4 tỉnh làm thí điểm
Việc chuẩn bị phương án tạm trữ cần được tính toán để không bị động khi việc tạm trữ thời gian qua theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục: Thời gian thực hiện mua tạm trữ ngắn, chỉ 1 tháng trong khi thu hoạch cao điểm ở các tỉnh chênh lệch nhau. Doanh nghiệp (DN) hầu như không mua lúa trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu qua thương lái nên bà con không hưởng lợi trực tiếp. Khó kiểm soát việc tạm trữ của các DN. Việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ chưa phù hợp với lượng lúa hàng hóa từng địa phương. Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng quy chế và phương thức mua tạm trữ lúa gạo theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua qua UBND tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa, có tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý.
Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững là mục tiêu cấp bách. Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: C.T.V |
Trên cơ sở dự thảo và góp ý của các ngành để hoàn chỉnh, Bộ NN-PTNT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo. Theo đó, 3 phương thức được áp dụng: nông hộ, chủ trang trại, hợp tác xã nông nghiệp có phương tiện tạm trữ lúa. DN trực tiếp và DN kinh doanh lương thực có hợp đồng mua lúa gạo trực tiếp nông dân. Và DN được UBND tỉnh chỉ định, có kho trên địa bàn tỉnh và việc tạm trữ trên địa bàn tỉnh. Bộ NN-PTNT cho rằng, việc mua tạm trữ địa bàn tỉnh sẽ kiểm soát sát hơn. Vụ đông xuân sẽ tạm trữ khoảng 1,5 triệu tấn gạo, vụ hè thu 1 triệu tấn gạo. Thời gian mua tạm trữ là 2 tháng (thay vì 1 tháng) kể từ khi công bố và thời gian tạm trữ tối đa là 3 tháng, với nông dân là 2 tháng. 4 tỉnh làm trước là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh.
Đôi điều băn khoăn
Việc tạm trữ lúa gạo là quyết tâm của Chính phủ khi đây là mặt hàng chiến lược, liên quan đến đại đa số nông dân vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long và an ninh lương thực cả nước. Không phải năm 2012 mới phát sinh việc tạm trữ mà vấn đề này đã xuất hiện vài năm trước khi diễn biến thị trường thế giới rơi vào giai đoạn trì trệ. Vì vậy cần phải đặt ra việc tạm trữ khi diễn biến lúa gạo thế giới bất lợi. Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, việc chuyển về tỉnh điều phối và bà con tạm trữ để hưởng trực tiếp chính sách về cơ bản là hợp tình. Điều băn khoăn là có một số nhận định của Bộ NN-PTNT chưa thật chính xác, một số điều kiện đề ra e khó khả thi. Việc hư hao, tổn thất trong tạm trữ và giá bán thấp hơn khi thời gian tạm trữ kết thúc là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng vấn đề này lại chỉ là điểm lưu ý trong tờ trình.
Việc UBND tại chỗ xác nhận hộ nông dân tạm trữ, cũng như thủ tục để bà con được vay vốn ngân hàng tạm trữ có thể sẽ gặp khó khăn trong thực tế. Không loại trừ phát sinh tiêu cực. Bộ NN-PTNT cho rằng, không quản lý được (hơn 90) DN tham gia tạm trữ năm 2012, nếu đưa về tỉnh, xã quản lý sẽ khả thi hơn không khi con số này ban đầu cũng đã khoảng 1.600 hộ ở 4 tỉnh thí điểm. Theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong (Cần Thơ), việc tạm trữ luôn gắn với tiêu thụ, với thị trường. Tỉnh phân bổ tạm trữ cho DN, nhưng VFA lo thị trường tiêu thụ. Vấn đề này nếu không có sự phối hợp kịp thời, linh hoạt sẽ càng bị rối hơn.
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Công ty XNK nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX), quy định thời gian tạm trữ của bà con 2 tháng, DN 3 tháng mới được hưởng chính sách là chưa ổn. Nếu giá tốt trước thời gian đó thì sao? Theo ông, bà con hay DN bán ra cũng nên được hưởng theo thời gian tạm trữ thực tế. Ông Trần Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Vinh Phát (TPHCM) cho rằng, cần cân nhắc việc phân bổ tỉnh điều phối và hộ dân tạm trữ trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn có thể gặp khó việc mua trữ. Phải dự phòng rủi ro này, nhất là việc điều hành của tỉnh chưa thể nhịp nhàng, lúng túng khi mới bắt tay vào làm.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, mua tạm trữ là để xuất khẩu. DN có kho ở đâu là được tỉnh phân chỉ tiêu mua trên địa bàn, nhưng thực tế lúa, gạo chạy theo thị trường, nơi nào thu hoạch thì DN, hàng sáo kéo đến mua, không giới hạn địa phương nào. Thị trường lúa gạo là cả khu vực vùng ĐBSCL. Nghị định 109 quy định, giá xuống mới mua tạm trữ và phải mua nhanh để vực giá lên, như vậy phải mua nhanh, cấp tập hạn chế việc kéo dài. Tờ trình của Bộ NN-PTNT nhiều khả năng sẽ được Thủ tướng thông qua, nhưng dù phương án nào cũng phải có sự kế thừa, không thể phủ nhận hết cái cũ đã làm.
CÔNG PHIÊN
Nguồn:sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã