Học tập đạo đức HCM

Chè Việt... “mất tên” ở nước ngoài

Thứ sáu - 04/05/2018 04:35
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu chè, song người dùng thế giới ít biết tới chè Việt. Nguyên nhân là do chè Việt Nam chủ yếu xuất thô, thiên số lượng hơn chất lượng, đóng gói bằng… bao tải, thiếu thương hiệu. Các chuyên gia cho rằng đã tới lúc ngành chè buộc phải thay đổi cách làm nếu muốn nâng cao giá trị.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) chè tháng 3/2018 đạt 9 nghìn tấn, trị giá 13,6 triệu USD, lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 25,5 nghìn tấn, 39,4 triệu USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

3 tháng đầu năm, lượng chè XK sang 2 thị trường lớn nhất là Pakistan và Nga giảm, trong khi XK sang Mỹ, Ả rập Xê út, Malaysia tăng mạnh. Giá XK trung bình mặt hàng chè sang hầu hết thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Xuất thô, giá trị thấp

Thực tế, ngành chè hiện nay vẫn chủ yếu XK dưới dạng thô, chưa được chế biến sâu, dẫn tới bỏ lỡ nhiều thị trường hấp dẫn.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dẫn lại số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, theo đó nhập khẩu chè của nước này 2 tháng đầu năm 2018 tăng 15,6% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Sri-Lanka, Ấn Độ là ba thị trường chính cung cấp mặt hàng chè cho Nhật Bản.

Trong khi đó, thị phần chè Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu chè của Nhật Bản.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản nhập khẩu 61 tấn chè từ Việt Nam với kim ngạch 18,7 triệu Yên (tương đương 175 nghìn USD, tăng 1.278% về lượng và tăng 407% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017).

Nhật Bản là thị trường có truyền thống uống chè. Với người Nhật Bản, chè không chỉ là loại đồ uống có lợi cho sức khỏe, mà uống chè còn là nghệ thuật, thú vui của người già có thu nhập cao.

Theo Bộ Công Thương, đây là thị trường tiềm năng nhưng thị phần chè của Việt Nam tại Nhật Bản vẫn ở mức thấp do chưa đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của người Nhật. Nguyên nhân là chè nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu ở dạng thô, chưa được chế biến và gia công.

Ông Đoàn Anh Tuân, Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới (trà Cozy), cho biết hiện nay, DN này đang XK chè tới hơn 60 nước trên thế giới, tuy nhiên chủ yếu vẫn xuất nguyên liệu thô hoặc dưới thương hiệu nước ngoài, còn dưới thương hiệu trà Cozy chỉ chiếm 5%.

Đại diện trà Cozy thừa nhận, không chỉ Cozy mà 20 năm qua, đa phần các DN Việt thiếu định hướng xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng. DN chủ yếu tìm mọi cách XK để có ngoại tệ và cách duy nhất là sản xuất nguyên liệu giá rẻ.

Thêm vào đó, “người tiêu dùng thế giới biết tới thương hiệu trà Cozy chưa nhiều. Một phần vì việc tổ chức phân phối sản phẩm ở thị trường nước ngoài không dễ dàng, chưa kể phải kết hợp giữa kênh phân phối và marketing hiệu quả, đồng thời hiểu biết văn hóa từng nước”, ông Tuân chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho rằng chè xuất thô phải chịu áp lực giá tăng hoặc giảm nhưng nói để chế biến sâu thì chưa làm được. DN Việt mở kênh phân phối sản phẩm sâu cũng sẽ không dễ dàng vì chi phí cao gấp 3 lần việc mở một nhà máy sản xuất chè, trong khi Nhà nước không hỗ trợ.

“Thách thức lớn của ngành chè đang phải đối mặt là phải thay đổi hình ảnh, thay đổi tư duy sản xuất cũng như cần Nhà nước thay đổi về mặt thể chế quản lý để DN XK và nhà sản xuất có điều kiện phát triển tốt hơn”, ông Tài kiến nghị.

Theo ông Chu Xuân Ái, Chủ tịch công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh, giá trị XK chè của Việt Nam hiện chỉ ở mức trung bình khoảng 1,6 – 2 USD/kg, trong khi nếu chế biến có thể đạt 7,9 – 8,8 USD/kg.

Ông Ái cho rằng nhiều người hiện nay vẫn cho rằng cứ XK là thu lợi cao nhưng điều này lại không đúng với ngành chè. Mỗi năm, ngành chè phấn đấu mãi mới được khoảng 200 triệu USD cho toàn ngành, trong khi các ngành khác đạt mức hàng tỷ USD.

“Có thể thu giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều cho sản phẩm chè Việt Nam nếu chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến”, ông Ái nhận định.

Ông Wisal Hin, chuyên gia tư vấn quốc tế ngành Chè xanh Mỹ, từng thẳng thắn cho rằng danh tiếng chè Việt Nam tại Mỹ chưa được biết đến nhiều. Trong suy nghĩ của người tiêu dùng nước này, chè Việt Nam là loại chè giá rẻ và sản xuất đại trà. Thậm chí nhiều người nói không thích chè Việt Nam, không tin tưởng chè Việt Nam.

xuat-khau-che-2318-1525363615.jpg

Xuất khẩu chè của Việt Nam thiếu thương hiệu 

Đầu tư xây dựng thương hiệu

Theo ông Wisal Hin, Việt Nam chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho cây chè, chưa biết khai thác những câu chuyện về chè Việt Nam như viết nên những khác biệt về thổ nhưỡng của vùng trồng chè, khẳng định nguồn gốc, chất lượng và nền văn hóa gắn bó với cây chè Việt Nam từ bao đời nay, đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật hái chè, sao khô mà gần như chỉ riêng Việt Nam có.

Nhìn lại bài học từ vấn nạn chè vàng (chè sơ chế), chè nhiễm bẩn năm 2007, ông Chu Xuân Ái kể lại: khi đối tác yêu cầu đặt chè bẩn, đặt đến đâu DN Việt làm đến đó, thời điểm đó, các DN trong nước không muốn chế biến vì bán nguyên liệu được giá cao 10.000-12.000 đồng/kg. Một số địa phương thu gom chè, do hám lợi đã trộn cả búp cây cúc tần, búp cây chó đẻ, thậm chí còn hồ cả bùn loãng, mạt đá, xi măng vào chè để tăng trọng lượng, làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh và thương hiệu chè đã gây dựng trong nhiều năm.

Theo đại diện Hiệp hội Chè Việt Nam, cần đẩy mạnh sản xuất và chế biến theo hướng an toàn và hữu cơ hóa, trong đó an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố tháo gỡ được nút thắt cho DN thay vì chỉ để DN làm việc trực tiếp với người dân.

Còn ông Đoàn Anh Tuân nêu quan điểm: đến giờ này, khi nguồn tài nguyên đất nước bớt đi, buộc DN phải tư duy lại, phát triển theo hướng gia tăng giá trị, thêm trí tuệ vào sản phẩm.

“Gia tăng giá trị XK, DN vẫn là người thông thái nhất, bản thân mỗi DN trong mỗi ngành hàng cần tự tìm hiểu sản phẩm nào đang được thị trường ưa chuộng. Thị trường rất khốc liệt nên sẽ đào thải những ai không đáp ứng được”, ông Tuân chia sẻ.

Theo đó, cần phải có lộ trình, trước hết phải thông qua thương hiệu khách hàng trước, giới thiệu cho người tiêu dùng quen khẩu vị chè Việt Nam, sau đó mới bán thương hiệu của mình. Muốn thế, cần phải đầu tư ra những sản phẩm chè kết hợp với những nguyên liệu tinh tuý như ướp với hoa nhài, hoa sen…

Lê Thúy/http://thoibaokinhdoanh.vn/

Ông Đoàn Anh Tuân - Giám đốc công ty TNHH Thế Hệ Mới

Trà là sản phẩm văn hóa của một đất nước, thay vì Nhà nước hỗ trợ cho từng DN, chúng ta cần giới thiệu, quảng bá thương hiệu cho cả ngành hàng, giới thiệu về văn hóa thưởng thức trà của Việt Nam. Hàn Quốc thông qua bộ phim, họ khéo léo giới thiệu thời trang, đồ ăn thức uống, điều đó kích thích Việt Nam nhập khẩu những sản phẩm này về tiêu thụ. Tại sao chúng ta không làm như họ?

Ông Chu Xuân Ái - Chủ tịch công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng chè Việt Nam để phát triển thương hiệu, làm tăng giá trị XK tới các thị trường lớn, đồng thời mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam.

Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương

Chỉ khi chất lượng chè được đảm bảo, khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu chè mới dễ dàng hơn. Bởi một sản phẩm tốt sẽ luôn lấy lòng được người tiêu dùng. Do đó, các DN Việt Nam cần phải thay đổi về cách làm chè hiện nay, từ chủ yếu thiên về số lượng sang thiên về chất lượng để tạo ra những sản phẩm chè cao cấp vào được những thị trường cao cấp.


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập467
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại863,488
  • Tổng lượt truy cập92,037,217
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây