Học tập đạo đức HCM

Trái cây Việt lép vế ở thị trường khó tính

Thứ hai - 13/08/2018 22:06
Vài năm trở lại đây, trái cây Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui từ các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản. Nhưng để tăng sản lượng tại những thị trường này không hề đơn giản, trong đó chất lượng, mẫu mã, giá cả đang là những điểm trừ của trái cây Việt so với các "đối thủ" khác.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy giá trị XK rau quả 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu (NK) rau quả của Việt Nam với 74% thị phần (chủ yếu qua đường tiểu ngạch).

Chủ yếu xuất sang Trung Quốc

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được cấp phép XK vào Trung Quốc (gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm), trong đó 4 loại chiếm thị phần gần như tuyệt đối (85 - 98%) tại thị trường này. Rau quả chủ yếu được xuất sang Quảng Tây và Vân Nam rồi chuyển đi tiêu thụ toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Thị trường dễ tính đi kèm với nhiều bất ổn, trong tháng 7/2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng XK của Việt Nam sang thị trường này dự báo sẽ chững lại. Bộ NN&PTNT đánh giá đó có thể là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra.

Đối với trái loại 1, đóng vào thùng XK có giá 14.000 – 15.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, 26.000 – 27.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ. Còn giá mua tại vườn (mua xô) thấp hơn nhiều, thanh long ruột trắng chỉ đạt 8.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ bán xô có giá 13.000 đồng/kg, trong khi đó vụ nghịch thanh long ruột trắng có giá 20.000- 25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ có giá 40.000-50.000 đồng/kg.

Hay đối với quả vải, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong niên vụ 2018, các DN Việt Nam đã XK hơn 92.000 tấn vải (bao gồm vải tươi và vải sấy khô) với trị giá đạt hơn 40,8 triệu USD.

Tuy nhiên, riêng lượng vải XK sang thị trường Trung Quốc đã chiếm tới 90,7% tổng lượng XK vải của cả nước, mặc dù quả vải Việt Nam đã được cấp phép sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU hay Mỹ.

Sự phụ thuộc của thanh long, vải vào thị trường Trung Quốc là do chưa tận dụng được các cơ hội từ những thị trường khó tính. Đơn cử tại thị trường Mỹ, hiện Việt Nam đã được phép XK 6 loại trái cây tươi là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa, xoài nhưng lượng không đáng kể, chiếm thị phần rất nhỏ, khoảng 3% trong tổng lượng trái cây mà nước này NK.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do các chi phí vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ liên quan đến XK trái cây tươi của Việt Nam cao nên kém cạnh tranh so với các nước có địa lý gần hơn. Do đó, muốn mở rộng thị phần XK thời gian tới nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sẵn (nước ép, sấy, đóng hộp) và đặc biệt là sản phẩm hữu cơ.

Theo ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trái cây Việt Nam dù đạt tiêu chuẩn nhưng để XK sang Mỹ thường phải mất ít nhất 5 năm đàm phán. Hơn nữa, phía Mỹ yêu cầu trái cây phải chiếu xạ dẫn tới giá thành trái cây Việt bị đội lên rất cao.

Ngoài ra, bất kỳ lô hàng hoa quả tươi sang Mỹ đều phải ghi rõ vùng trồng theo mã số được hai bên quy định. Đây là điều không hề dễ dàng với trái cây Việt Nam khi lâu nay vẫn trồng theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún và thiếu liên kết vùng.

Tương tự với thị trường EU, trái cây Việt Nam đã XK được nhưng lượng không đáng kể do kém cạnh tranh với các đối thủ có vị trí địa lý gần hơn (Brazil, Peru, Ecuador, Panama) và các đối thủ trong khu vực (Thái Lan, Philippines, Malaysia) về giá, chất lượng và thời gian giao hàng.

Đồng thời, EU thường xuyên rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra đối với rau quả của Việt Nam do phát hiện nhiều lô hàng không phù hợp với quy định của EU, gây bất lợi đến tiến độ XK vào thị trường này (hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20%).

Đáng chú ý, thị trường Nhật Bản có nhu cầu ngày càng gia tăng với trái cây tươi nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải, măng cụt…

Hiện, Việt Nam đã được cấp phép XK thanh long (ruột đỏ, ruột trắng), xoài, chuối, dừa sang Nhật Bản, trừ thanh long còn dư địa tăng trưởng tốt do đáp ứng tốt về thị hiếu và chất lượng, các loại trái cây tươi khác đều kém cạnh tranh so với các nước về giá do cước phí vận chuyển hàng không và chi phí bảo quản lạnh của Việt Nam cao hơn (giá chuối cao hơn Philipines 8% và Costa Rica 52%; giá xoài cao hơn Mexico, Thái Lan 50%…).

trai-cay-Viet-JPG-4905-1534176656.jpg

Trái cây Việt khó tăng sản lượng xuất khẩu vào những thị trường khó tính

Con đường tất yếu là chế biến

Trong khi đó, với thị trường Hàn Quốc, việc áp dụng hệ thống quản lý danh mục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu, trong đó có trái cây (hệ thống PLS) đang làm phát sinh thêm chi phí và thời gian cho các DN, có khả năng gây khó khăn để trái cây Việt tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dự báo trong các tháng cuối năm, XK rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm.

Đặc biệt, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể khiến nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc giảm, ảnh hưởng đến XK rau quả Việt Nam vào thị trường này.

Do vậy, các DN cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ XK, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường NK.

Đầu tiên, muốn liên kết sản xuất theo chuỗi, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty Vina T&T, cho rằng thuyết phục nông dân hợp tác với DN và trồng đúng theo quy chuẩn đặt ra vốn rất khắt khe và tốn nhiều công sức, vì vậy phải tạo niềm tin cho họ. Niềm tin đó được xây dựng bằng uy tín trong thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt hơn so với trồng thông thường và bán cho thương lái.

Bên cạnh đó, DN còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Hơn nữa, chế biến trái cây là con đường tất yếu để đưa hoa quả Việt ra thị trường thế giới và tránh được các vấn đề liên quan như bảo quản sau thu hoạch, được mùa mất giá, vượt qua được các rào cản kỹ thuật của nước ngoài…

Đặc biệt, vào được thị trường rồi nhưng phải giữ thị trường. Muốn vậy, phải đảm bảo nghiêm túc chuỗi quy trình khép kín, không chỉ sạch chất lượng mà đảm bảo giá thành, số lượng, uy tín.

Mặt khác, để trái cây Việt Nam cạnh tranh tại các thị trường khó tính, các DN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét việc đầu tư kho lạnh, cơ sở đóng gói và cơ sở chiếu xạ đủ tiêu chuẩn tại vùng trồng để giảm chi phí cho DN, hàng không Việt Nam nên trợ giá cước vận chuyển cho DN XK.

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật hoặc địa phương cần hướng dẫn nông dân cách làm mới hiệu quả và tuân thủ quy định tiêu chuẩn chất lượng của nhà NK.

Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Ông Nguyễn Công Cường - Giám đốc công ty XNK nông sản Việt Tuấn

Mối lo lớn nhất đối với XK trái cây là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước NK. Chỉ một lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm, DN thiệt hại bằng 15 lô hàng XK thành công. Hơn nữa, nếu mất uy tín một lần, DN sẽ bị đối tác tăng tần suất kiểm tra lên 50 – 100% thay vì 5% như thông thường.

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương

Quả vải, quả xoài để vào thị trường các nước phát triển như Australia, Mỹ… phải mất 5-7 năm, thậm chí lâu hơn. Cứ đi theo cách này, chúng ta sẽ không đủ thời gian để hình thành chuỗi sản phẩm chi phối những thị trường này. Việt Nam cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường nhằm rút ngắn thời gian trên.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

Cần phải đẩy mạnh liên kết giữa DN với nông dân, HTX từ việc xây dựng vùng trồng, quản lý từ khâu sản xuất đến chế biến, xử lý trái cây trước khi XK. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang yêu cầu các địa phương và DN thực hiện lập hồ sơ đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số đáp ứng các biện pháp canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo quy trình và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập158
  • Hôm nay69,203
  • Tháng hiện tại899,930
  • Tổng lượt truy cập92,073,659
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây