Trưởng đoàn đám phán CPTPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, với CPTPP lần đầu tiên đồng ý đưa mức thuế trong ngành chăn nuôi về 0%. Ðã đến lúc có chút sức ép đối với đồng bào mình, thay đổi cách làm ăn cạnh tranh. Thái Lan họ cạnh tranh được thịt gà mạnh thế, không cớ gì mình không cạnh tranh nổi.
Theo cam kết, nếu không có gì thay đổi, CPTPP chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019. Cơ hội và thách thức từ Hiệp định này đang rất gần. Ðể chuẩn bị tốt cho việc gia nhập “sân chơi” này, tại Hội thảo “CPTTP: Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp” vừa qua đã có rất nhiều các vấn đề được đại biểu lưu tâm.
Giảm giá thành chăn nuôi đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng Ảnh: Vũ Mưa
Ðánh giá chung đều cho rằng, tham gia CPTPP, ngành chăn nuôi được cho là bị động nhiều nhất. Tuy nhiên hiện nay, ngành cũng như các doanh nghiệp đã rất sẵn sàng. Ông Ðoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nếu 2 - 3 năm trước khi nhắc đến TPP giờ là CPTPP, các doanh nghiệp rất lo sợ vì khi thịt bò, gà, heo của các nước thành viên trong CPTPP tràn vào không cạnh tranh nổi. Nhưng giờ thì bình tĩnh hơn vì họ đã có sự chuẩn bị tốt hơn và chắc chắn sẽ tồn tại được.
Các chuyên gia đều cho rằng, để hội nhập, ngành chăn nuôi cần giải quyết 2 vấn đề đang tồn tại, đó là giảm giá thành và tạo vùng an toàn tránh dịch bệnh. Trong đó, quan trọng nhất là giảm giá thành với sản phẩm thịt heo, gà bởi với tình hình như hiện nay, sản phẩm của Việt Nam rất khó để cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…
Hiện nay về lợi thế, Việt Nam đang mạnh với các sản phẩm tươi. Cùng đó, đa phần người tiêu dùng vẫn chưa quen với sản phẩm đông lạnh, để họ thay đổi và thích ứng có lẽ vẫn cần khoảng thời gian dài… Ðiều này cho thấy, vẫn còn một “khoảng đất khá rộng” để doanh nghiệp Việt Nam khai mở. Bởi nói riêng về lĩnh vực gà, với sản phẩm gà công nghiệp thì doanh nghiệp trong nước khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước, nhất là Thái Lan, Hàn Quốc. Do vậy, chúng ta chỉ có thể “đấu” bằng đặc sản địa phương. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tổng đàn gia gà ở Việt Nam đạt 300 triệu con, trong đó gà công nghiệp chiếm 33%. Sản lượng thịt gà đạt 1.760 tấn, chiếm 32% tổng sản lượng thịt xẻ các loại. Sản lượng trứng đạt 14 tỷ quả. Cùng đó là việc các giống vật nuôi đặc sản bản địa khác hiện cũng đang được đầu tư bài bản. Có lẽ tạm đủ để doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam đưa ra “nghênh chiến”.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đừng nghĩ sân chơi chỉ trong nước mà hãy tập trung xuất khẩu mạnh vào những phân khúc có khả năng cạnh tranh. CPTPP có thể là “miếng bánh” khó ăn, nhưng cũng mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp, cùng đó là cứu các hộ chăn nuôi, sản xuất nông sản vượt khó. Không chỉ vậy, CPTPP cũng đã mở ra một trang mới trong thực hiện chính sách hội nhập và phát triển của nước ta, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.
Ðiểm đáng lưu ý quan trọng khi hội nhập CPTPP là quy định ngặt nghèo về nguồn gốc xuất xứ đầu vào của sản phẩm. Cụ thể, hàng hóa lưu thông trong khối phải có nguồn gốc nguyên liệu từ các nước tham gia Hiệp định chứ không phải từ bên ngoài. Ðây cũng là cái khó của ngành chăn nuôi của Việt Nam khi dựa phần lớn vào nhập khẩu, nhất là con giống, chẳng hạn giống bò nhập khẩu từ Austrlia, heo nhập từ Trung Quốc, ngan nhập từ Pháp…
11 nước thành viên CPTPP Ảnh: World Bank
Cùng đó, CPTPP cũng quy định khắt khe về vệ sinh an toàn dịch tế. Ðây cũng là một cái khó nữa của Việt Nam bởi thực phẩm “bẩn” vẫn đang là vấn nạn mà chúng ta chưa giải quyết được, trong khi các thị trường trong khối lại nổi tiếng khó tính như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore… Những hàng rào kỹ thuật họ lập ra rất cao đối với các sản phẩm chăn nuôi từ các quốc gia khác.
Ðể giải quyết được những vấn đề này không đơn giản, cũng không thể trong một sớm một chiều, vậy nhưng vẫn phải dốc sức thực hiện. Bởi nếu không làm được thì sẽ rất khó để kết nối với chuỗi lợi nhuận trong CPTPP, khi đó sẽ ngang với việc chúng ta hoàn toàn “dâng” thị trường nội địa cho doanh nghiệp ngoại tung hoành. Bởi hiện nay, trong khi các nước xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vào Việt Nam ngày càng nhiều, thì sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ra nước ngoài vẫn khiêm tốn và có thể đếm trên đầu ngón tay.
Ðiều cuối cùng cần phải lưu ý, đó là dù CPTPP hay bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào đều đặt ra điều kiện, tham gia được đã thành công, nhưng quan trọng hơn cả là phải nhanh chóng hiện thực hóa mọi ưu thế chúng ta nhìn nhận.
Ông Hoàng Thanh Vân, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Sau khi nghiên cứu thì CPTPP có tác động tích cực nhiều hơn. Bởi người Việt Nam không chỉ bây giờ mới tiếp nhận, mà đã có trong tiềm thức lâu nay rồi. Tôi đã hỏi một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn về vấn đề này, họ bảo không sợ mà chỉ hơi lo và cần thể chế mạnh để các doanh nghiệp này làm. |
Phan Thảo/nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;