Học tập đạo đức HCM

Dưa hấu ùn ứ, thối rữa: Bộ nào phải chịu trách nhiệm?

Thứ năm - 23/04/2015 06:02
Trong khi dưa hấu, hành tím rơi vào cảnh ùn ứ, thối rữa và bị ép giá thì trách nhiệm của hai Bộ Công thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ở đâu?

Chưa bao giờ người nông dân trồng dưa hấu, hành tím lại rơi vào thảm cảnh bê bết như bây giờ khi “miếng cơm sinh tồn” của họ đang bị vứt chồng đống đến thối rữa. Thực tế đang cho thấy, vấn đề nông sản bị ép giá, ế thừa vẫn là câu chuyện lặp đi, lặp lại bao năm nay không có hướng giải quyết. Trong khi lĩnh vực này có đến hai “tổng quản” là bộ Công Thương và bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nhưng vì sao dân vẫn... khóc?

Đỏ mắt khóc ròng vì... dưa thối, hành ế

Những ngày qua, hàng ngàn tấn dưa hấu không thông quan kịp, ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. Điệp khúc “được mùa, dưa ế” đến hẹn lại lên như một quy luật muôn thuở cho những người nông dân vốn chỉ quen bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Theo số liệu từ cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn mà PV bản báo thu thập được, tính đến đầu tháng 4/2015, mặc dù tình trạng thông quan hàng nông sản sang Trung Quốc đã khá hơn, nhưng vẫn còn hàng trăm xe vận chuyển nông sản ùn ứ trên tuyến đường lên cửa khẩu Tân Thanh.

Trong khi đó, trên cánh đồng ở Nam Trung Bộ, bà con nông dân đã thu hoạch dưa hấu, chất đầy đường. Trên các thửa ruộng, dưa hấu vẫn tràn ngập, bò ăn không hết, nông dân khóc ròng bất lực nhìn thành quả của mình thối rữa trên đồng.

   Dưa hấu ùn ứ, thối rữa: Bộ nào phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 1

Người dân trồng dưa đang lao đao vì thiếu bóng dáng của vị “tư lệnh ngành”.

Ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, nhiều người đã vào cuộc kêu gọi sự chia sẻ mua dưa giá rẻ để cứu người trồng dưa khỏi một mùa đói sắp đến.

Trao đổi với chúng tôi, anh Đặng Như Quỳnh, người có ý tưởng thu mua dưa của bà con Quảng Nam với giá cao gấp 3 lần thương lái cho biết, tại ruộng, dưa của nông dân bị thương lái ép giá mua với mức 600 - 1.000 đồng/kg. Anh và bạn bè đã quyết định kêu gọi mọi người ở Hà Nội mua dưa ủng hộ, và đã tự bỏ tiền riêng để thu mua 185 tấn, giá 3.000 đồng/kg chuyển ra Hà Nội bán giúp bà con.

Nông sản được mùa, ứ thừa dẫn đến chuyện nông dân bị ép giá, thương lái cũng “chết dở” vì thu mua nông sản chở lên biên giới xuất khẩu, nhưng lại bị ách hàng tuần trời, dưa hỏng phải bỏ đi. Bao năm nay, câu chuyện này vẫn cứ lặp đi lặp lại nhưng không có phương án nào giải quyết.

Cùng số phận với hàng ngàn tấn dưa, hơn 50.000 tấn hành tím tồn đọng, chất cao như núi ở miền Tây, nhiều nhất là thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Nhiều gia đình không có kho chứa, phải chất ngoài đồng, che nắng bằng rơm khô. Các giá nông sản này rớt từ hơn 20.000 đồng/kg hồi cuối năm trước xuống còn 5.000 đồng/kg loại tốt, loại trung bình 4.000 đồng/kg, loại xấu chỉ còn 3.000 đồng/kg. Ngay sau đó, nhiều đơn vị đã lên tiếng “giải cứu”.

   Dưa hấu ùn ứ, thối rữa: Bộ nào phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 2

Hành tím đang “khóc ròng” vì mất giá.

Theo đó, số hành tím này sẽ được chuyển đi các tỉnh miền Nam, Hà Nội tiêu thụ từ 20-26/4 và được đưa vào các siêu thị, nhà máy sản xuất mỳ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp “tình thương”, tình thế, nông dân cần sự bảo trợ mang tính chiến lược của cơ quan thẩm quyền để bà con ổn định sản xuất.

“Người điều hành” trốn ở đâu?

Chuyện đầu ra của nông sản đã có rất nhiều cuộc hội thảo họp bàn, hàng loạt các chính sách được xây dựng. Và hơn thế, dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đã được nhà quản lý xây dựng khá cụ thể. Song, tất cả dường như chỉ dừng lại ở giải pháp tình thế. Vậy hai cơ quan chịu trách nhiệm trong vấn đề này là bộ Công Thương và bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (bộ NN&PTNT) đi đâu suốt bao năm qua?

Trả lời báo giới mới đây nhất, Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (bộ Công Thương) Võ Văn Quyền khá lạc quan cho biết, tính đến thời điểm đầu tháng 4/2015, ước tính khoảng gần 80% lượng dưa hấu ở nhiều địa phương đã được tiêu thụ. Cá biệt có Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết. Đến nay, dù lượng dưa đổ về qua cửa khẩu Tân Thanh khá lớn, dẫn đến ùn tắc, nhưng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, lượng dưa ùn ứ đã nhanh chóng giảm xuống. Tuy nhiên, thông tin mang tính thời sự từ ông Quyền cũng không thể che giấu một thực tế: Không riêng dưa hấu, nhiều loại trái cây là nguồn sống của hàng vạn nông dân hiện vẫn phát triển tự phát, bấp bênh đầu ra.

Trong một phát biểu khác từ phía đại diện bộ NN&PTNT cho thấy, “quả bóng” trách nhiệm đang thuộc lĩnh vực của bộ Công Thương. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Phụ trách cục Trồng trọt (bộ NN&PTNT) cho rằng, dưa hấu cũng như nhiều nông sản khác đang mắc ở khâu lưu thông, phân phối. Vị Phó Cục trưởng này cũng bật mí: Dưa trồng nhiều ở một số tỉnh Nam Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng diện tích vài chục nghìn héc-ta.

Có mặt tại thủ phủ của dưa hấu, TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung trao đổi nhanh với PV, sở dĩ bà con rơi vào tình cảnh được mùa, mất giá là do làm nông nghiệp theo kiểu chạy theo phong trào, tự phát. "Để xảy ra thực trạng này phần lớn là do khâu dự báo quy hoạch, cảnh báo thị trường của quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém. Muốn làm nông nghiệp chính quy, trước hết phải có sự liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Bà con phải được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, nắm bắt thông tin thị trường, áp dụng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn thành công mới nhân rộng làm đại trà. Như vậy mới hy vọng tránh được tình trạng nông sản ùn ứ sau mỗi mùa thu hoạch như hiện nay", ông Lịch khuyến cáo.

Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc làm của bộ Công Thương vừa qua chỉ mang tính hình thức. Nhiệm vụ của bộ Công Thương là hoạch định chính sách nhằm giải quyết câu chuyện lớn chứ không phải những việc nhỏ lẻ. TS. Phạm Chi Lan thừa nhận, việc sản xuất tiêu thụ vẫn là của chính doanh nghiệp và người nông dân. Bởi trồng dưa không thực sự nằm trong kế hoạch của Nhà nước. Mặt khác, cơ quan Nhà nước nhiều khi cũng không thể tính toán được hết. “Lẽ ra khi bộ Công Thương thấy ngành nông nghiệp sản xuất nhiều dưa quá, phải bàn với bộ NN&PTNT về giải pháp thị trường” – bà Lan nói.

Video tham khảo:

 
Skip

Xe chở dưa hấu ách tắc hơn 20km chờ thông quan

Với một cách nhìn khác, nguyên Phó Cục trưởng cục Chế biến Nông – Lâm – Thủy sản và Nghề muối (bộ NN&PTNT) Đoàn Xuân Hòa, khi được PV bản báo đặt câu hỏi cho rằng, câu chuyện năm nào cũng xảy ra ùn tắc dưa ở cửa khẩu là do không thiết lập được chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Lâu nay, thương lái thường tìm đường xuất đi Trung Quốc vì đây là thị trường béo bở, trong khi chúng ta chưa chú trọng thiết lập kênh tiêu thụ ở siêu thị, chợ đầu mối, bán lẻ nội địa.

Trung Quốc là thị trường rất lớn về hoa quả tươi. Do vậy, cần thiết lập khu thương mại biên giới, thuận tiện cho tiêu thụ nông sản, nhất là hoa quả tươi. “Nên bớt đi những đề án lằng nhằng, tập trung vào việc cụ thể sẽ tốt hơn”, ông Hòa nói.

Không thay đổi sẽ thua ngay trên sân nhà!

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, chúng ta xuất phát điểm từ khi đổi mới là nước thiếu lương thực, nông dân còn nghèo, chỉ tập trung vào làm sao đủ no. Khi hội nhập thị trường mạnh mẽ hơn, rõ ràng câu chuyện phải chuyển sang cơ chế thị trường, chế biến, bảo quản sau thu hoạch cần phải được tính đến. Kèm theo đó là không chỉ có nông dân mà phải có cả doanh nghiệp, họ mới bắt được tín hiệu tốt nhất, cả tín hiệu thị trường cũng như chế biến và bảo quản.

Do đó, theo ông Tuấn, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ hội nhập mạnh mẽ và tham gia vào nhiều sân chơi chung với mức thuế về 0%, trong đó có rất nhiều mặt hàng nông sản. Khi đó, nếu không thay đổi, có khả năng chúng ta còn thua ngay cả trên sân nhà, chứ đừng nói đến xuất khẩu.

Anh Đặng Như Quỳnh (Nguyễn Xiển - Thanh Xuân - Hà Nội), người được mệnh danh là thủ lĩnh của “biệt đội dưa hấu” khởi xướng phong trào “Mỗi trái dưa - Một tấm lòng” kêu gọi cộng đồng mạng mua dưa hấu ủng hộ đồng bào Quảng Nam. Trước thực trạng thương lái ép giá bà con 600 đồng/kg dưa hấu và với điều kiện là bán sang Trung Quốc xong mới trả tiền.

Anh Quỳnh đã bỏ tiền túi ra mua toàn bộ 185 tấn dưa hấu với giá 3.000 đồng/kg giúp bà con Quảng Nam về Hà Nội tiêu thụ. Trung bình một ngày anh nhận được vài trăm cuộc điện thoại, vài nghìn tin nhắn trả lời về dưa khiến đầu anh luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”. Anh Quỳnh chia sẻ: “Những ngày vừa qua, mình và các bạn luôn trong trạng thái ăn cùng dưa, ở cùng dưa, ngủ cùng dưa và mơ toàn thấy dưa”...

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn Mỹ Danh, người trồng dưa xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi buồn rầu cho biết: “Dưa hấu năm nay được mùa, nhưng thương lái ép giá bèo, vụ mùa năm nay coi như mất trắng. Lúc trước, dưa đến độ chín búa rồi mà chưa thấy ai đến “dạm ngõ” mua. Mọi năm thì ồ ạt, vậy mà năm nay vắng quá.

Cũng may có một số cá nhân, tổ chức chung tay với người nông dân Quảng Ngãi chúng tôi mua dưa với giá cao gấp nhiều lần thương lái Trung Quốc. Nhưng số lượng này cũng chỉ có hạn, nông dân chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm có những giải pháp để các năm tới không còn tình trạng dưa chín không biết bán cho ai, giá rẻ như cho, thậm chí để thối. Như thế người nông dân mới yên tâm trồng trọt”.

T-Quyết - văn Chương - Vũ Phương
theo nguoiduatin

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập949
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại764,030
  • Tổng lượt truy cập93,141,694
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây