Sau gần 2 năm giảm thấp, giá lợn hơi nay lên rất cao, đem lại lợi nhuận khá hấp dẫn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, giá lợn xuất chuồng hiện tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ gây phá vỡ cân đối, người nuôi lợn vẫn lo ngại về rủi ro.
Những ngày giữa tháng 9, tại địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Hậu Giang, An Giang, Bến Tre... lợn hơi loại 1 có giá 47.000 – 53.000 đồng/kg.
Nguồn cung giảm khiến giá lợn hơi trên thị trường liên tục tăng cao kỷ lục trong 2 năm qua. So với những tháng đầu năm 2018, giá lợn hơi đang cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo các hộ chăn nuôi, mỗi con lợn khoảng 100 kg bán với giá hiện nay có thể lãi từ 1,5 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, điều lo lắng là mức giá đó sẽ duy trì bao lâu, trong khi gần đây giá lợn giống và thức ăn tăng khiến giá thành chăn nuôi tăng theo.
Ông Võ Thanh Hùng (ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) cho biết vừa bán 10 con lợn với giá 4,8 triệu đồng/tạ, trừ chi phí, mỗi con lãi gần 2 triệu đồng.
Theo ông Hùng, đó là nhờ giá thức ăn ở mức thấp, lợn giống cũng khá rẻ, chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng/con (12 kg), nhưng ông vẫn chưa bù được phần vốn bị lỗ do giá lợn sụt giảm gần 2 năm qua.
“Từ đàn lợn hơn 100 con, tôi giảm xuống chỉ còn một nửa, giờ vẫn chưa dám tăng đàn trở lại vì thiếu vốn và sợ giá đầu ra chưa ổn định” ,ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các quận huyện ở Cần Thơ, lợn giống cỡ 10-12 kg/con hiện có giá từ 900.000 - 1.000.000 đồng/con (đầu năm giá 300.000 - 400.000 đồng/con), tại Bến Tre hơn 1 triệu đồng/con...
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá lợn hơi loại 1 trong 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 28.000 - 33.000 đồng/kg, sau đó lên mức 35.000 - 40.000 đồng/kg và đạt mức trên dưới 50.000 đồng/kg vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, rồi lại giảm về mức 46.000 - 48.000 đồng/kg vào giữa tháng 6, rồi xuống ở mức 43.000 - 46.000 đồng/kg, từ cuối tháng 7 đến nay lại dao động ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg.
Gần 20 năm nuôi lợn, bà Lê Thị Thu Hương (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay, với giá lợn hiện nay, người chăn nuôi đang có lãi khá nhiều, nhất là những hộ nuôi cả lợn thịt và lợn nái như bà.
Tuy chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ với 5 lợn nái và khoảng 50 con lợn thịt nhưng nhờ không phải tốn tiền mua lợn giống nên trung bình mỗi con lợn xuất chuồng, bà Hương lãi khoảng 2,5 triệu đồng.
Sau khi được điều chỉnh tăng, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 20.000 - 25.000 đồng/bao.
Theo tính toán của người nuôi, nuôi một con lợn đạt 100kg, chi phí thức ăn phải từ 2,5 - 2,7 triệu đồng, nếu giá lợn hơi giảm dưới 4 triệu đồng/tạ thì rất khó kiếm lời.
Giá lợn hơi tăng cao là niềm vui của người nuôi nhưng lại tác động không nhỏ đến người tiêu dùng. Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở thành phố Cần Thơ, thịt lợn ba chỉ đang có giá khoảng 110.000 – 115.000 đồng/kg, sườn cốt lết 85.000/kg, chân giò 90.000 đồng/kg…
Trong khi đó, ở các chợ truyền thống, mức giá thấp hơn 10.000 – 15.000 đồng/kg tùy loại.
Đứng trước quầy thịt lợn trong một cửa hàng tiện lợi nằm trên đường Trần Ngọc Quế (quận Ninh Kiều), chị Lâm Hồng Diễm (nhà ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) cho biết giá thịt lợn ba chỉ tại cửa hàng này đã tăng từ 95.000 đồng/kg lên 115.000 đồng/kg chỉ trong vòng vài ngày.
Số tiền mà chị dành cho thực phẩm hàng ngày cũng theo đó tăng lên bởi thịt lợn là món ăn phổ biến trong bữa cơm của gia đình.
Theo một chủ sạp thịt lợn tại chợ Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), giá thịt lợn tăng nên người mua giảm, họ chuyển sang các loại cá hay thịt khác rẻ hơn, hàng thịt lợn của bà bán ra mỗi ngày đã giảm gần 30%.
Dự báo sắp tới sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường sẽ còn giảm do Đồng bằng sông Cửu Long đã vào mùa lũ, nguồn thủy sản dồi dào và giá rẻ...
Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc thống kê và có giải pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn.
Theo đó, thị trường và ngành chăn nuôi lợn đang trên đà phục hồi và phát triển tốt, tuy nhiên giá lợn xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI) và tiềm ẩn nguy cơ gây phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới.
Công văn đề nghị Chủ tịch các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương thống kê quy mô đàn, sản lượng lợn thịt dự kiến; thông tin thường xuyên về giá cả thị trường và nguồn cung; tuyên truyền người nuôi xuất lợn đúng tuổi, không đẩy giá vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg; triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung trong nước...
Thị trường thịt lợn đã phục hồi sau thời gian dài khủng hoảng. Tuy nhiên, nếu giá lợn hơi duy trì ở mức cao như hiện nay và kéo dài thì sẽ khó tránh khỏi người chăn nuôi tái đàn ồ ạt. Khi đó, khủng hoảng thừa sẽ tái diễn và phải giải cứu như năm 2017.
Chưa kể đến việc nếu giá lợn quá cao thì thịt lợn nước ngoài sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước./.
Theo Thanh Liêm/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;