Theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, không xảy ra sự cố nghiêm trọng về ATTP. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương và đánh giá cao công tác đảm bảo ATTP. “Tết năm nay là một khởi điểm rất điển hình - không có trường hợp ngộ độc nào xảy ra. Sản xuất sạch, an toàn trở thành dòng chủ lưu không chỉ người tiêu dùng mà người sản xuất, nhà quản lý cũng đã ý thức vào cuộc” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng nhờ sản xuất an toàn, giá thành hạ, sức cạnh tranh tăng đã giúp chúng ta mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản tháng 2 năm 2018 ước đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2018 đạt 6,1 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Năm nay bà con nông dân vùng ĐBSCL ăn Tết rất phấn khởi, thoải mái do giá một số trái cây tăng cao, có lúc khan hàng. Tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tranh thủ thời tiết nắng ấm sau nghỉ Tết, nông dân nhiều địa phương đồng loạt xuống đồng gieo cấy. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương thực hiện nghiêm Công điện 240/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến cuối tháng 2, các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) gieo cấy được 907,1 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 97,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại miền Nam, diện tích gieo sạ lúa Mùa 2017 đạt 570.585 ha, chiếm 102,2% kế hoạch; đã thu hoạch được khoảng 545.562 ha, chiếm 95,61% diện tích gieo trồng, năng suất đạt 48,3 tạ/ha. Lúa Đông Xuân gieo sạ đạt 1.953,1 nghìn ha, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017; riêng vùng ĐBSCL gieo cấy đạt 1.563,9 nghìn ha và đã thu hoạch khoảng 249,2 nghìn ha.
Theo Cục Trồng trọt, năng suất lúa Đông Xuân ở ĐBSCL đạt 60 tạ/ha, tăng 5 tạ so với cùng kỳ 2017. Giá lúa ở khu vực này ổn định và tăng nhẹ 100-500 đồng/kg. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu gạo rất tốt và giá gạo của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Nếu như giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn thì năm 2017 là 450 USD/tấn và giá gạo trong đợt xuất khẩu đầu năm 2018 đạt 475 USD/tấn. Nguyên nhân giá xuất khẩu gạo tăng cao là do trong 3-4 năm qua, chúng ta đã xây dựng được cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm tới 80%.
Trong năm 2018, lĩnh vực trồng trọt được kỳ vọng sẽ đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 22 tỷ USD. Cùng với xuất khẩu lúa gạo khởi sắc, ngay từ đầu năm các vườn điều cơ bản đã phục hồi bật lộc, rau hoa tốt (từ 75-95%) và một số diện tích đã đậu quả trong khi nhãn vải ra hoa tốt đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Do thời tiết thuận lợi và công tác khuyến nông làm tốt, khiến vườn điều tái phục hồi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm nay nếu làm tốt kim ngạch xuất khẩu điều có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD. Với nhãn vải dự báo sẽ được mùa trong năm nay, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt khâu thị trường tiêu thụ trong tháng 3 và 4/2018.
Một tín hiệu tốt đối với mặt hàng sắn là thị trường xuất khẩu mở rộng do nhu cầu sản xuất ethanol và dự báo năm nay kim ngạch xuất khẩu sắn có thể đạt từ 1,4-1,6 tỷ USD. Chính vì thế, Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt đánh giá lại, đầu tư khoa học và tuyển chọn bộ giống sắn năng suất cao, thích hợp với các vùng sinh thái để duy trì diện tích nhưng có thể tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Hai tháng đầu năm 2018, thời tiết xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại dài ngày làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi ở một số tỉnh phía Bắc. Tính đến ngày 18/2, rét đậm, rét hại đã làm 7.216 con gia súc, gia cầm bị chết (6.862 con gia súc, 354 con gia cầm), thiệt hại lớn nhất là tại Cao Bằng 1.746 con, Lào Cai 1.119 con, Sơn La 1.094 con, Hòa Bình 807 con. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, việc cung ứng thực phẩm cho dịp Tết ổn định, giá tăng nhẹ khoảng 3.000-4.000 trong dịp Tết và hiện đang ổn định. Nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xây dựng hệ thống giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm chăn nuôi ra thị trường, đồng thời tiếp tục phối hợp tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn hỗ trợ phát triển chuỗi xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, trong những ngày đầu năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm và dự lễ phát động Tết trồng cây Xuân Mậu 2018. Năm nay, để tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 10547/CT-BNN-TCLN, đồng thời hướng dẫn các các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống, chuẩn bị hiện trường cho trồng rừng. Tính đến 20/2, trồng rừng tập trung ước đạt 5.900ha, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 998.000 m3, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với điều kiện thời tiết thuận lợi và đang giữa vụ cá Bắc, ngư dân đã tích cực chủ động tham gia bám biển khai thác hải sản trước, trong và sau dịp tết Mậu Tuất 2018. Theo báo cáo của các địa phương đến 21/2/2018, đã có gần 38.000 tàu cá ra quân khai thác hải sản, trong đó có khoảng 2.500 tàu cá khai thác xa bờ/17.670 ngư dân đón Tết trên biển. Ngư dân rất phấn khởi khi sản xuất trên biển trong dịp Tết và ra quân sản xuất đầu năm mới đều khai thác thuận lợi, sản lượng cao, thương lái thu mua tại cảng với giá cao (tăng từ 15-20%).
Đáng lưu ý, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng 2 ước đạt 276 nghìn tấn, tăng 5,1%. Lũy kế 2 tháng, sản lượng ước đạt 551 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng cá tra ước đạt 163,3 nghìn tấn, tăng 8,0%; sản lượng tôm các loại đạt 58,4 nghìn tấn, tăng 6,2%. Đây là tín hiệu tốt về nuôi trồng thủy sản. Tính chung, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 2 tháng ước đạt 1.047,9 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các hoạt động chống khai thác IUU, ngày 12/01/2018 Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với VASEP ban hành Sách trắng về chống khai thác IUU; từ ngày 01/2/2018, toàn bộ các doanh nghiệp hải sản cam kết chương trình chống khai thác IUU, đồng loạt thể hiện các cam kết của mình trong vấn đề này thông qua cách thức mà Hiệp hội đề nghị; treo bảng cam kết tại nhà máy sản xuất. Cùng với đó, Bộ cũng tăng cường đàm phán với EC về các nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU.
Đến 21/02/2018, cả nước có 3.160 xã (35,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn 113 xã dưới 5 tiêu chí. Có 46 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tăng 03 huyện so với cuối năm 2017).
Trong buổi giao ban công tác tháng 2, triển khai công tác tháng 3/2018, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh mục tiêu kế hoạch đặt ra cho ngành trong năm 2018 rất cao, áp lực rất lớn. Theo kế hoạch năm 2018 của Bộ, toàn ngành phấn đấu tốc độ tăng GDP tối thiểu là 3,0%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 3,3 - 3,5 %; kim ngạch xuất khẩu khoảng 41 tỷ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 22 tỷ USD, thủy sản khoảng 10 tỷ USD, lâm nghiệp khoảng 9 tỷ USD; có 37% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Với tiền đề thuận lợi của năm 2017, Bộ trưởng mong muốn các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và lãnh đạo các đơn vị tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp mang tính đột phá góp phần nâng cao hiệu quả công tác, đồng thời nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành các mặt công tác được giao, chỉ đạo xây dựng phương án tăng trưởng của lĩnh vực được giao phù hợp với kịch bản tăng trưởng của Bộ; đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể cho đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2018.