Thiếu thương hiệu sản phẩm
Được mùa, được giá, năm 2016, cà phê tiếp tục là một trong những mặt hàng nông - lâm - thủy sản XK chủ lực của nước ta. Dự kiến, XK cà phê năm 2016 có thể đạt khoảng 1,5 triệu tấn, với giá trị trên 3 tỷ USD, giúp Việt Nam duy trì vị trí quốc gia XK cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Tin vui là vậy, tuy nhiên, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam - cho rằng, nếu có được một thương hiệu đủ mạnh, giá trị XK cà phê của nước ta sẽ không dừng lại ở con số đó. Chính bởi quá trình quảng bá thương hiệu yếu nên giá trị XK cà phê hiện kém 10 - 20% so với các nước cùng XK mặt hàng này.
Thiếu thương hiệu sản phẩm không chỉ là thực trạng của riêng cà phê mà còn là tình trạng chung của nhiều mặt hàng nông sản nước ta. Gạo, tiêu, điều, thủy sản… đang đứng Top đầu XK thế giới. Rau, quả Việt ngày càng chứng minh được chất lượng khi nhiều loại trái cây như xoài, vải, vú sữa, thanh long… XK thành công đến hàng loạt quốc gia khó tính. Những đặc sản địa phương khác như chả mực Hạ Long, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong (Hòa Bình), hồng không hạt Bắc Kạn, gạo nàng thơm Chợ Đào, gạo tám Hải Hậu… cũng chinh phục không ít người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, con đường để đến với 4 chữ “Thương hiệu quốc gia” còn lắm gian nan đã khiến sản phẩm XK của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trên thị trường XK cũng như không thu được giá trị lớn như vốn dĩ các sản phẩm này đáng được hưởng. Số lượng các sản phẩm nông sản Việt xây dựng thành công và định vị được thương hiệu, được thị trường thế giới biết đến mới chỉ “đếm được trên đầu ngón tay” như cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk…, quá ít ỏi nếu so với hàng trăm sản phẩm nông sản Việt đang XK khắp thế giới.
Đi tìm nguyên nhân
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia - cho hay, trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hồ tiêu Việt đứng đầu thế giới nhưng vẫn chưa có thương hiệu |
Theo ông Sơn, trước hết là tiềm lực có hạn của các DN. Do phần đông các DN trong ngành nông sản là DN nhỏ và vừa, cả về tài chính và kiến thức, kỹ năng. Cái “khó” này “bó” các DN Việt Nam cả trong khâu xây dựng và quản trị, khai thác thương hiệu. Thứ hai, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu sản phẩm tiếp tục là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực xây dựng thương hiệu của các DN.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - chia sẻ, từ năm 2004, Hưng Yên đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Nhờ đó, giá trị XK sản phẩm được tăng lên, thu nhập của người dân trồng nhãn ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, để nâng tầm lên thành thương hiệu quốc gia với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, phải giải quyết được bài toán thị trường, truyền thông. Đặc biệt, phải giải quyết được tình trạng mạo danh sản phẩm.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện cả nước có 964 đặc sản nông nghiệp gắn với 733 địa danh nhưng chỉ có 23 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 20% nhãn hiệu nông sản Việt Nam được đăng ký. Đặc biệt, chỉ có 36/173 DN ngành Nông nghiệp đăng ký thương hiệu trong nước, 5 DN đăng ký thương hiệu ở nước ngoài… |
Kỳ II: Chung tay xây dựng thương hiệu quốc gia
Phương Lan
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã