Học tập đạo đức HCM

Xuất khẩu nông sản: Nhiều trăn trở

Chủ nhật - 12/08/2018 21:03
Bảy tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, kết quả xuất khẩu mặt hàng này chưa thực sự bền vững khi phương thức sản xuất, tiêu thụ còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp; trong khi những thị trường lớn, nhiều tiềm năng luôn đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Vì thế, tìm đường xuất ngoại cho nông sản vẫn là nỗi trăn trở lớn.

 

 

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: TTXVN

Bài đầu: Bấp bênh vì khó đáp ứng yêu cầu kỹ thuật

Thời gian qua, không ít mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ và chất lượng của các nước nhập khẩu. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do sản xuất trong nước nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch yếu kém...

Đi đường tiểu ngạch là chính

Theo Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm 2018 đạt 22,2 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017. Song, đóng góp nhiều vẫn là các mặt hàng lâm sản (đạt 5,03 tỷ USD, tăng 12,3%), thủy sản (đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3%). Trong khi đó, các mặt hàng nông sản xuất khẩu nhiều nhất là gạo đạt 1,96 tỷ USD, tăng 29,2%; rau, quả đạt 2,28 tỷ USD, tăng 12,6%... 

Đáng chú ý, các thị trường chính gồm: Mỹ, châu Âu, Nga, một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Iraq… song chỉ có từ 20 đến 30% sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xuất khẩu chính ngạch, còn lại là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Đơn cử như gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 54% thị phần, nhưng thương lái Trung Quốc phần lớn thu mua tiểu ngạch để tránh thuế nên việc xuất khẩu của doanh nghiệp, nông dân gặp nhiều rủi ro, giá trị hàng xuất khẩu thấp, không có thương hiệu, sức cạnh tranh kém...

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng khá, nhưng nhiều nước nhập khẩu đang cụ thể hóa chủ trương tái lập chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch bằng việc lập “hàng rào” thương mại khiến nông sản, thủy sản Việt Nam không dễ vượt qua. Đơn cử như Mỹ đang áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn và áp thuế chống bán phá giá đối với cá da trơn, tôm... vào thị trường nước này. 

Cùng với đó, nhiều điều kiện của thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường lớn, "khó tính" cũng chưa được doanh nghiệp đáp ứng. Trong đó phải kể đến việc Ủy ban Châu Âu (EC) lùi đến tháng 1-2019 mới xem xét lại việc cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam do các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo địa điểm đánh bắt. Hay, Australia chỉ cho nhập khẩu tôm và sản phẩm từ tôm của Việt Nam khi được đánh giá là bảo đảm an toàn sinh học. Mới đây, Bộ An toàn thực phẩm Hàn Quốc cũng ra thông báo, năm 2019 sẽ áp dụng hệ thống quản lý danh mục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có hạt điều của Việt Nam. 

Ngoài những bất lợi nêu trên, các mặt hàng nông sản của Việt Nam còn phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của nhiều nước trong khu vực. Theo Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, hiện nay, mặt hàng rau, củ, quả của Trung Quốc, với nguồn cung lớn, giá rẻ, đang gây áp lực với hàng nông sản Việt Nam. Đặc biệt, khi "chiến tranh" thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc nổ ra, tỷ giá đồng nhân dân tệ và tiền đồng Việt Nam liên tiếp trong tháng 7-2018 giảm 2 lần, trở thành yếu tố bất lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Chất lượng thấp - thiệt hại lớn

 

 

Chế biến rau theo tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm chất lượng cho nông sản xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang các nước: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand... bị trả về do không đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều kẽ hở trong quy trình chăm sóc, chế biến. 

Theo ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN&PTNT), nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn vì nông dân vẫn áp dụng theo phương pháp canh tác truyền thống, sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, khiến cho sản phẩm còn tồn dư vượt ngưỡng cho phép. Nông sản xuất khẩu bị trả về nhiều là: Thanh long, xoài, hồ tiêu, chè, rau... không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của quốc gia. 

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty Xuất - nhập khẩu nông sản Việt Tuấn Nguyễn Công Cường băn khoăn: "Mối lo lớn nhất đối với xuất khẩu trái cây là khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Chỉ một lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm, doanh nghiệp thiệt hại bằng 15 lô hàng xuất khẩu thành công. Không những thế, nếu mất uy tín một lần, doanh nghiệp sẽ bị đối tác tăng tần suất kiểm tra lên từ 50% đến 100% thay vì 5% như thông thường. Hơn nữa, để đàm phán xuất khẩu được một loại trái cây sang thị trường Mỹ, Australia… các ngành chức năng phải mất từ 10 đến 12 năm, nhưng nếu một lô hàng xuất khẩu bị trả về thì nguy cơ mặt hàng đó bị “cấm cửa” quay trở lại thị trường nước nhập khẩu rất lớn...".

Không chỉ ở khâu sản xuất, khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng còn hạn chế. Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Đặng Kim Sơn cho biết, hiện nay, chỉ có 4% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta có quy trình chế biến nông sản đáp ứng quy định của các thị trường lớn; còn lại chưa đạt yêu cầu. Năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam hạn chế về quy mô, thiếu vốn để đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại dẫn tới tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chiếm khoảng 20-30%, nên khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của Việt Nam ở mức thấp trên thị trường. 

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, nông sản của Việt Nam đã không ngừng tìm cách vượt qua khó khăn, thâm nhập thị trường các nước và đã đạt được những kết quả nhất định. Mặc dù thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn nhiều dư địa, nhưng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển, từ người dân, doanh nghiệp phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn kỹ thuật để thuận lợi hơn khi xuất khẩu, đặc biệt phải coi bảo đảm chất lượng sản phẩm là nguyên tắc "bất di bất dịch", thậm chí, đó là điều kiện sống còn của xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

(Còn nữa)
 

Tác giả bài viết: Hữu Hoài - Ngọc Quỳnh

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập322
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại220,973
  • Tổng lượt truy cập90,284,366
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây