Để mang nguồn sữa sạch đến hàng triệu người tiêu dùng, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi tại đây phải tận dụng tối đa lợi thế sẵn có, đồng thời cập nhật công nghệ chăn nuôi tiên tiến trên thế giới.
Lợi thế trong chăn nuôi bò sữa
Ông Phạm Quang Thùy - Giám đốc nhà máy TMR (Total Mixed Ration) khẳng định: “So với các đối thủ trong ngành, Mộc Châu Milk sở hữu 3 thế mạnh lớn mà nơi khác muốn làm cũng không được”.
Trong đó, khí hậu được coi là lợi thế mạnh nhất của Mộc Châu Milk. Với độ cao 1.050 m so với mực nước biển, chỉ cách Hà Nội gần 200 km về phía Tây Bắc, Mộc Châu có đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào và khí hậu quanh năm mát mẻ.
|
Nhà máy TMR của Mộc Châu Milk. |
Lợi thế thứ 2 là kinh nghiệm và truyền thống nuôi bò của người dân. Từ năm 1958, nông trường Mộc Châu (tiền thân của Mộc Châu Milk) đã được thành lập để chăn nuôi và phát triển đàn bò sữa. Đến nay, đàn bò Mộc Châu Milk đạt hơn 23.000 con, năng suất bình quân 27 kg/con/ngày. Toàn bộ sữa tươi được vắt ra từ đàn bò, vận chuyển tới nhà máy để cho ra các sản phẩm mang thương hiệu Mộc Châu Milk, vốn quen thuộc với hàng triệu người tiêu dùng ngày nay.
Bên cạnh các lợi thế trên, tâm huyết của cán bộ công nhân viên và nông dân tại đây cũng trở thành một trong những yếu tố làm nên thương hiệu sữa Mộc Châu. Quy mô chăn nuôi bò sữa trung bình tại đây là 40 con/hộ, nhiều hộ còn sở hữu 80-200 con/trang trại.
Cùng với hệ thống lõi là các trung tâm giống tiêu chuẩn, Mộc Châu Milk hướng tới phát triển vùng thông qua gần 600 trang trại chăn nuôi, với trên 23.000 con bò. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 35.000 con.
Sắp tới, Mộc Châu Milk sẽ quy hoạch ở huyện Vân Hồ (Sơn La) 2-3 trung tâm giống mới, với quy mô trên 1.000 con/trung tâm. Những trung tâm này đều được áp dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Mộc Châu giờ đây đã trở thành một cao nguyên xanh tươi và trù phú với sự phát triển không ngừng của ngành chăn nuôi bò sữa. Cùng với đó là những sản phẩm từ nguồn sữa tươi mang thương hiệu Mộc Châu Milk.
Để làm được điều này, ban lãnh đạo công ty sữa Mộc Châu chọn chiến lược phát triển khép kín theo mô hình: tổ chức chăn nuôi sản xuất - chế biến sâu - kết nối thị trường. Trước khi đưa sản phẩm sữa tươi sạch, thơm ngon đến tay người tiêu dùng, Mộc Châu Milk đã đầu tư bài bản vào hệ thống trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế.
|
Mô hình chăn nuôi trang trại kết hợp với nông hộ đạt tiêu chuẩn VietGAP toàn vùng.h |
Hệ thống trang trại bò sữa tại Mộc Châu đều được trang bị máy móc hiện đại để thực hiện các công đoạn: cắt cỏ, băm cỏ, vắt sữa… Nông dân nuôi bò sữa tại đây còn đầu tư dây chuyền xử lý chất thải tự động làm phân bón và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, người dân tăng thêm hàng trăm triệu đồng thu nhập mỗi năm từ bán phân ép khô.
Hiện toàn bộ vùng chăn nuôi tại Mộc Châu đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Công Chiến - Tổng giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, sau áp dụng thành công quy trình VietGAP, công ty sẽ hướng tới tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ (organic) trong thời gian tới. Để làm được điều này, người dân cũng cần cập nhật công nghệ mới, bao gồm sử dụng trang thiết bị hiện đại, áp dụng khẩu phần ăn hay cỏ nhập khẩu.
Hiện công ty đã rót vốn đầu tư một số công nghệ mới như: áp dụng khẩu phần thức ăn mới, sử dụng hợp lý cỏ Alfalfa nhập khẩu từ Mỹ có hàm lượng dinh dưỡng cao, sử dụng thức ăn ủ chua, thức ăn tổng hợp TMR cho đàn bò. Điều đó giúp Mộc Châu Milk có thể thu mua trung bình hơn 250 tấn sữa/ngày, đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng cao của công ty, tăng độ phủ thị trường.
“Khi người dân được sở hữu đàn bò, làm chủ trang trại, họ sẽ dốc lòng xây dựng và phát triển những tài sản đó. Chưa kể, chăn nuôi bò sữa là công việc mang lại thu nhập tốt nhưng cũng đòi hỏi công nghệ cao, bắt buộc người chăn nuôi phải là những công nhân bậc cao”, ông Trần Công Chiến nói.
Ngoài tham gia vào lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò, người nông dân Mộc Châu còn được đi Mỹ, Australia… để tiếp cận, học tập cách chăn nuôi bò hiện đại. Máy móc hiện đại, kỹ thuật khoa học tiên tiến được áp dụng vào nuôi bò sữa nhằm nâng cao năng suất, giúp sữa bò có chất lượng tốt hơn.