Học tập đạo đức HCM

Nên bắt đầu từ sản xuất

Thứ hai - 15/06/2015 23:21
Mục tiêu của đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam là đến năm 2020 có 20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam, tỷ lệ này được nâng lên thành 50% từ năm 2030 và khi đó, gạo trong nước trở thành thương hiệu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, không ít doanh nghiệp tỏ ra nghi ngại...

Sản xuất “vướng”, thương hiệu ở đâu ra?

“Tôi cho rằng chuyện đó rất khó để đạt được”, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), nói về định hướng mục tiêu chung được Chính phủ đề ra trong Quyết định số 706/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo ông Tuấn, việc xây dựng thương hiệu gạo phải bắt đầu từ khâu sản xuất. “Nếu anh có được một giống lúa tốt, tổ chức sản xuất tốt, ổn định về chất lượng và đạt sản lượng tương đối lớn thì mới mong đến chuyện thương hiệu”, ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cũng cho rằng phải bắt đầu từ việc tổ chức lại sản xuất. “Từ thực tế sản xuất tốt mới cho ra được loại lúa nào đó có chất lượng tốt, từ lúa đó mới cho ra gạo và khi lượng gạo đó hội tụ được yêu cầu về chất lượng, số lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, tìm mua rộng rãi, thì thương hiệu tự nhiên sẽ hình thành”, ông Bình phân tích.

Theo ông Tuấn, thực tế sản xuất hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị vướng rất nhiều, vướng lớn nhất là sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm; quy trình chưa đạt yêu cầu... “Chẳng hạn, tôi đang làm cánh đồng lớn với nông dân ở xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, Bến Tre). Tôi đề nghị bà con nông dân mua giống xác nhận để sản xuất do chất lượng gạo vụ vừa rồi xay xát ra không đạt yêu cầu. Nhưng, họ (nông dân) không chịu vì cho rằng mua giống xác nhận giá quá cao, trong khi lấy lúa thịt làm giống giá rẻ hơn. Họ không thấy rằng dù giống xác nhận giá có cao, nhưng năng suất sẽ cao hơn, việc phòng trừ sâu, bệnh đảm bảo hơn và chất lượng gạo giữ được ổn định hơn... Muốn nông dân thay đổi nhận thức này không phải là điều đơn giản”, ông Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo ông Tuấn, trong trường hợp sản xuất chưa ổn định được cả về chất lượng, số lượng hoặc có chất lượng rồi nhưng số lượng không đủ hay ngược lại, mà đã vội bỏ tiền ra làm thương hiệu, thì có khả năng công sức có thể sẽ “đổ sông, đổ biển”. “Bài học của việc này, chúng ta cũng đã thấy rất rõ, đó là chuyện của vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi... Sau khi làm thương hiệu xong, được người ta đặt hàng mua thì không có để bán”, ông Tuấn kể

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL (không muốn nêu tên), cho rằng việc sản xuất còn “chạy theo phong trào” như hiện nay sẽ rất khó đạt được thương hiệu như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. “Về nguyên tắc, khi anh sản xuất giống A mà muốn chuyển sang giống B, thì đất phải được xử lý triệt để, không để lúa của vụ trước còn sót lại. Hiện nông dân thấy làm lúa IR 50404 “có ăn” (lãi) thì lập tức chuyển sang giống này, đến vụ sau thấy lúa jasmine “có ăn” lại chuyển sang giống đó. Nhưng lúa của vụ trước còn, nó phát triển lên, làm độ thuần hay nói cách khác là chất lượng gạo sản xuất ra giảm, không thể có được thương hiệu”, vị này giải thích.

Cần triệt tiêu lợi ích nhóm

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đồng ý rằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt là cần thiết và bắt buộc phải làm nếu muốn cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), cho rằng phải thoát được lợi ích nhóm. “Chừng nào còn lợi ích nhóm thì đừng hòng, đừng bao giờ nghĩ rằng có thể làm được thương hiệu thành công”, ông Thòn nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Thòn, trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, bản thân các doanh nghiệp phải tự nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo cho mình và nó sẽ trở thành thương hiệu gạo quốc gia khi nào hội tụ đủ các điều kiện cần thiết. “Tất nhiên, trong quá trình đó, sẽ có sự sàng lọc, có doanh nghiệp làm được, có doanh nghiệp không, thương hiệu gạo nào còn lại thì tên tuổi tự nhiên trở thành thương hiệu gạo chung”, ông Thòn nói.

Tuy nhiên, theo ông Thòn, muốn làm được như vậy, thứ nhất chính sách phải phù hợp. Ví dụ, trước kia những doanh nghiệp bán gạo đóng túi vào cửa hàng có tiêu chuẩn, tiêu chí bị đóng thuế 5% còn người bán gạo trộn bên ngoài thì không bị đóng thuế. “Như vậy, làm sao doanh nghiệp làm thương hiệu cạnh tranh lại, coi như mình làm chính sách mà là “thất sách”, “thất sách” ở chỗ ủng hộ cách làm phi thương hiệu. Gần đây, Nhà nước đã thay đổi được điều đó, tôi rất mừng”, ông Thòn cho biết.

Thứ hai, Nhà nước phải có quy chuẩn chung để doanh nghiệp cùng chấp hành. “Khi Nhà nước đề ra quy chuẩn để kiểm soát, có nghĩa rằng là mọi người đều được đối xử công bằng, chứ nếu không tôi e có người lợi dụng điều này để làm khó cho một vài doanh nghiệp và lợi ích nhóm nằm ở chỗ đó”, ông Thòn nói.

Ông Thòn gợi ý, chính sách Nhà nước nên đi theo hướng “thưởng” cho những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu: “Anh nào làm được thì mình “thưởng” cho họ và làm tiếp sẽ thưởng tiếp, chứ không nên theo kiểu tôi làm trước rồi phải chạy đi xin đằng này, xin đằng kia...”.

“Chừng nào còn lợi ích nhóm thì đừng hòng, đừng bao giờ nghĩ rằng có thể làm được thương hiệu thành công”.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS)

Trong khi đó, dù ủng hộ đề án, ông Phạm Thái Bình tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của nó, bởi trước đây Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất đúng, được doanh nghiệp, nông dân trông chờ, nhưng không đi vào được cuộc sống.

Ông Bình dẫn chứng, như Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch có nêu đầu tư máy sấy lúa sẽ được hỗ trợ lãi suất mà cụ thể là miễn thuế trong hai năm đầu và giảm 50% trong năm thứ ba. “Nhưng khi chúng tôi (doanh nghiệp) đi vay thì ngân hàng nói thông tư hướng dẫn số 08 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói chỉ có hộ gia đình mới được hưởng, chứ doanh nghiệp không được hưởng. Khi chúng tôi hỏi bộ này thì bộ nói ngân hàng không hiểu ý câu từ của họ. Cuối cùng, hai “ông” tranh luận trước mặt chúng tôi và hứa sẽ trả lời vấn đề này, nhưng đến nay đã hai tháng chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời”, ông Bình than phiền.
theo thesaigontimes

 Tags: thương hiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập402
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm360
  • Hôm nay45,580
  • Tháng hiện tại820,858
  • Tổng lượt truy cập91,994,587
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây