Thêm nhiều máy “ATM gạo” cho người nghèo
Chiếc máy này do anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) tận dụng máy móc có sẵn của công ty chế tạo. Máy hoạt động như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động tuôn ra, mỗi lần được 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần.
Ngoài ra, tại địa điểm nhận gạo được thiết kế thành các khu vực đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và các làn đường riêng cho từng người. Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận đã đứng ra hướng dẫn, hỗ trợ để đảm bảo khoảng cách giữa những người đến nhận gạo.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn bố trí khu vực ưu tiên nhận gạo mà không phải xếp hàng dành cho người già yếu, người khuyết tật và phụ nữ mang thai ở phía trước cổng và bố trí nước uống phục vụ cho người dân khi đến nhận gạo.
Vì mục đích hỗ trợ người lao động nghèo, khó khăn do dịch COVID-19, chỉ một thời gian ngắn sau khi “ATM gạo” đầu tiên ra đời, mô hình này đã được nhanh chóng lan tỏa khắp TP.
Chiếc máy “ATM gạo” thứ hai đặt tại trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh mới đi vào hoạt động được 5 ngày trước. Chiếc máy này nhằm phục vụ người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn huyện Bình Chánh trong mùa dịch COVID-19.
Tiếp đó, người dân nghèo quận 12 và quận lân cận vui mừng được nhận gạo miễn phí tại cây “ATM gạo” thứ 3. Vị trí lắp đặt cây “ATM gạo” được đặt tại khu vực liền kề Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12, nơi có nhiều công nhân và người lao động nghèo sinh sống.
Máy phát gạo tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương đến người nghèo tại quận Thủ Đức. Giờ đây người nghèo quận này không lo thiếu gạo. Hiện 2 máy “ATM gạo” hoạt động hết công suất trong thời gian buổi sáng (từ 7 giờ đến 11 giờ) và buổi chiều (từ 15 giờ đến 19 giờ 30) tại khuôn viên Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức (số 281 đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) nhằm cung cấp gạo miễn phí cho người nghèo.
Bên cạnh vị trí trên tại phường Hiệp Bình Chánh (số 48, đường 48, khu phố 6) và phường Linh Chiểu (số 25, đường Hoàng Diệu 2) cũng có "ATM gạo".
Người dân đồng lòng hưởng ứng
“ATM gạo” đã được người dân đồng lòng hưởng ứng còn các mạnh thường quân khắp nơi đã tích cực chở gạo tới tới hỗ trợ người nghèo.
Ngoài các cây “ATM gạo” trên, thì hiện tại đã có thêm 1 “ATM gạo” nữa được đặt tại khuôn viên trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh (141 - 145 Điện Biên Phủ, phường 15, Quận Bình Thạnh). Đây là hoạt động chung tay góp sức từ cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên, phụ huynh của trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP và các nhà hảo tâm.
Anh Tuấn Anh - chủ nhân sáng chế "cây ATM gạo”cho biết: sở dĩ lựa chọn ở vị trí Tân Phú, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 12 là vì anh muốn đảm bảo giữa mỗi "ATM gạo" có khoảng cách xa nhau để tiện cho việc bà con nghèo khắp nơi trên TP đến nhận gạo, tránh tình trạng tập trung đông người tại một chỗ.
Anh Tuấn Anh tiết lộ, hiện tại mỗi điểm "ATM gạo" đã phát trên 5 tấn gạo/ngày, phục vụ gần 10.000 người dân nghèo. Trong thời gian tới, anh sẽ hướng đến 1 triệu dân đang gặp khó khăn được nhận gạo.
Anh Tuấn Anh chia sẻ, sẵn sàng tặng và chuyển giao công nghệ cho các cho các quận huyện khác ở TP hoặc các tỉnh, thành khác nếu mạnh thường quân có mong muốn lắp đặt các hệ thống tương tự nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo.
Ngày 18/4, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết đã có 3 máy “ATM gạo” được lắp đặt trên địa bàn huyện. Những máy này được bố trí tại xã Hiệp Phước, Phước Lộc và Nhơn Đức.
Theo một lãnh đạo của xã Nhơn Đức, do giãn cách xã hội, người dân phải xếp hàng cách nhau 2 m. Lo người dân đứng ở ngoài nắng nên chính quyền xã đã quyết định đặt máy trong hội trường nhà văn hóa. Người dân đến nhận gạo không cần phải xếp hàng mà có ghế ngồi chờ.
Trong những ngày này, câu chuyện về những "ATM gạo" miễn phí vẫn tiếp tục lan tỏa khắp nơi vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Được biết, “ATM gạo” vượt khỏi phạm vi TP, có mặt tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước như: Hà Nội, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đắk Lắk…
Hi vọng với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nghĩa cử này sẽ tiếp tục nhận sự đóng góp của toàn xã hội, chia sẻ khó khăn với người dân trong mùa dịch./.
Theo CM/mattran.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã