Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu rau quả của cả nước đạt gần 650 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 9, Việt Nam đã chi gần 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả. Nếu vẫn giữ tốc độ nhập khẩu cao như vậy thì rất có thể Việt Nam sẽ chi đến 1 tỷ USD để nhập khẩu rau quả trong năm 2016.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Thái Lan trở thành thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất khi kim ngạch nhập khẩu lên tới 289 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay. Tiếp theo là Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 146 triệu USD, tiếp đến là Australia khoảng hơn 35 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, rau quả đã vươn lên trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao. Hết tháng 9, xuất khẩu rau quả thu về 1,813 tỷ USD, tăng 31,8%. Đây là mặt hàng có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong số 46 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (đá quý, kim loại quý và sản phẩm có mức tăng cao nhất 63,4%).
Tuy nhiên, nếu tính riêng nhóm hàng nông thủy sản thì rau quả có mức tăng trưởng lớn nhất. Như vậy, rau quả đã chính thức “soán ngôi” mặt hàng gạo và vươn lên đứng thứ 4 về xuất khẩu, sau thủy sản, cà phê và điều.
Trong 9 tháng đầu năm rau củ quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là chính, với giá trị kim ngạch 1,3 tỷ USD (chiếm gần 80% tổng kim ngạch). Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ mỗi thị trường chỉ khoảng 56-65 triệu USD.
Được biết, mới đây, Australia đã chính thức cấp giấy thông hành cho mặt hàng xoài Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường này, tiếp đến sẽ là quả thanh long. Mỹ cũng đang đề xuất cho phép trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Với động thái này, có thể khẳng định gần như chắc chắn sản phẩm trái xoài tươi sẽ là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào tiêu thụ tại thị trường Mỹ từ cuối năm nay, sau thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và vú sữa.
Như vậy, với những điều kiện thuận lợi này, đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới.