Học tập đạo đức HCM

BIDV và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 20/07/2014 20:44
Ngày 26-4-2014, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đánh dấu 57 năm xây dựng và phát triển (26-4-1957 - 26-4-2014). Trong suốt bề dày lịch sử ấy, với tầm nhìn chiến lược của một Ngân hàng chủ đạo của nền kinh tế, BIDV đã nỗ lực và luôn đi đầu trong tham gia các chương trình hành động chung của quốc gia, đặc biệt là đóng góp cho phát triển nông nghiệp nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước. Ðiều này được thể hiện rõ nét trong các Dự án Tài chính nông thôn (TCNT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, được Chính phủ tin tưởng giao cho BIDV quản lý và triển khai thực hiện.

 

Khởi đầu từ Dự án TCNT I vào năm 1996, cho đến nay, BIDV thông qua Sở Giao dịch III, đã được Chính phủ giao quản lý liên tiếp chuỗi ba Dự án TCNT với tổng số vốn vay WB lên đến 548 triệu USD. Các dự án đều có chung mục tiêu hỗ trợ cho Việt Nam trong các nỗ lực phát triển khu vực nông thôn, nâng cao mức sống của người dân nông thôn và tạo ra nền tảng bền vững cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo - một trong những tiêu chí cốt lõi trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ðến nay, các Dự án TCNT đã kết thúc thành công giai đoạn rút vốn giải ngân, song nguồn vốn dự án còn tiếp tục được BIDV quản lý và cho vay quay vòng thực hiện các mục tiêu của dự án đến năm 2033.

Qua 18 năm thực hiện, các Dự án TCNT I, II và III đã hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả cho các nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện sự tiếp cận đến các nguồn tài chính cho phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn, và có những tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn. Dự án đã bổ sung cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới một nguồn vốn quý báu, trong đó chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Ðảng và Nhà nước. Một bộ phận đáng kể người nghèo nông thôn đã tiếp cận và được sử dụng nguồn tín dụng từ các ngân hàng, giảm tỷ lệ vay nặng lãi từ nguồn phi chính thức. Tính chung cả ba Dự án, dư nợ cho vay trên thị trường nông thôn vào cuối năm 2013 đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, các Dự án đã bổ sung một lượng vốn cho đầu tư phát triển nông thôn lên đến hơn 44 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD), trong đó hơn 90% là vốn trung và dài hạn. Số vốn này đã giải ngân hơn 1,7 triệu khoản vay cho các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi của các hộ gia đình và các doanh nghiệp nông thôn, trong đó có 600 nghìn khoản vay nhỏ cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp ở khu vực nông thôn.

Các Dự án TCNT đã giúp tăng cường tiếp cận tài chính đến nhóm người thu nhập thấp, người nghèo ở khu vực nông thôn, với hơn 1/3 tổng số vốn và số khoản vay của các Dự án TCNT được thực hiện ở những tỉnh nghèo, là những tỉnh có tỷ lệ nghèo cao hơn mức trung bình của quốc gia (32 tỉnh theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2010). Trong số những khu vực kém phát triển, nguồn vốn các dự án cũng tập trung cho vay cao nhất ở vùng núi trung du phía bắc, khu vực kém phát triển nhất và cũng là nơi có mật độ người nghèo cao nhất quốc gia, chiếm 38% tổng số vốn đã giải ngân ở những tỉnh nghèo. Tỷ lệ người vay vốn dự án là nữ chiếm hơn 40% cho thấy, phụ nữ nông thôn đã tiếp cận bình đẳng đến nguồn vốn ngân hàng, có thêm nhiều cơ hội hơn để phát triển sản xuất, kinh doanh và góp phần thực hiện chiến lược bình đẳng giới của quốc gia. 402 xe ô-tô ngân hàng lưu động được Dự án tài trợ đã giúp mang dịch vụ ngân hàng đến được với nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ và người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có chi nhánh ngân hàng hoạt động. Nguồn vốn dự án đã tạo thêm được hơn400 nghìn việc làm mới ở khu vực nông thôn, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân và hỗ trợ tích cực cho xóa đói, giảm nghèo.

Theo một điều tra đánh giá của tư vấn độc lập được thực hiện trong năm 2013, các tiểu dự án được Dự án TCNT tài trợ đã mang lại hiệu quả rõ rệt về tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực nông thôn. 73% số người được hỏi cho biết khoản vay từ dự án đã giúp tạo thêm việc làm cho xã hội hoặc tăng thời gian làm việc cho các thành viên gia đình, 94% số người vay vốn xác nhận, thu nhập của họ đã tăng đáng kể, đời sống gia đình được cải thiện. Người dân nông thôn đã có được nhiều cơ hội hơn để đóng góp cho các chương trình xây dựng nông thôn mới, với các công trình phúc lợi của địa phương, như kéo điện, làm đường, xây trường học, trạm xá... cũng như bảo tồn và tôn vinh các truyền thống văn hóa. Sự thành công của dự án còn thể hiện ở con số hơn 92% số người vay đánh giá hài lòng và rất hài lòng khi tiếp cận nguồn vốn dự án.

Nguồn vốn của Dự án TCNT III giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống.

Một đóng góp quan trọng nữa của các Dự án TCNT cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, là lần đầu tiên ở Việt Nam, các quy định về bảo vệ môi trường đã được gắn kết với các hoạt động tín dụng quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn. Các tiểu dự án phải đồng thời tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của Việt Nam và các chính sách bảo vệ quản lý vật hại của WB. Ðể hỗ trợ tăng cường kiến thức môi trường cho người vay vốn, dự án đã thiết kế và in tờ rơi cho các ngành chăn nuôi, thủy sản, nông nghiệp, bảo vệ thực vật,... với các hướng dẫn cụ thể cho từng ngành trồng lúa, trồng chè, trồng hồ tiêu; chăn nuôi lợn, bò; chăn nuôi gia cầm; nuôi cá, tôm và theo mô hình sản xuất như mô hình vườn-ao-chuồng đến mô hình bi-ô-ga và quản lý vật hại tổng hợp,... Tổng số đã có 162.000 tờ rơi đã được chuyển đến tận tay những người vay cuối cùng để nhanh chóng phổ cập kiến thức về bảo vệ môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường trong dự án đã góp phần tích cực trong nâng cao ý thức của người dân nông thôn về bảo vệ môi trường khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, một hoạt động còn chưa phổ biến ở khu vực nông thôn Việt Nam cho đến gần đây. Ðây cũng là một bước tiến mới trong hoạt động cho vay tín dụng ở khu vực nông thôn mà các ngân hàng có thể mở rộng áp dụng cho những khoản vay thông thường ngoài phạm vi các Dự án TCNT. Theo số liệu điều tra của tư vấn độc lập, 75% số người vay cho biết nhận thức về môi trường của họ đã tăng lên đáng kể khi tiếp cận nguồn vốn Dự án TCNT.

Theo các Hiệp định Vay vốn, nguồn vốn của ba Dự án TCNT sẽ còn tiếp tục được BIDV quản lý và cho vay thực hiện các mục tiêu phát triển khu vực nông thôn đến năm 2033. Hiện tại đã có 29 ngân hàng, chiếm khoảng 70% số ngân hàng Việt Nam, và chín Quỹ Tín dụng Nhân dân (PCF) được lựa chọn tham gia giải ngân nguồn vốn Dự án TCNT. Các định chế tham gia dự án tiếp tục sử dụng nguồn vốn Dự án để cho vay kích cầu phát triển kinh tế ở các địa phương và đóng góp tích cực cho thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Ðảng và Nhà nước. Một dự án mới với mục tiêu hỗ trợ hiện đại hóa khu vực nông thôn Việt Nam cũng đang được Chính phủ và WB xây dựng. Chúng ta tin tưởng rằng các Dự án phục vụ khu vực nông thôn do Ngân hàng TMCP BIDV thực hiện sẽ góp phần xây dựng thành công một khu vực nông thôn mới giàu đẹp.

TRẦN BẮC HÀ

Chủ tịch HÐQT BIDV
Nguồn  nhandan.org.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập435
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm434
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại861,472
  • Tổng lượt truy cập92,035,201
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây