Trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại về chất lượng thịt heo tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Tuổi Trẻ tại các trang trại và cơ sở giết mổ cho thấy quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ... đều được kiểm soát và giám sát chặt chẽ.
Kiểm soát từ con giống đến thức ăn chăn nuôi
Bước vào trại chăn nuôi heo của ông Trần Văn Tâm (H.Củ Chi, TP.HCM), chúng tôi khá ngạc nhiên bởi không khí bên trong chuồng lạnh hơn bên ngoài, cũng không nghe mùi hôi như hình dung ban đầu.
Chỉ vào hai cái máy lạnh gắn ở góc chuồng, ông Tâm cho biết trại nuôi heo này áp dụng quy trình khép kín, xử lý vệ sinh nghiêm ngặt để giảm mùi hôi xuống mức thấp nhất.
“Máy lạnh được mở 24/24 nên heo ít vận động, ăn ít hơn với heo thông thường và nhanh lớn” - ông Tâm giải thích.
Chưa đến 8 giờ sáng, đàn heo hơn 600 con đã kêu inh ỏi đòi... ăn. Trung bình mỗi con heo được cho ăn 2,5 kg/bữa. Hơn 20 phút cho heo ăn, ông Tâm kiểm tra và ghi chép giờ ăn cho từng con, với đầy đủ chi tiết như con heo số mấy ăn bao nhiêu thức ăn, có ăn hết hay không...
Trang trại được chia làm ba khu riêng biệt, gồm khu nuôi heo nái đang thời kỳ sinh sản, khu heo con từ 5-28 ngày tuổi và khu nuôi heo thịt đang thời kỳ xuất chuồng. Đàn heo trong chuồng được phân theo lô như lô A, B, C, D..., mỗi ô mười con và được đánh số như A1, B1...
Dạo một vòng, nhận thấy con heo B6 ăn chậm hơn những con heo khác, ông Tâm liền kiểm tra nhưng không thấy gì đáng ngại nên ghi vào mục lưu ý.
Sau khi cho heo ăn xong, ông Tâm đi kéo dây nước tắm cho heo, lũ heo thích thú vùng vẫy với nước mát trước khi nằm lăn kềnh ra.
Do đã tham gia chương trình VietGAP, quá trình nuôi heo của trang trại được ông Tâm áp dụng quy trình chuẩn, nên trang trại này dễ dàng đạt chuẩn tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo.
Theo ông Tâm, để đáp ứng yêu cầu của chương trình heo truy xuất nguồn gốc, việc cho ăn và dùng thuốc phải đúng theo liều lượng và quy trình được kiểm soát chặt. Mỗi heo con đều có thẻ tai (thẻ thứ tự) được cấp sẵn, heo xuất chuồng được thú y đóng mộc VietGAP theo từng lô.
Việc cho ăn cũng phải theo công thức và loại thức ăn như yêu cầu của doanh nghiệp (DN) thu mua.
“Tui ký hợp đồng với DN cung cấp cám hằng năm theo từng đàn. Cách vài tuần có người của DN đến kiểm tra lượng cám cho ăn có đúng chất lượng hay không. Khi có dấu hiệu khác thường, DN sẽ bị kiểm tra ngay” - ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, việc triển khai chương trình heo truy xuất nguồn gốc là cần thiết, từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, cũng như khuyến khích chăn nuôi sạch.
Sau nhiều năm gặp khó do giá heo thất thường, khi nghe thông tin về chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, anh Mạnh Hữu (H.Củ Chi) quyết định rút sổ tiết kiệm hơn 500 triệu đồng để đầu tư bài bản cho trang trại chăn nuôi heo và tăng đàn.
Ngoài hệ thống chuồng trại đạt chuẩn, anh Hữu còn đầu tư hệ thống biogas với 3.000m2, đảm bảo chất thải được xử lý sạch để không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xây thêm một bể lọc khí biogas, tận dụng khí biogas để phát điện cung cấp lại cho toàn bộ trang trại.
“Nhờ quy trình khép kín nên chi phí nuôi heo giảm đi rất nhiều. Với đầu ra được đảm bảo và giá cả ổn định, tới đây tôi sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một chuồng trại khép kín, có quy mô nuôi khoảng 1.000 con” - anh Hữu khẳng định.
Trong quy trình giết mổ heo tại Công ty Vissan, nhân viên gắn mã số thẻ (dùng để truy xuất nguồn gốc) vào hai chân sau mỗi con heo - Ảnh: N.Trí |
Giám sát từ trại đến cơ sở giết mổ và điểm bán lẻ
Dù bước đầu nghi ngại, nhưng đến nay nhiều trang trại chăn nuôi cho biết đã an tâm hơn với chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, do đầu ra ổn định và giá cả tốt hơn.
Theo ông Trần Văn Tâm, dù giá heo trên thị trường hiện đang đứng ở mức thấp, chỉ còn 34.000 - 37.000 đồng/kg, nhưng heo được nuôi theo quy trình Vietgap và tham gia chương trình truy xuất được mua với giá cao hơn heo nuôi thông thường, dao động từ 39.000 - 40.000 đồng/kg nên cũng an tâm hơn.
“Dù bận rộn ghi chép và chăm sóc đàn heo nhưng đầu ra ổn định và việc chăn nuôi của mình được minh bạch, gia đình tui cũng an tâm hơn mà người tiêu dùng cũng được sử dụng nguồn thịt đảm bảo chất lượng, sạch thật sự” - ông Tâm nói.
Điều mà nhiều người chăn nuôi lo lắng nhất là nguy cơ xảy ra hiện tượng trộn heo không đảm bảo chất lượng với heo nuôi VietGap trong quá trình vận chuyển, gây ảnh hưởng đến những người chăn nuôi sạch.
Ông Mạnh (Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết trên địa bàn hiện có ba tổ nuôi heo VietGAP, quá trình chăn nuôi được kiểm soát chặt, heo xuất chuồng cũng được thú y đến kiểm tra, nhưng chẳng biết quá trình vận chuyển có đảm bảo không xảy ra chuyện “bùa phép” heo thường thành heo VietGap hay không.
“Nếu không kiểm soát chặt khâu vận chuyển, không loại trừ khả năng thương lái gom heo nuôi bình thường rồi trộn với heo VietGap để đưa vào cơ sở giết mổ” - ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, theo các cơ sở giết mổ, khả năng bị trộn heo không đảm bảo chất lượng rất khó xảy ra.
Chỉ tay vào những con heo trên dây chuyền, anh Phúc - nhân viên tại cơ sở giết mổ của Vissan - cho biết số heo này được giết mổ theo từng lô và đeo hai vòng truy xuất màu xanh và màu vàng nên không có việc nhầm lẫn được.
Theo anh Phúc, heo từ các tỉnh như Bình Thuận, Đồng Nai... được vận chuyển về công ty phải còn niêm phong của thú y, cán bộ thú y sẽ mở cửa xe để đưa máy quét kiểm chứng có đúng heo được đăng ký hay không.
“Trước khi xuất chuồng, người nuôi sẽ kích hoạt mã code trên mỗi chiếc vòng màu vàng, chiếc vòng sẽ được buộc cố định vào chân sau của heo trước khi bán cho thương lái, mỗi con heo sẽ được buộc hai chiếc vòng vào hai chân sau. Chiếc vòng này có đặc tính là khi đã buộc vào chân heo thì không thể tháo ra.
Đặc biệt, vòng sử dụng chất liệu chịu nhiệt tốt, có thể chịu được lực kéo trên 50kg. Sau khi heo được đưa lên xe từ trại nuôi, cơ quan thú y sẽ niêm phong bằng một chiếc vòng màu cam, giúp giám sát quá trình vận chuyển heo từ trang trại đến điểm giết mổ” - anh Phúc nói.
Anh Hoàng - nhân viên khâu giết mổ kiêm ghi số heo - cho biết trong quá trình giết mổ, những chiếc vòng nhận diện nào ở chân heo bị hư hỏng sẽ được báo cho nhân viên thú y giám sát và thay thế bởi một chiếc vòng nhận diện khác màu xanh, được nhân viên thú y kích hoạt những thông tin đã được nhập vào chiếc vòng cũ trước đó.
“Trước khi thịt heo vận chuyển đi, xe phải được niêm phong bằng một chiếc vòng màu trắng. Thịt heo sẽ được chuyển tới chợ đầu mối, siêu thị... và nhân viên thú y hay quản lý chợ, điểm bán chỉ cho xe qua cửa nếu xe vận chuyển còn niêm phong. Điều này cũng sẽ được áp dụng khi thịt heo được xuất bán về các chợ lẻ, cửa hàng…” - anh Phúc nói.
Người dân mua thịt heo tại siêu thị Co.op Mart Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
* Ông Phạm Thành Kiên (giám đốc Sở Công thương TP.HCM) Khâu bán lẻ cũng được giám sát chặt Không chỉ được kiểm soát chặt trong quá trình nuôi, vận chuyển, giết mổ..., thịt heo nằm trong chuỗi truy xuất nguồn gốc khi đưa về các điểm bán lẻ cũng được giám sát kỹ, phải có tem, niêm phong mới được cho nhập. Tại các điểm bán lẻ, nếu trà trộn các loại thịt ngoài chương trình, chắc chắn tiểu thương sẽ phải sử dụng số tem cao hơn. Khi thấy dấu hiệu bất thường này, chúng tôi sẽ khoanh vùng, giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện sẽ công bố công khai sạp bán hàng gian dối. |
* Bà Huỳnh Thị Kim Cúc (phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM) Heo đảm bảo chăn nuôi sạch Dù bước đầu có thể nhận biết thịt heo mình mua được nuôi ở đâu, giết mổ giờ nào..., nhưng điều mà người tiêu dùng còn lăn tăn là mới chỉ truy xuất được phần ngọn chứ chưa tận đến quy trình nuôi ra sao, chăm sóc thế nào, có đảm bảo là heo sạch... Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chăn nuôi và trang trại tham gia chương trình truy xuất này đều sản xuất theo mô hình VietGap hoặc nuôi heo an toàn, với sự kiểm soát chặt của cơ quan thú y. Không chỉ quá trình nuôi mà khâu vận chuyển heo thịt, khâu giết mổ và phân phối sản phẩm xuống các cơ sở bán lẻ đều được giám sát chặt bằng các công cụ công nghệ. Hơn nữa, khi heo được xuất chuồng, cơ quan thú y sẽ kiểm tra đạt chuẩn mới được thông qua. Từ khâu nuôi, vận chuyển, giết mổ, bán lẻ... đều được kiểm soát chặt, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng nguồn thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã