Học tập đạo đức HCM

Gỡ nút thắt cho nông nghiệp công nghệ cao (Kỳ II)

Thứ tư - 27/12/2017 11:19
Để cho vay nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan

Kỳ II: Vẫn vướng cơ chế

Lúng túng tiêu chí

Lãnh đạo NHNN cho biết hiện dư địa vốn dành cho các dự án NNCNC còn khá nhiều. “Nguồn vốn của ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực NNCNC, nông nghiệp sạch, tuy nhiên số lượng các dự án đủ điều kiện được vay vốn của chương trình hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là thiếu các dự án có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, được đầu tư bài bản”, ông Trần Văn Tần khẳng định.

Một trong những nguyên nhân tác động đến tốc độ triển khai cho vay NNCNC đó là cả người đi vay và cho vay đều lúng túng khi xác định tiêu chí. Là một trong những đơn vị sớm lập hồ sơ vay vốn tham gia chương trình này, Giám đốc một HTX rau xanh tại Vĩnh Phúc phấn khởi đến ngân hàng đề nghị vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Song những tài sản như nhà kính, nhà lưới... của HTX này không được nhận thế chấp vì chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp. Trong khi đó HTX mới thành lập thì không có gì để thế chấp vì ngay cả trụ sở làm việc cũng phải đi thuê, đất sản xuất do thành viên trong HTX cùng góp làm.

Để cho vay NNCNC hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan

Không chỉ DN nhỏ mà ngay cả DN lớn cũng tỏ ra lúng túng khi không biết mình có đủ tiêu chí được tham gia chương trình tín dụng 100 nghìn tỷ đồng hay không. Ông Trần Quốc Toản - Giám đốc một DN TNHH về lĩnh vực nông nghiệp băn khoăn không biết tiêu chí để được công nhận là DN ứng dụng công nghệ cao ra sao. “Có phải chỉ cần vào khu công nghệ cao là DN được cấp giấy chứng nhận DN ứng dụng công nghệ cao hay không?”, ông Toản đặt vấn đề.

Sự lúng túng về tiêu chí cũng chính là vấn đề mà người cho vay là các ngân hàng đang đau đầu khi triển khai chương trình này. Lãnh đạo một NHTMCP cho hay, tiêu chí về dự án NNCNC theo quy định của Bộ Nông nghiệp còn chung chung, chưa phù hợp và gây khó khăn cho ngân hàng xác định đối tượng hưởng chính sách. Vì sản xuất NNCNC đòi hỏi phải thực hiện bài bản trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất từ lựa chọn giống, sản xuất, chế biến ra sản phẩm chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngay cả những DN lớn như TH True milk hay Vingroup đầu tư lớn làm ăn bài bản như vậy nhưng có những điểm chưa thể khẳng định là đúng tiêu chí NNCNC hay chưa.

Thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro

Là ngân hàng đi tiên phong cho vay lĩnh vực này và lăn lộn với nền nông nghiệp nước nhà gần 30 năm qua, nên bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank thấu hiểu những khó khăn mà các ngân hàng đang gặp phải khi cho vay NNCNC. Kinh nghiệm là vậy, nhưng khi triển khai Agribank cũng gặp rất nhiều trở ngại.

“Cái khó của Agribank là đầu ra kiểm soát rủi ro quá trình triển khai dự án, đặc biệt thiếu chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Cơn bão số 12 vừa rồi làm thiệt hại rất lớn cho người nuôi tôm ở Phú Yên, Khánh Hòa trong khi công cụ phòng ngừa rủi ro như chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi khiến cho cả người vay và đi vay chịu thiệt nặng nề. Và cũng để thấy rằng câu chuyện này luôn nóng không chỉ với người sản xuất mà là cả các NHTM đã và đang vào cuộc cho vay sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là bài toán vô cùng khó của các ngân hàng”, bà Phượng tỏ ra ái ngại.

Một chuyên gia kinh tế khá thấu hiểu cho các ngân hàng khi triển khai chương trình này, ông nói: bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay các dự án nông nghiệp sạch vay vốn, nếu không họ đã không cam kết dành số vốn cao hơn cả mức yêu cầu như vậy. Nhưng vấn đề chúng ta phải nhìn thẳng thắn thực tế là gánh nặng trách nhiệm khả năng thu hồi vốn thuộc về người cho vay.

Rủi ro cho vay lĩnh vực NNCNC lớn không kém đó là rủi ro có tính thị trường của sản phẩm công nghệ cao này. Bởi đầu tư cho công nghệ cao rất lớn, như vậy chi phí cho sản phẩm cũng rất cao. Tuy nhiên, nếu không có thị trường tiêu thụ, không có thị trường ổn định thì rõ ràng sản phẩm công nghệ cao cũng như dưa hấu, thịt lợn thì thiệt hại của người nông dân là cao hơn rất nhiều. Và ngân hàng đầu tư cho vay cũng chịu thiệt hại lớn.

Nhất là với việc hình sự hóa các hoạt động ngân hàng như hiện nay, cán bộ ngân hàng luôn sống trong lo sợ. Bởi như đã phân tích, các dự án nông nghiệp nhiều khi mức độ thành công, lời lãi lại phụ thuộc vào thời tiết, thị trường nên độ rủi ro lớn, khả năng hoàn vốn bấp bênh. Nếu cứ có mất mát vốn là TCTD bị xem xét truy tố, khởi tố, buộc tội thì chẳng ngân hàng nào dám cho vay.

“Mặc dù ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng tiêu chí hàng đầu và cũng là điều kiện tiên quyết là khả năng thu hồi vốn của dự án và đánh giá tất cả các yếu tố rủi ro xung quanh dự án khả thi thì ngân hàng mới quyết định đầu tư”, bà Phượng khẳng định.

Ông Tần cũng nhấn mạnh, đây là chương trình cho vay nhằm hỗ trợ khuyến khích nông nghiệp sạch, NNCNC và sử dụng vốn huy động của các TCTD chứ không phải là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách. Vì vậy, khâu thẩm định dự án, tiêu thụ rất là quan trọng khi ngân hàng quyết định cho vay, nên không thể cho vay đại trà. 

Vấn đề thận trọng khi đầu tư NNCNC không chỉ từ phía ngân hàng mà còn cả với các DN nhất là các DN vừa nhỏ. Phó giám đốc CTCP CNC Hà Nam thuộc Công ty Vinaseed là một công ty lớn về NNCNC cho biết, các DN nhỏ có thể nghĩ được nhưng để làm được không dễ. Đầu tư NNCNC đối với DN quy mô nhỏ vốn cực kỳ quan trọng. Để có thể đầu tư cơ sở hạ tầng, cần mặt bằng, vùng sản xuất tốt, điều kiện khoa học kỹ thuật. Trong đó con người là then chốt, các yếu tố khác có thể tạo dựng được nhưng nếu con người không tốt thì vận hành không chuẩn được, hiệu quả đạt thấp.

“Đối với đầu tư NNCNC, các DN quy mô nhỏ không thể đi nhanh mà phải triển khai từng bước tạo tiền đề vững chắc cho mình để khi đi vào sản xuất  suôn sẻ thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn. Đó cũng là lý do khiến các DN vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia chương trình này”, vị này cho biết

Nút thắt nào cần tháo gỡ

“Về khó khăn liên quan đến việc ngân hàng không nhận thế chấp tài sản là các công trình sản xuất  NNCNC như nhà kính, nhà lưới trong thời gian vừa qua không phải do ngân hàng không muốn mà họ chỉ tuân theo quy định hiện hành, chỉ nhận giá trị của miếng đất, còn tài sản hình thành trên đất không có cơ sở cấp giấy chứng nhận, không được đăng ký giao dịch đảm bảo thì ngân hàng không nhận thế chấp được”, ông Tần lý giải và cho biết thêm: những khó khăn về nguồn vốn và tài sản trên đất khi đầu tư NNCNC đã và đang được các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc.

Sắp tới, nhà kính, nhà lưới, các trang thiết bị áp dụng công nghệ cũng sẽ được coi là tài sản có thể thế chấp ngân hàng để có thêm nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp. Cùng với đó, việc Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt Nghị định 210 sửa đổi về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sắp tới sẽ giúp tháo gỡ và giải quyết những vướng mắc về vốn như hiện nay…

Một vấn đề cũng rất quan trọng nữa đảm bảo gói tín dụng NNCNC đạt hiệu quả đó là đầu ra các sản phẩm. Ứng dụng NNCNC đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đầu tư lớn, nên giá thành sản phẩm nông nghiệp sạch thường cao. Trong khi đó do ứng dụng công nghệ không đồng bộ nên chất lượng sản phẩm NNCNC chưa đồng đều, khó cạnh tranh, chưa nói đến kênh tiêu thụ không tốt. Thực tế nhiều nước trên thế giới nhiều sản phẩm chủ lực còn có thời điểm thất bại như Brazil có thời điểm người nông dân phải đổ đi hàng tấn cà phê vì không bán được.

Để chương trình đạt được hiệu quả, tránh rủi ro làm phát sinh nợ xấu, theo quan điểm các chuyên gia cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương cần có đánh giá, dự báo và cảnh báo về phát triển sản phẩm NNCNC, có giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm, kịp thời thông báo cho NHNN các cảnh báo sản xuất vượt quy hoạch để chỉ đạo, định hướng việc cho vay của các NHTM. Bộ Tài chính sớm triển khai hướng dẫn liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và khách hàng phát triển đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nói chung và nông nghiệp ứng dụng NNCNC, nông nghiệp sạch nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Hà Nam 

Nâng cao chất lượng dự báo sản phẩm nông nghiệp

Vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung - cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường còn nhiều bất cập. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất, chưa tính đến đầu ra của sản phẩm, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp… 

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dự báo thị trường nông sản, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu ổn định, sắp xếp sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Điều này rất quan trọng đối với DN, nhất là DN NNCNC vốn đầu tư cao, thiệt hại rất lớn. Ngoài ra, các mô hình NNCNC sau khi phê duyệt triển khai hoạt động cần có sự giám sát của các cơ quan chức năng đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng quy trình không làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank 

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Thực tế nhiều tỉnh, thành phố muốn thành lập khu công nghiệp hơn là phát triển nông nghiệp. Dẫn đến khi ngân hàng triển khai chương trình tín dụng này đến các địa phương hầu hết các dự án là manh mún, tự phát không có vùng quy hoạch xây dựng NNCNC bài bản. Do đó, việc kiểm soát chất lượng dự án, tổ chức kênh tiêu thụ sản phẩm khó khăn. 

Quả thật, ngân hàng dành số vốn đến 50 nghìn tỷ đồng cho chương trình nhưng tới nay mới triển khai được 6.000 tỷ đồng nên chúng tôi rất mong muốn triển khai tích cực hơn. Tuy nhiên, ngoài khó khăn trên, việc xác định tiêu chí dự án NNCNC đối với ngân hàng khó khăn, dù các chi nhánh đã bám sát 4 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Quyết định 738. Nhưng thật sự phải rất thông cảm cho cán bộ ngân hàng. Họ không phải nhà khoa học, trong khi tiêu chí lại nhiều, mang tính kỹ thuật cao như về đầu tư loại hình dự án, định mức kỹ thuật, có dự án chênh lệch lớn dù hình thức đầu tư giống nhau… gây khó khăn trong thẩm định dự án.

Để tạo động lực khuyến khích cho TCTD tích cực triển khai cho vay NNCNC tôi cho rằng cần có thêm chính sách hỗ trợ như chính sách về thuế, các chính sách ưu đãi khác...

TS. Nguyễn Anh Phong, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn

Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước - Yếu tố không thể thiếu

Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng là tín hiệu đáng mừng đối với bài toán nguồn vốn cho NNCNC. Tuy nhiên, các giải pháp chính sách của nhà nước đưa ra mới chỉ tập trung vào các chương trình, chính sách độc lập như Đề án NNCNC, các chương trình tín dụng, chính sách đất đai...  mà chưa có các giải pháp để thúc đẩy các phương thức phát triển NNCNC một cách đồng bộ và phù hợp.

Để thu hút đầu tư NNCNC, theo tôi phải tăng đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân theo hướng bố trí vốn của nhà nước để thúc đẩy huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong đầu tư cơ sở hạ tầng cho NNCNC; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút DN lớn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và củng cố các trung tâm khoa học nông nghiệp... Một vấn đề quan trọng nữa cần phải cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ như xây dựng chính sách tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị phù hợp quy mô thị trường, mở rộng chủ thể tham gia chuỗi, gắn với nhu cầu sản phẩm tài chính và các dịch vụ đi kèm khác đối với DN nông, lâm, ngư nghiệp…

Yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cần thể hiện mạnh mẽ quyết liệt hơn thông qua đổi mới thể chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp...

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập666
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,588
  • Tổng lượt truy cập93,149,252
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây