Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, việc Việt Nam bị EU phạt “thẻ vàng” khiến họ và các ngư dân bị tổn thất, ảnh hưởng nặng nề.
"Thấm thía thẻ vàng"
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Ðịnh (Bidifisco) cho biết, đơn vị đã thấm thía thiệt hại khi Việt Nam bị EU phạt “thẻ vàng”. Gần 6 tháng bị cảnh báo, ngành thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) rất khó khăn.
“Công ty hàng năm xuất khẩu khoảng 60 triệu USD (75% là sản lượng cá ngừ), trong đó 70% xuất khẩu sang EU. Việc Việt Nam bị rút thẻ vàng khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng. Cho đến nay, chúng tôi đã cam kết nói không với mua bán, khai thác thủy sản bất hợp pháp,” Bà Cao Thị Kim Lan nói.
Theo bà Lan, doanh nghiệp rất khó lấy nhật ký khai thác tàu của ngư dân dẫn đến thời gian xác nhận trễ, khó làm hồ sơ xuất khẩu. “Đề nghị cơ quan nhà nước quy định ngư dân phải trình nhật ký khai thác cho cảng cá. Doanh nghiệp thu mua tàu nào thì lấy nhật ký tàu đó,” bà Lan đề xuất.
Liên quan đến việc EU rút "thẻ vàng", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Vasep cho rằng, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu.
“Đó là chưa kể, chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu (Simp) của Mỹ áp dụng cho 13 loài (bào ngư, cá tuyết Đại Tây Dương, ghẹ xanh Đại tây Dương, cá hồng, hải sâm, các loài cá nhám, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và vây xanh...). Đặc biệt, năm 2019, chương trình này sẽ áp dụng cho tôm. Từ đây, con tôm Việt Nam sẽ chịu nhiều thách thức, rủi ro lớn”, ông Nam nhận định.
Nhiều doanh nghiệp khai thác chế biển thủy sản cũng đồng quan điểm trên và ghi nhận những nỗ lực của các cấp, các hiệp hội trong việc thu hồi "thẻ vàng".
Sắp đến thời hạn Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng về việc có gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam. Với những kết quả đạt được trong khắc phục các khuyến nghị từ EC thời gian qua, ngành thủy sản đang kỳ vọng “thẻ vàng” sớm được gỡ theo đúng kỳ hạn hoặc thu hồi trong thời gian ngắn.
Nỗ lực thu hồi “thẻ vàng”
Ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản XK của Việt Nam vào thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, EC đưa ra 9 khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018).
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiẹp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian qua, Việt Nam đã tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các hành động theo 9 khuyến nghị của EC; từng bước chủ động trong việc xây dựng nghề cá theo hướng phát triển bền vững, một nghề cá có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế.
Cụ thể, gần 6 tháng vừa qua, Việt Nam đã tập trung vào sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là Luật Thuỷ sản 2017 đã được Quốc hội thông qua. Các nội dung về quy định quản lý nghề khai thác hải sản của quốc tế theo khuyến nghị của EC đã cơ bản được nội luật hoá trong Luật Thuỷ sản 2017. Trong khi Luật Thuỷ sản 2017 chưa có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh đã ban hành Chỉ thị, Công điện, Kế hoạch hành động để triển khai ngay các nội dung khuyến nghị của EC.
“Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác liên ngành, trong đó giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các bên có liên quan thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Các cơ quan chức năng đã tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý khai thác hải sản, DN, ngư dân... nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi khai thác, mua bán và sử dụng hải sản khai thác IUU”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Trên thực tế, trong thực hiện các khuyến nghị của EC, gần 6 tháng qua, ngoài từng bước hoàn thiện khung pháp lý hướng tới quản lý nghề khai thác hải sản bền vững, điểm nổi bật có thể kể đến là cơ quan chức năng đã tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.
Phát triển thủy sản bền vững
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cũng cho hay: Sau khi Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, gần như không còn tàu cá Việt Nam vi phạm ở khu vực các nước quốc đảo Thái Bình Dương. Hiện tại chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia…
Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, đến nay, người dân, cán bộ quản lý nghề cá đã nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn bày tỏ quan điểm: “Việt Nam hài lòng với những tiến bộ đạt được trong quá trình phấn đấu khắc phục những khuyến nghị của EC thời gian qua. Đây không phải là các giải pháp mang tính chất đối phó mà Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì nỗ lực để đảm bảo xây dựng một nghề cá bền vững trong tương lai”.
Nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, cần có lộ trình để xử lý các vấn đề, đạt được mục tiêu như mong muốn từ EC. “Biển trời mênh mông, có hàng chục nghìn con tàu với hàng vạn ngư dân, không dễ gì làm tốt được trong thời gian ngắn. Ngoài ra, việc kiểm soát ở các cảng còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm để đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, khâu phối hợp giữa các ngành từ chia sẻ thông tin đến hành động, nhất là phối hợp trên biển còn nhiều khó khăn. Muốn trang bị thiết bị hiện đại để kiểm soát hải trình của tàu cá, tuy nhiên, việc đầu tư chưa được nhiều, không phải tàu nào cũng có thiết bị định vị”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích thêm.
Hiện tại, phía EC đã đồng ý cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 tới sẽ cử đoàn làm việc sang Việt Nam để đánh giá thực tế, sau đó xem xét có rút “thẻ vàng” cho Việt Nam hay không. Các nước “láng giềng” xung quanh Việt Nam cũng có một số nước từng bị EC áp dụng “thẻ vàng” nhưng chưa có nước nào được gỡ bỏ sau thời gian 6 tháng.
“Việt Nam đang cố gắng nếu không gỡ bỏ được ‘thẻ vàng’ trong 6 tháng thì cũng chỉ thêm một thời gian ngắn. Với những tiến bộ từ phía Việt Nam và sự trao đổi thẳng thắng đôi bên, tin tưởng rằng, thời gian tới, dù chưa gỡ bỏ được ‘thẻ vàng’ cũng không để ảnh hưởng tới quan hệ thương mại đôi bên”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, tháng 5 tới sẽ có một đoàn cấp cao của EU đến Việt Nam để đánh giá thực địa. Vì vậy, các cấp cần phải thực hiện các giải pháp thực thi những giải pháp đưa ra và thực hiện đầy đủ 9 khuyến cáo của EC. Đặc biệt, phải thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc và nói không với đánh bắt bất hợp pháp.
"Ngoài việc triển khai Luật Thủy sản, chúng ta phải bảo vệ nguồn lợi, khai thác bền vững, có thể trong thời gian tới chúng ta không tăng sản lượng khai thác nhưng phải bảo quản được để nâng chất lượng, giảm thất thoát xuống 10%. Hướng đến chế biến sâu nâng cao giá trị xuất khẩu," Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh./.
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 3/2018 ước đạt 604 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản quý 1 năm 2018 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018, chiếm tới 50,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 2 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (49,7%); Thái Lan (35,3%); Trung Quốc (34,9%); Hàn Quốc (29,2%); Đức, Hồng Kông, Anh và Canada (tăng hơn 20%). |