Ông Lưu Hoành Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su trong giai đoạn từ 2010 - 2014, Việt Nam đã xuất 11,8 tỷ USD, chiếm gần 8% kim ngạch xuất khẩu của toàn cầu. Riêng 11 tháng 2015 vừa qua, cả nước đã xuất được 983.000 tấn, đạt kim ngạch 1,35 tỷ USD. Song song với hoạt động xuất khẩu, Việt Nam cũng không ngừng chế biến cao su thiên nhiên.
Theo thống kê, hiện cả nước có 99 đơn vị hoạt động trong ngành sản xuất sản phẩm cao su với công suất chế biến mủ cao su của cả nước đạt trên 1,2 triệu tấn mủ khô/năm. Sản phẩm chế biến đang tập trung ở bốn sản phẩm chính là mủ dạng khối, mủ tờ xông khói RSS, mủ latex và các loại khác. 70% sản phẩm mủ chế biến dùng để sản xuất lốp xe, còn lại là hàng gia dụng, giày dép, đồ chơi trẻ em...
Do sản xuất tại chỗ còn yếu nên phần lớn các sản phẩm mủ cao su đang tập trung xuất khẩu. Từ năm 2012, Việt Nam là nhà xuất khẩu cao su lớn đứng ở vị trí thứ ba trên toàn cầu, nhưng thị phần chỉ chiếm 9,7%. Nhận định về tình hình sản xuất và chế biến cao su trong nước các ngành cho rằng, chất lượng cao su chế biến không đạt yêu cầu sản xuất mặc dù sản lượng sản xuất mủ trong nước không giảm, nguồn hàng dồi dào. Thế nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn nhập khẩu cao su.
Theo đó, lượng cao su nhập khẩu tăng đều ở mức 2,24%/năm trong giai đoạn 2010 – 2014. Cụ thể, tổng sản lượng nhập khẩu lên đến 320.000 tấn. Với mức này thì lượng cao su nhập khẩu tương đương 37% sản lượng khai thác trong nước. Nghịch lý xuất khẩu cao su rồi lại nhập cao su về diễn ra trong bối cảnh thời gian qua nhiều người dân tỉnh - thành Tây Nguyên, Nam Bộ phải chặt bỏ cao su vì ế ẩm, chuyển sang cây trồng khác nhằm có thu nhập cao hơn.
Giải thích về vấn đề bất cập trên, Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, nhập khẩu cao su tăng là do nhu cầu tạm nhập tái xuất tăng cao. Nghĩa là doanh nghiệp nhập khẩu cao su thiên nhiên giá rẻ sau đó tái xuất để hưởng chênh lệch giá. Trong đó, 60% sản lượng tạm nhập để tái xuất sang thị trường Trung Quốc, 40% còn lại là phục vụ sản xuất ở trong nước. Tiếp đó, nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất của các nhà máy sản xuất săm lốp, hàng gia dụng, giày dép…
đang hoạt động ở trong nước. Bởi vì chất lượng một vài chủng loại cao su chế biến trong nước không đạt chất lượng để áp dụng sản xuất cho các ngành liên quan đến nguồn nguyên liệu này.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cao su Việt Nam, lượng cao su thiên nhiên sơ chế cho chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước tăng trưởng chậm. Trong giai đoạn 2009-2014, tiêu thụ cao su trong nước chỉ đạt bình quân khoảng 145.000 tấn/năm, chiếm hơn 17% sản lượng khai thác. Chủng loại cao su thiên nhiên ngành lốp xe sử dụng nhiều là TSR 20, TSR 10 với tỷ trọng khoảng 40-50% nhưng cao su thiên nhiên trong nước mới sản xuất được tỷ trọng khoảng 20-25%.
Hiện nay Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Indonesia đang cung cấp hơn 88,4% về sản lượng cho Việt Nam nhập khẩu. Bởi vì 3 nước trong khu vực là Thái Lan, Campuchia, Malaysia đều tập trung ưu tiên trong khâu chế biến với công nghệ kỹ thuật cao cho từng thị trường trọng điểm, đồng thời bao tiêu sản phẩm khá tốt.
Tình trạng tạm nhập tái xuất trong ngành cao su vẫn được coi là “thủ phạm” khiến cho ngành này tuy xuất khẩu lớn nhưng chưa thực sự là ngành tạo ra được đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhiều ý kiến băn khoăn, không hiểu tại sao mà sau 100 năm phát triển ngành cao su nhưng Việt Nam vẫn duy trì lối tổ chức sản xuất như thời Pháp. Tức là chỉ xuất khẩu thô còn giá trị gia tăng cao thì lại ưu ái cho nước ngoài hưởng trọn. Mục tiêu mà Bộ NN&PTNT hướng đến, năm 2020 phần lớn các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su có sử dụng cao su thiên nhiên sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu tại trong nước.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, trong thời gian tới cao su Việt Nam muốn thu về lượng giá trị gia tăng cao cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo đồng đều về chất lượng của mủ cao su thiên nhiên khai thác trong nước, có như vậy mới có thể giải quyết bài toán đầu ra cho người trồng cao su và nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất. Từ đó mới tính đến chuyện gia tăng khả năng cạnh tranh khi thị trường mở cửa.
Tâm Luân
http://daidoanket.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;