Thời điểm này, nhiều người nuôi tôm tại Hà Tĩnh đã bắt đầu bước vào thu hoạch tôm vụ xuân - hè.
Theo ghi nhận, tại các địa phương có diện tích thả nuôi lớn như Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX Kỳ Anh… hiện nay, nhiều người nuôi tôm đã bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch với mức giá bán ra thấp hơn so với trung bình nhiều năm qua.
Anh Nguyễn Văn Tiến (thị trấn Cẩm Xuyên) cho biết: “Vụ tôm xuân hè 2021 nhờ thời tiết tương đối ổn định, chăm sóc bài bản nên tôm cho năng suất, sản lượng đạt khá cao, ở mức 40 - 45 con/kg. Thế nhưng, người nuôi tôm lại không mấy phấn khởi vì thời điểm này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sức mua giảm, khó bán.
Thị trường tôm tiếp tục ảm đạm, giá xuống thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mới đây, tôi vừa xuất hơn 20 tấn tôm cấp đông cho nhà máy với giá 110 - 112.000/kg với kích cỡ từ 40 - 45 con/kg. Giá bán này thậm chí còn thấp hơn cả cùng kỳ năm ngoái từ 10 - 12.000 đồng/kg. Chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc men… đều tăng cao so với trung bình nhiều năm giờ gặp giá bán thế này thì người nuôi khó có thể xoay vòng vốn để mạnh dạn đầu tư nhiều cho vụ tiếp theo”.
“Mới bắt đầu bước vào thu hoạch mà thị trường đã không khả quan thì sợ rằng 15 - 20 ngày nữa đến thời điểm chính vụ, lượng tôm cung ứng ra rất lớn, giá bán chắc chắn sẽ còn xuống thấp hơn, người nuôi càng thêm khó khăn”, anh Tiến chia sẻ thêm.
Đầu ra khó khăn, giá bán thấp đang làm nhiều người nuôi tôm không mấy mặn mà chuẩn bị đầu tư xuống giống cho vụ nuôi mới.
Trên diện tích nuôi hơn 6 ha, anh Hồ Quang Dũng (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) cũng vừa xuất bán gần 40 tấn tôm thương phẩm có kích thước từ 45 - 47 con/kg cho thương lái tại các tỉnh Thanh Hoá, Hải Phòng, TP Hà Nội… với giá 125 - 130.000 đồng/kg. Anh cho biết: “Mình bán tôm sống nên giá có cao hơn tôm cấp đông cho các nhà máy nhưng thời điểm này liên hệ được xe của thương lái vào để thu mua cũng rất khó khăn.
Điều này chủ yếu do dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm hoạt động xuất khẩu đình trệ, chưa thể phục hồi trong khi thị trường nội địa “ảm đạm”, nhu cầu tiêu thụ thấp; tỉa ra bán lẻ trong tỉnh thì không được là bao vì nhà hàng, quán ăn, khách sạn... cũng nhập rất ít. Giá tôm thẻ chân trắng vụ này đã thấp lại còn “bí” đầu ra càng làm người nuôi tôm như “ngồi trên đống lửa””.
Việc liên hệ thương lái từ các tỉnh khác như Thanh Hoá, Nghệ An, TP Hà Nội... vào thu mua tôm với số lượng lớn trong thời điểm này khá khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, dù mới bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng giá tôm thời điểm này đã xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 10 - 15.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ và chất lượng.
Nguyên nhân khiến giá tôm giảm là do đây là vụ nuôi chính trong năm nên nguồn cung trên toàn quốc thường rất lớn, cùng với đó nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm sút, các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch đang bị đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hơn nữa, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc làm giá tôm trên cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã liên tục xuống thấp trong 2 năm trở lại đây.
Giá tôm thương phẩm loại 100 con giá từ 75 - 80.000 đồng/kg
Theo thông tin từ người nuôi trên địa bàn tỉnh, hiện nay, giá tôm sống thương phẩm loại 100 con/kg chỉ ở mức từ 75 - 80.000 đồng/kg, loại 70 con giá từ 100 - 110.000 đồng/kg, loại 40 - 45 con giá từ 125 - 130.000 đồng/kg…; còn tôm đá cấp đông vào các nhà máy thấp hơn tôm sống từ 18 - 25.000 đồng/kg tuỳ loại".
Đại diện Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết, tính đến thời điểm này, diện tích nuôi tôm vụ xuân hè toàn tỉnh đã đạt trên 1.967 ha, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Theo đánh giá tổng quan của ngành chuyên môn, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh không phát sinh nhiều nên vụ tôm này cho năng suất, chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, qua khảo sát, giá bán tôm trên thị trường hiện nay đang ở mức thấp, việc thu mua gặp khó khăn đang khiến nhiều người nuôi không khỏi lo lắng.
Nguồn tin: Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã