Học tập đạo đức HCM

Tăng trưởng xuất khẩu ‘ngậm ngùi’ về một con số

Thứ năm - 22/12/2016 08:10
Hai năm liền, tăng trưởng xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra, nên năm 2017, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6-7%. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã “ngậm ngùi” bị kéo về mức một con số.

Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy, 11 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 159,94 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2015. Năm ngoái, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 8,1%. Còn năm nay, nhiều khả năng, cũng chỉ đạt được mức ấy, trong khi vào năm 2014, tăng trưởng xuất khẩu là 13,8%.

Có nghĩa là, hai năm liên tiếp, Việt Nam đã không thể đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đề ra là 10%. Cũng đã hai năm liên tiếp, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức một con số và lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, Quốc hội đã phải quyết nghị mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 chỉ ở mức một con số.

Xuất khẩu của Việt Nam trong 2 năm gần đây chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 10%. Ảnh: Đức Thanh
Xuất khẩu của Việt Nam trong 2 năm gần đây chỉ đạt mức tăng trưởng dưới 10%. Ảnh: Đức Thanh

Những khó khăn trong xuất khẩu nông - thủy sản, sự xuống dốc của giá dầu, cũng như sự “tới hạn” trong tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng điện thoại di động, đồ điện tử là lý do khá cơ bản khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể đạt mức tăng trưởng cao như những năm trước đây.

Con số được Tổng cục Hải quan công bố, 11 tháng của năm 2016, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện đạt 31,6 tỷ USD. Tuy đây vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, nhưng tốc độ tăng chỉ còn là 11,1%. Năm ngoái, nhóm điện thoại và linh kiện tuy đạt kim ngạch xuất khẩu 30,6 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng lên tới 29,9% so với năm trước - một mức tăng trưởng rất cao.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô, mặt hàng luôn có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì trong 11 tháng qua chỉ đạt 2,1 tỷ USD, giảm 39,7% về giá trị và giảm 25,1% về lượng.

Tình hình có lẽ cũng không nhiều khả quan hơn trong năm tới, do vậy, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ được đặt ra ở mức 6-7%. Đây là mức để đảm bảo Việt Nam sẽ không có thêm một năm nữa không đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng không hẳn ở việc có đạt mục tiêu đề ra hay không, mà là tăng con số thực tế kim ngạch xuất khẩu đạt được bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu.

Điều này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi mà các khẳng định từ Bộ Công thương, cũng như từ các chuyên gia kinh tế, đó là với việc tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng thực tế, có vẻ như mọi điều đã không suôn sẻ như dự báo. Tăng trưởng xuất khẩu đã không được như kỳ vọng.

Dù theo các đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể trong thúc đẩy thương mại trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực gặp khó, song các chuyên gia của các tổ chức này cũng bày tỏ sự lo ngại khi mà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại.

Thậm chí, ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú IMF còn cho rằng, xuất khẩu tăng trưởng chậm lại đang là một rào cản đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. “Thương mại toàn cầu đã giảm sút trong 10 năm qua, lượng nhập khẩu thực ở nhiều quốc gia đã giảm mạnh, do vậy, đây sẽ không còn là một lực đẩy cho tăng trưởng nữa. Viễn cảnh bấp bênh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế, dù Việt Nam vẫn còn có các FTA khác”, ông Jonathan Dunn nói.

Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội do các FTA mang lại hay chưa? Câu trả lời đã luôn được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng chưa, kể cả với thị trường EU, Hàn Quốc hay Liên minh Kinh tế Á - Âu. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường này chưa được đẩy mạnh, thì xuất khẩu vào khu vực ASEAN thậm chí còn tệ đi, kể từ sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng qua, xuất khẩu từ Việt Nam sang ASEAN đã giảm tới 6,6% so với cùng kỳ. Cũng vì sự giảm sút này, vào cuối tháng 11, Chính phủ đã phải tổ chức một cuộc họp riêng về tình hình quan hệ thương mại Việt Nam - ASEAN. Trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp này đã nhấn mạnh việc Bộ Công thương phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết thương mại trong ASEAN để không chỉ doanh nghiệp, mà cả cơ quan quản lý kịp thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược kinh doanh cho phù hợp.

Việc nghiên cứu, rà soát, làm rõ nhu cầu hàng hóa thị trường ASEAN gắn với phân tích khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc và các nước có điều kiện kinh tế, năng lực sản xuất tương đồng Việt Nam cũng đã được Phó thủ tướng chỉ đạo, nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường ASEAN.

Chưa hết, cách đây ít ngày, Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Trong bối cảnh “số phận” TPP chưa rõ ràng, thì đây là những việc cần thiết để Việt Nam tận dụng được cơ hội do các FTA mang lại. Còn nếu không, sẽ chẳng có chuyện “không gian kinh tế mới được mở ra”, mà thay vào đó, chỉ là một sự dậm chân tại chỗ, thậm chí phải trả giá bằng một sự sụt giảm xuất khẩu khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng cho hội nhập.

Hà Nguyễn
http://baodautu.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập880
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại757,919
  • Tổng lượt truy cập93,135,583
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây