Theo Bộ NNPTNT, trong 2 tháng đầu năm 2018, khối lượng xuất khẩu rau củ quả ước đạt 294.000 tấn, tăng 47%, giá trị xuất khẩu ước đạt 0,62 tỷ USD, tăng 47,6 % so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu quả chiếm 87%, rau củ chiếm 13% trong tổng giá trị xuất khẩu rau củ quả.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu rau củ quả chủ yếu là sản phẩm thô và sơ chế với trên 93% tổng giá trị xuất khẩu, trong khi đó, mặt hàng qua chế biến chỉ chiếm khoảng 6,6%. Cũng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá nhiều loại trái cây tăng mạnh do các thương lái tăng cường thu gom để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cụ thể, giá mít Thái Lan lần đầu tiên đã chạm mức từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ, giá chuối sau kỳ “giải cứu” vì giảm thê thảm trong năm trước nay đã tăng lên từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, dao động ở 12.000 - 17.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Nhiều trái cây tăng giá mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc giá trái cây tăng giúp nông dân thu được một khoản lời khá để tái đầu tư, tiếp tục phát triển vườn trái cây. Tuy nhiên, nguyên nhân giá tăng cũng chủ yếu do thương lái Trung Quốc gom mua, mà việc xuất khẩu sang Trung Quốc thì không ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do đó, để xuất khẩu trái cây phát triển bền vững, mang về 7 tỷ USD vào năm 2030 như mục tiêu của ngành nông nghiệp, phải nghĩ đến việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nhận định người tiêu dùng nước này rất thích trái cây nhiệt đới, song đòi hỏi rất cao về chất lượng, mẫu mã. Hàng vào được thị trường này cũng đồng nghĩa với việc có thể dễ dàng bán qua các thị trường khác. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại trái cây vào thị trường Nhật Bản và đang tiếp tục đàm phán để tới đây sẽ xuất khẩu thêm 2 loại trái cây nữa là nhãn và vải.
Người tiêu dùng Nhật Bản rất chuộng trái cây Việt Nam,với điều kiện sản phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh ATTP. Ảnh: Thuận Hải.
Còn theo TS Nguyễn Hữu Đạt – Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá thành và chất lượng vệ sinh ATTP đối với nhóm quả tươi xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là thách thức lớn.
Trong số 6 nước thuộc thị trường khó tính đối với việc nhập quả tươi, yêu cầu rau quả nhập khẩu phải sản xuất theo VietGAP và không sử dụng một số nhóm thuốc trừ dịch hại nhất định.
Về giá thành, là giá hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam ký được để xuất khẩu trái cây đi các thị trường khó tính nêu trên, hiện có thể phân chia thành 2 nhóm giá khác biệt, gồm giá thành sản phẩm xuất theo đường hàng không và sản phẩm xuất theo đường biển.
Các sản phảm xuất khẩu theo đường hàng không được đóng gói với tiêu chuẩn cao, có chất lượng tốt, giá thành xuất khẩu từ 6 – 8,8USD/kg. Giá bán lẻ sản phẩm tại Mỹ thường gấp 2 lần giá thành. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu theo đường biển đóng gói theo tiêu chuẩn hạng 2, giá thành từ 3 – 5USD/kg khi doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ và giá bán lẻ cũng sẽ gấp đôi.
Theo ông Đạt, hiện mức giá thành của trái cây Việt Nam tại thị trường khó tính đang ngang bằng với mức giá cạnh tranh. Do đó, dù giá trị hàng hóa tăng cao nhưng mức lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp còn rất thấp.
Từ đó, năng lực cạnh tranh của của các doanh nghiệp Việt Nam lẫn trái cây Việt Nam vẫn còn thấp, chưa thể tự triển khai các chiến dịch quản bá mạnh để chiếm giữ thêm thị phần to lớn, chưa đủ năng lực mạnh để chiếm giữ được hệ thống phân phối quả nhiệt đới tại các thị trường khó tính.
Ông Đạt lấy ví dụ, như trái xoài Mexico ở Mỹ có mẫu mã đẹp, trái sáng, không tì vết, không bị thối trái, người dân mua về có thể để được 1 tuần, có giá bán là khoảng 2USD/kg, giá hợp đồng xuất khẩu chỉ khoảng 1USD/kg.
Trong khi đó, xoài cát Chu Việt Nam giá bán tại vườn trồng từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, giá xuất khẩu sang Mỹ phải từ 3USD/kg nếu đi bằng đường biển và phải từ 6USD/kg trở lên nếu đi bằng đường hàng không.
Xoài Việt Nam ngon nhưng giá thành đang ở mức khá cao nên khó cạnh tranh và khoản lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp còn thấp. Ảnh: Thuận Hải.
“Vậy, chỉ có một cách duy nhất để xoài cát Chu cạnh tranh được với xoài 1 USD của Mexico là xoài Việt Nam phải thật đẹp, ngon và tuyệt đối 100% đúng chuẩn VSATTP của Mỹ”, ông Đạt cho biết.
“Người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng bỏ ra 30USD để mua một thùng xoài Việt Nam thay vì chỉ bỏ 10USD mua một thùng xoài Mexico, vì xoài cát Chu ngon hơn hẳn. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn mà xoài Mexico đã có thì xoài Việt Nam cũng phải đạt được, nhất là về ATTP”, ông Đạt cho biết thêm.
Hay như đối với trái chôm chôm, vị chuyên gia cho rằng muốn tồn tại được tại thị trường Mỹ thì Việt Nam phải có hàng quanh năm, tức phải trồng rải vụ. Ngoài ra, không thể trồng hộ cá thể riêng lẻ như hiện nay mà phải hợp tác để có những vùng nguyên liệu hàng hóa lớn, liên kết được với doanh nghiệp để có chuỗi cung ứng – xuất khẩu chặt chẽ…
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;