Tháng 5/2019 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được phát hiện tại huyện Cẩm Xuyên. Dịch bệnh quần thảo hơn 1 năm, đến gần cuối năm 2020 thì hạ nhiệt.
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, người chăn nuôi thở phào chưa được bao lâu thì đầu năm 2021 làn sóng đợt dịch mới bùng phát. Trong thời gian chưa đầy 4 tháng, DTLCP đã lây lan trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, thành phố, khiến hơn 7.500 con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy, thiệt hại vô cùng nặng nề.
Ông Mai Khắc Mại, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (Tổng Công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) cho biết, sau Tết nguyên đán đến nay, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp phải bỏ ra từ 2,2 đến 3 tỷ đồng mua thuốc thú y, vacxin, hóa chất, vôi bột… phòng chống DTLCP.
“Ngoài căng mình phòng chống dịch, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt trong thời gian ngắn khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh. Hiện giá thành sản xuất 1kg lợn hơi đã tăng từ 10.000 - 12.000 đồng so với cuối năm 2020, trong khi giá bán lợn thịt giảm xuống còn 68.000 - 69.000 đồng/kg”, ông Mại nhẩm tính.
Theo vị Giám đốc, chỉ trong thời gian 4 tháng, giá cám của Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc và Công ty CP dinh dưỡng Hồng Hà đã tăng đến 8 lần, lần tăng thấp nhất là 300 đồng/kg, lần cao nhất 450 đồng/kg (mức tăng tương đương 20 - 30% so với năm 2020 và cao nhất từ trước đến nay).
“Bây giờ chăn nuôi lợn mà phải mua từ A - Z (giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất phòng dịch…) thì cầm chắc lỗ. Bởi ngoài những chi phí “cứng” như thời điểm không có DTLCP thì giai đoạn này còn phải gánh thêm chi phí xét nghiệm DTLCP trước khi xuất chuồng; phí trung chuyển; đặc biệt là ‘bão giá’ cám”, ông Mai Khắc Mại nói thêm.
Hiện Công ty cổ phần Phát triển nông lâm Hà Tĩnh đang duy trì tổng đàn 2.700 nái và 20 trại nuôi lợn thịt vệ tinh ở các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn; quy mô từ 450 - 500 con/trại/lứa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Huy, chủ trang trại chăn nuôi 600 con lợn nái và 2.500 con lợn thịt ở huyện Đức Thọ cho rằng, việc tăng giá cám liên tục khiến lợi nhuận của người chăn nuôi còn lại không đáng là bao. Cụ thể, từ đầu năm đến nay giá cám của Công ty Cargill và Tập đoàn C.P đã tăng 6 lần, mỗi lần tăng từ 280 - 380 đồng/kg, tính ra mỗi tháng đàn lợn của trang trại ‘ăn’ thêm gần 400 triệu đồng tiền cám so với cuối năm 2020.
“Bây giờ giá cám lợn, gà, vịt ở tất cả các công ty thức ăn chăn nuôi đều tăng. Ngoài ra, vacxin, hóa chất, nhân công cũng đội lên từ 20 - 25%, nếu người chăn nuôi tính toán không chi li thì khó mà có lời”, ông Huy khẳng định.
Lý giải nguyên nhân giá cám tăng liên tục trong thời gian qua, anh Chiến, nhân viên phụ trách thị trường Hà Tĩnh, Quảng Bình của Công ty Cargill Việt Nam chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi khan hiếm; giá nguyên liệu tăng, khó nhập khẩu; vận tải toàn cầu tắc nghẽn; thiếu lao động…
“Dự báo tháng 5/2021 giá cám Cargill sẽ tăng thêm khoảng 2 lần nữa”, anh Chiến thông tin thêm.
https://nongnghiep.vn/doanh-nghiep-doi-mat-bao-gia-thuc-an-chan-nuoi-d289155.html
Theo Thanh Nga - Võ Dũng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã