Học tập đạo đức HCM

Cam Cao Phong hết thời long đong

Thứ ba - 18/11/2014 02:29
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Đây sẽ là bàn đạp nâng danh tiếng cam Cao Phong trên thị trường.

Mỗi năm có gần 2 vạn tấn cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình được bán ra thị trường. Mặc dù có chất lượng đặc thù: Vị ngọt thanh, mọng nước, hương thơm đặc trưng…, thế nhưng lâu nay cam vùng Cao Phong vẫn bị hiểu lầm cam Vinh, cam Văn Giang.

Hôm qua (16/11), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Đây sẽ là bàn đạp nâng danh tiếng cam Cao Phong trên thị trường.

13-37-50_nh-2
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong" cho sản phẩm cam của huyện

Vùng đất của những “tỷ phú cam”

Cách đây 60 năm, cây cam đã thống trị vùng đất Cao Phong. Không chỉ người Việt tấm tắc, mà dân Liên Xô cũ cũng xuýt xoa. Năm 1976, cả huyện gom được 3.000 tấn cam (chủ yếu do nông trường Cao Phong trồng) thì nước ngoài đã nhập một nửa.

Một thời huy hoàng thế, nhưng cam là “cây nhà giàu”, thiếu đạm ít hoa, thiếu canxi nứt quả, thiếu kali vỏ dày, múi kẹ… Có năm, một trận mưa lớn đã phá tan tuông những vườn cam trĩu quả sắp cho thu hoạch chỉ vì người trồng không bón phân cân đối dưỡng chất. Cơ chế quan liêu bao cấp, thị trường dần bị thu hẹp, giá cả bấp bênh đã từng bước “đẽo gọt” diện tích và sản lượng cam Cao Phong.

Hơn 2 thập kỷ trở lại đây, đi kèm với những tiến bộ về giống, đầu tư thủy lợi bài bản, nhu cầu thị trường lớn, công tác tập huấn khuyến nông được đẩy mạnh… vùng cam Cao Phong hồi sinh và phát triển mạnh. Đến năm 2014, diện tích cam, quýt đã lên tới 1.200 ha, trong đó trồng mới gần 200 ha, sản lượng dự kiến đạt 17.000 tấn.

Ông Vũ Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Cam là cây làm giàu của nhiều hộ trên địa bàn. Thống kê cho thấy, bình quân 1 ha cam thu gần 600 triệu đồng, trừ chi phí nông dân lãi ròng khoảng 400 triệu.

Riêng năm 2013, toàn huyện có trên 160 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 6 hộ thu nhập từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng tiền bán sản phẩm cam, quýt. Nông dân mua xe hơi, xây biệt thự không còn là chuyện xa vời.

Do thực hiện cơ cấu giống hợp lý nên giống cam chín sớm (CS1), giống cam chính vụ (cam Xã Đoài) và giống cam chín muộn (V2) có thể rải vụ thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, tránh tình trạng thương lái ép giá.

Ông Trần Văn Tuyên (khu 8, thị trấn Cao Phong) trồng hơn 10 ha cam với các giống V2, Xã Đoài, đường Canh, chia sẻ: "Hiện tại, 4 ha cam đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng, trừ hết chi phí lãi ròng 2,2 tỷ.

Để cây cam cho năng suất cao, được mùa thì phải tuân thủ những quy trình phức tạp từ khâu chọn giống, bón phân hữu cơ hợp lý. Sử dụng thuốc sinh học theo danh mục và cách ly ít nhất 30 ngày mới thu hoạch, đồng thời phải có sổ nhật ký ghi chép quá trình chăm sóc và quản lý sâu bệnh hằng ngày. Nhờ tạo được uy tín nên chưa đến vụ cam, thương lái đã đặt cọc tiền để đăng ký mua trước”.

Trả lại tên cam Cao Phong

“Có một nỗi buồn mà ít người biết, đó là bao lâu nay, cam Cao Phong vẫn bị hiểu nhầm là cam Vinh, thậm chí còn bị “vu” cam Trung Quốc vì mẫu mã đẹp”, ông Nguyễn Tiến Vượng, PGĐ TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ.

13-37-50_nh-1
Sản phẩm cam Cao Phong được trưng bày tại lễ đón nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho các sản phẩm cam của huyện Cao Phong

Việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho 4 sản phẩm cam (CS1, Xã Đoài cao, Xã Đoài lùn và đường Canh) được trồng tại 5 xã Bắc Phong, Tây Phong, Dũng Phong, Tân Phong, Thu Phong và thị trấn Cao Phong sẽ là cơ hội để người tiêu dùng biết đến sản phẩm cam Cao Phong nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: "Hiện tại, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất cam an toàn tập trung đến năm 2020 với quy mô trên 5.000 ha. Như vậy, sản lượng cam hằng năm của Hòa Bình là rất lớn. 
Muốn phát triển bền vững, đảm bảo giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập cho người nông dân chắc chắn phải đẩy mạnh khâu chế biến, bảo quản và mở rộng thị trường tiêu thụ cho cam. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch phát triển ngành chế biến nước cam ép để giải quyết một phần đầu ra sản phẩm".

Tuy nhiên, ThS Bùi Kim Đồng, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) lưu ý rằng: Cam mang chỉ dẫn địa lý Cao Phong nếu không được quản lý tốt sẽ bị lạm dụng danh tiếng trong hoạt động thương mại, chất lượng sản phẩm suy giảm vì mục đích trục lợi, quyền sở hữu và quyền sử dụng bị xâm hại…

Để duy trì được chất lượng đặc thù của sản phẩm cần kiểm soát tốt giống cây, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV, an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường; phân loại sản phẩm và chỉ sử dụng chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm đủ tiêu chuẩn đã đăng ký ra thị trường.

Để khai thác các giá trị của sản phẩm chỉ dẫn địa lý, cần tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm trên thị trường (thiết kế và sản xuất hệ thống bao bì bắt mắt, poster, biển quảng cáo, xây dựng website…); tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị khách hàng, hội nghị giới thiệu sản phẩm. “Trước mắt, phải chịu một phần kinh tế bằng cách bổ cam để người tiêu dùng nếm và cảm nhận, ghi nhớ, không phải mang cam Cao Phong đến hội chợ chỉ để bán, trưng bày”, ông Đồng nói.

Việc Hapro – doanh nghiệp đang quản lý Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam Hà Nội (chợ Đền Lừ, Hoàng Mai), cam kết phối hợp chặt chẽ với huyện Cao Phong để triển khai hoạt động quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện giới thiệu “Tuần lễ cam Cao Phong” tại Hà Nội sẽ là cú hích mạnh để sản phẩm của địa phương ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân lưu ý: Sau khi xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong, cần phải bảo vệ và phát triển nó nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động thương mại, mở rộng thị trường. Những người trồng cam phải thành lập một Hiệp hội đủ mạnh thì mới có thể quản lý tốt và đấu tranh với những hành vi trục lợi thương hiệu cam Cao Phong.



 

Nguồn: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập753
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm752
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại797,702
  • Tổng lượt truy cập93,175,366
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây