đủ từ giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu "đầu ra", nên hoạt động chăn nuôi của gia đình tôi những năm qua khá thuận lợi”. Nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất, ông Căn và gia đình luôn yên tâm về vấn đề tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Do giá thu mua được xác định ngay từ đầu năm trong hợp đồng, cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên có mặt tại trang trại, nên đàn lợn siêu nạc của ông gần như “miễn nhiễm” với các loại dịch bệnh-điều đã làm cho không ít cơ sở chăn nuôi điêu đứng. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm ông Căn xuất bán cho Công ty RTD hơn 10 tấn lợn hơi, mang về thu nhập hàng tỷ đồng.
Một góc khu chuồng nuôi lợn siêu nạc của gia đình ông Tạ Đình Căn. |
Rời Hà Nội, ngược Quốc lộ 6, chúng tôi có mặt tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La)-một trong những vùng nguyên liệu trọng điểm của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La. Mở ra trước mắt chúng tôi là những nương mía bạt ngàn xanh tít tắp. Đây thực sự là loại “cây đổi đời”, như cách nói đầy hình ảnh của ông Đào Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Hát Lót. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các nhà khoa học và Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, những năm qua, diện tích trồng mía ở Hát Lót đã tăng lên khá nhanh. Điều đáng nói là nhờ thực hiện liên kết sản xuất nên mía nguyên liệu của người dân đã được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La thu mua toàn bộ với mức giá hợp lý, cùng với đó là những chính sách hỗ trợ có hiệu quả. Đến đầu năm 2015, hơn 80% trong số 2.200 hộ dân ở xã Hát Lót đã tham gia liên kết sản xuất mía với diện tích lên tới 915ha, sản lượng bình quân hằng năm vào khoảng 40.000 tấn mía cây.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước năm 2006, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (lúc đó là Công ty Mía đường Sơn La) thường xuyên làm ăn thua lỗ do nguồn cung nguyên liệu thiếu ổn định, không gắn kết được với người sản xuất. Thực hiện chủ trương của Nhà nước, sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, nhất là thực hiện liên kết sản xuất, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La đã vươn lên mạnh mẽ. Đồng thời, chính quyền địa phương đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ công ty và người sản xuất, nhất là các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn vay của nông dân, qua đó thúc đẩy việc liên kết sản xuất có hiệu quả. Công ty còn thường xuyên mời các chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Nông dược Việt Nam… đến phối hợp nghiên cứu và tập huấn kỹ thuật cho người sản xuất. Những năm qua, công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để nghiên cứu, cải tạo, thay thế giống mía truyền thống năng suất thấp bằng các giống mía mới cho năng suất, chất lượng cao như: ROC27, K88-92, LK92-11, K88-65... Kết quả là năng suất bình quân đã tăng từ 40 tấn/ha lên 60 tấn/ha; niên vụ 2013-2014, nhiều nơi đạt năng suất tới 80-90 tấn/ha như Nà Ca, Sơn Pha, Hội Búng, Kho Lay… Theo các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là đưa vào trồng các giống mới, có ý nghĩa quyết định đến năng suất và chất lượng mía hiện nay.
-------------------
Kỳ 2: Phương châm "Hài hòa lợi ích"
Bài và ảnh: TẠ QUANG ĐẠO
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;