Những ngày này, vợ chồng ông Lê Quốc Tiến và bà Hoàng Thị Lương ở tổ 7 thị trấn Cẩm Xuyên đang hồi hộp chờ đón niềm vui mới khi bò của gia đình đã chuẩn bị đẻ lứa thứ 3.
Hoàn cảnh ông Tiến hết sức khó khăn. Ở độ tuổi trên 70 nhưng ông bà vẫn là lao động chính, bởi 1 người con đã mất sớm, người còn lại vẫn phải nhờ bố mẹ hỗ trợ thường xuyên. Vì thế, ngoài 5 sào ruộng, ông còn phải thức khuya dậy sớm phục vụ tại các quán ăn để có thêm tiền công và xin thức ăn thừa để bà nuôi lợn.
Ông Tiến cho biết: “Mọi hy vọng đều trông chờ vào con bò được chuyển giao của quỹ con giống nên vợ chồng tôi chăm lắm. Cũng may, con vật không phụ công người nuôi nên ngoài lứa bê đầu tiên chuyển giao cho hộ khác theo quy định của hợp đồng với nhà tài trợ, đến nay bò nhà tôi đã chuẩn bị có thêm lứa thứ 3. Đây là nguồn tài sản lớn của gia đình, là của để dành cho chúng tôi khi đau, khi ốm”.
Niềm vui cũng đến với gia đình ông Bùi Quang Minh (tổ 6, thị trấn Cẩm Xuyên) khi ông vượt qua khó khăn, phát triển được sinh kế mới. Ông Minh chia sẻ: “Tháng 4 năm 2017, tôi được chuyển giao 1 con bê thuộc thế hệ thứ 3 của quỹ. Niềm vui chưa được bao lâu lại phải đối mặt với nỗi lo khi bò rớt giá, bê lại bị ốm. Có những lúc nản lòng, tôi đã xin ý kiến hội nông dân bán và hoàn lại vốn, thế nhưng sự động viên của những người quản lý quỹ đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Hiện tại, bê của tôi phát triển rất tốt, giúp chúng tôi giải quyết được nhu cầu sức kéo, phân bón trong sản xuất và cũng để nhân giống góp phần phát triển kinh tế gia đình”.
Ở hầu hết các xã trên địa bàn Cẩm Xuyên, việc phát triển đàn bò của Quỹ Thiện Tâm đã được xem là một trong những giải pháp thoát nghèo hiệu quả. Anh Lê Ngọc Hải - Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Duệ cho biết: “Từ 29 con bê thế hệ đầu tiên, đến nay ở xã Cẩm Duệ đã có thêm 33 hộ nghèo được hưởng lợi từ quỹ con giống từ việc chuyển giao thế hệ bê thứ 2 và thứ 3”.
Được biết, trước đây việc quản lý dự án còn lỏng lẻo, vì thế, số lượng bò chết, bị bán… chưa được kiểm soát kịp thời, việc phát huy hiệu quả như dự án mong muốn còn gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 2015, đầu 2016, với sự quản lý của Hội nông dân, dự án đã được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Anh Nguyễn Văn Hoàng - Chủ tịch Hội nông dân huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Để quản lý tốt nguồn vốn, chúng tôi đã lập tổ công tác hỗ trợ từ các khối phố, thôn xóm. Trách nhiệm của tổ này là giúp ban thực thi cấp xã trực tiếp theo dõi, giám sát, quản lý quá trình chăm nuôi, quản lý con giống của hộ gia đình. Đặc biệt, kịp thời phát hiện các trường hợp con giống bị ốm, dịch bệnh, mất hoặc chết khi con giống chưa đẻ, chưa có bê chuyển giao cho hộ khác để phối hợp xử lý theo đúng quy định. Nhờ thế việc quản lý nguồn quỹ con giống ngày càng phát huy hiệu quả, việc phát triển quỹ con giống cũng đã giúp 429 hộ thoát khỏi đói nghèo”.
Sự vào cuộc của hội nông dân trong công tác tuyên truyền và quản lý nguồn quỹ con giống của Tập đoàn VinGroup đã góp phần tạo ý thức tự giác, trách nhiệm cho người nông dân trong việc chăm sóc, nhân giống đàn bò, lan tỏa giá trị của chương trình hỗ trợ sinh kế để nâng cao thu nhập.
Theo Anh Thư/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;