Giá thấp, khó bán
Giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua dù đây là vụ lúa có chất lượng, năng suất cao nhất của năm. Đang thu hoạch 11ha lúa đông xuân của gia đình ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nông dân Lê Văn Lam tỏ ra rất lo lắng: “Giá lúa thấp quá, nông dân ở đây lo sốt vó. Cánh đồng này đang vào thu hoạch rộ, ai cũng sợ giá sẽ còn rớt nữa. Bữa nay (28-1) nhà tôi bắt đầu thu hoạch 11ha lúa đông xuân. Thương lái trả 4.300 đồng/kg (lúa IR50404), lúa hạt dài chất lượng cao cũng chỉ 4.400 đồng/kg. Với mức giá này, trừ hết chi phí, nông dân còn lời chưa tới 1 triệu đồng/công, giảm 50% so với năm rồi. Nhưng mà thương lái trả giá chứ chưa quyết định ngay là mua hay không mà họ còn chần chừ. Buộc lòng mình phải gặt rồi chở về nhà để đó chứ biết sao bây giờ”.
Một số trường hợp khác cần tiền gấp muốn bán được lúa phải chịu khó phơi khô thêm hoặc bấm bụng giảm vài chục đồng/kg. Đây là tình cảnh chung của rất nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười như: Tân Hồng, Tháp Mười, Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp). Trong khi đó, nhiều nông dân vùng Tứ Giác Long Xuyên cũng gặp cảnh chẳng sáng sủa hơn. Nông dân Nguyễn Văn Sáu (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) phản ánh: Vụ lúa đông xuân này vì nhiều yếu tố bất lợi như thời tiết, không có lũ… nên năng suất giảm bình quân 0,7-0,8 tấn/ha, các chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động đều tăng cao, nhưng giá lúa lại quá thấp và tiếp tục có chiều hướng sụt giảm.
Hiện giá lúa IR50404 chỉ còn 4.200-4.300 đồng/kg, lúa dài chất lượng cao 4.400 đồng/kg (đem ra tới bờ kênh) nhưng thương lái không chịu mua. Có nhiều trường hợp nông dân đem lúa ra bờ kênh thủy lợi nhưng không bán được đành trữ lại tại chỗ rồi những người trong gia đình thay phiên nhau ngủ canh chừng.
Ông Thạch Khoan (xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) phản ánh: Vụ đông xuân 2011-2012, lúa thu hoạch sớm bán tại ruộng giá rất cao, 7.000-7.500 đồng/kg. Thương lái tìm mua tận ruộng, thậm chí trả tiền cọc trước cho nông dân trước khi gặt cả tuần lễ. Còn năm nay thì ngược lại, khiến nông dân rất lo lắng. Nhà tôi vừa thu hoạch xong 1,5ha lúa thơm ST5, năng suất 6,4 tấn ha. Cách đây 2 tuần, thương lái trả 7.200 đồng/kg, nay chỉ còn 6.500 đồng nhưng họ cũng chẳng mua. Các loại lúa khác như IR50404, lúa dài chất lượng cao đều giảm 800 - 1.000 đồng/kg so với 2 tuần trước…
Nên điều chỉnh chính sách tạm trữ
Nhiều nông dân cũng như ngành nông nghiệp các địa phương nhận định: Do năm 2012 không có lũ nên nông dân tranh thủ xuống giống sớm, dẫn đến thu hoạch sớm hơn mọi năm khoảng 1 tháng. Theo đó, thời điểm thu hoạch rộ rơi vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Vì thế nông dân tất bật với việc đồng áng ngay trong dịp tết. Lo lắng nhất là với đà lúa gạo rớt giá, xuất khẩu gặp khó, thương lái và các doanh nghiệp lại “thong thả” hoạt động vì nghỉ tết. Trong khi nông dân rất cần bán lúa để có tiền trang trải nợ nần và chi xài tết. Vì thế, đây sẽ là cơ hội tốt cho kẻ đầu cơ ra tay ép giá nông dân.
Tiến sĩ Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, băn khoăn: “Giá lúa thấp quá, bà con rầu lắm. Dù không cần bằng năm trước nhưng nếu giá ở mức từ 6.000 đồng/kg trở lên, không khí đón tết của nông dân sẽ rôm rả. Đến nay, nông dân Đồng Tháp đã thu hoạch hơn 40.000/207.500ha lúa đông xuân, năng suất đạt 6,8 - 6,9 tấn/ha. Hiện tại trên đồng có 140.000ha lúa đang chín, sẽ thu hoạch rộ ngay sau tết. Đây là vụ sản xuất chính trong năm, phải có lãi 50% - 60% mới “bù qua sớt lại” cho 2 vụ hè thu và thu đông. Từ đó mới có tỷ lệ lãi bình quân là 30% được. Chính phủ nên sớm cho triển khai việc thu mua tạm trữ gạo để ngăn chặn tình trạng giá lúa lao dốc, nông dân giảm thiệt hại”.
Đến thời điểm này, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 200.000ha trong tổng số hơn 1,55 triệu ha. Tiến sĩ Lê Băn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, lo lắng: “Giá lúa nhiều nơi dưới 5.000 đồng/kg, làm cho nông dân càng thêm khó khi tết sắp tới. Đáng ngại nhất là trong tháng Giêng (âm lịch) ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ khoảng 700.000ha lúa đông xuân (gần 50% diện tích của cả vụ), do đó lượng lúa gạo tập trung rất lớn. Vì thế việc sớm triển khai việc thu mua tạm trữ 1 - 1,5 triệu tấn gạo là hết sức cần thiết”…
Theo các chuyên gia, thời gian qua, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cũng bộc lộ một số điểm chưa sát mục tiêu đề ra, việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ chưa phù hợp với khối lượng lúa hàng hóa của từng địa phương; có hiện tượng doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua lúa, gạo qua thương lái nên nông dân không hưởng lợi trực tiếp. Cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát được việc mua tạm trữ này. Do vậy, chủ trương thu mua tạm trữ sắp tới cần phải được đổi mới, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa, có tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường, điều tiết giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân và hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả.
Bình Đại
sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã