Học tập đạo đức HCM

Dự báo thủy sản vào EU năm 2020 giảm 20%

Thứ năm - 22/10/2020 03:57
Kim ngạch thủy sản nước ta xuất khẩu vào EU trong 8 tháng đầu năm giảm 13,3%, tháng 9 có phục hồi nhưng dự báo cả năm 2020 sẽ giảm 20% so với năm 2019.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Agritrade.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Agritrade.

Các mặt hàng chính đều giảm

Báo cáo “Tiềm năng thương mại thủy sản Việt Nam - EU trước bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, kênh phân phối thủy sản lớn nhất ở thị trường EU là nhà hàng, chiếm 58,5% thị phần. Trước đây, hàng năm EU tiêu thụ 12,85 triệu tấn thủy sản, trong đó 62 - 63% là nhập khẩu. Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra và kéo dài, tiêu thụ thủy sản ở EU giảm mạnh, ảnh hưởng ngay tới các mặt hàng nhập khẩu.

Có 5 mặt hàng thủy sản tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường EU là cá ngừ, cá tuyết, cá hồi, cá minh thái và tôm, chiếm 44% tổng sản lượng tiêu thụ. Giai đoạn 2010 - 2019, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU về cá ngừ đứng thứ 2 sau Mỹ, tôm đứng thứ 4 sau Mỹ, Nhật, Trung Quốc; tốc độ tăng bình quân hàng năm kim ngạch cá ngừ và tôm đều đạt 8,7%. Còn tổng kim ngạch thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU năm 2019 đứng thứ 3, sau Mỹ, Nhật.

Thế nhưng, trong 8 tháng đầu năm 2020, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU đã giảm, riêng cá ngừ giảm 8,7%, tôm giảm 2,1%. Một số mặt hàng giảm lớn hơn là mực và bạch tuộc giảm 37,3%, cá tra 34,2%, surimi 46,4%.

Trong tổng kim ngạch thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU, lớn nhất là tôm chiếm 47 - 58%, tiếp đến là cá tra 14 - 24%, cá ngừ 8 - 13%, mực và bạch tuộc 5 - 7%, surimi 1 - 2% cho nên những mặt hàng này giảm mạnh, dù vài mặt hàng khác có tăng vẫn không ngăn được sự sụt giảm chung. Cả 8 tháng kim ngạch xuất khẩu vào EU chỉ đạt hơn 600 triệu USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Những tháng cuối năm nay theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu thủy sản nước ta vào EU tiếp tục giảm, để cả năm 2020 chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2019. Những mặt hàng dự báo giảm mạnh là mực và bạch  tuộc giảm 27%, cá tra 26%, tôm 24%, cá ngừ 6%.

Cần nói thêm, trong giai đoạn 2010 - 2019, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam vào EU đã liên tục giảm. Đó là cá tra giảm với tốc độ bình quân hàng năm 8,6%, mực và bạch tuộc giảm với tốc độ bình quân hàng năm 2,9%. Cả ngành thủy sản xuất khẩu vào EU giai đoạn này có tăng nhưng tốc độ tăng bình quân hàng năm chỉ 0,4%, thấp nhất trong các thị trường chính.
 

Hiệp định EVFTA được xem là cơ hội để thủy sản Việt Nam gắn kết sâu rộng vào thị trường EU với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD. Việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA với thủy sản Việt Nam rất có giá trị, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Cơ hội và thách thức phải vượt

Từ ngày 1/8/2020, EVFTA có hiệu lực và thủy sản Việt Nam vào EU được ưu đãi thuế quan, mở ra nhiều cơ hội. Trong tháng 9/2020, xuất khẩu thủy sản sang EU đã “thoát âm”, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 692 triệu USD. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, trong những năm tới thủy sản Việt Nam sang EU có thể tăng trưởng tốt và kim ngạch mỗi năm sẽ đạt mức 1,2 - 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nêu rõ, kịch bản tăng trưởng chỉ đạt được với điều kiện: Thẻ vàng IUU được tháo gỡ và các doanh nghiệp thủy sản tận dụng được ưu đãi thuế quan theo hiệp định, có vị thế cạnh tranh tốt hơn. Cụ thể, tàu cá nước ta không khai thác tại các vùng biển bị cấm; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nguồn gốc của nguyên liệu chế biến, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, hiệp định có phần về quy tắc xuất xứ hàng hóa quy định đầy đủ. Đó là vùng nuôi phải có mã số, tàu đánh bắt phải đúng luật.

Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) nhấn mạnh đến các quy định của EVFTA về chất lượng và an toàn thực phẩm. Với thủy sản nuôi, phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh. Vùng thu hoạch phải được Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu giám sát, phân loại theo quy định của EU và được EU công nhận đưa vào danh sách. Cơ sở sản xuất phải trong danh sách được EU công nhận. Các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU đều được thẩm tra, kiểm tra cấp chứng thư theo quy định của EU.

Hiện nay, thủy sản Việt Nam đã có nhiều cơ hội ở EU, theo NAFIQAD đó là các sản phẩm thâm nhập tương đối sâu và có chỗ đứng vững chắc tại các nước EU. Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam đã được EU đánh giá tương đương về: Hệ thống luật pháp, năng lực cơ quan thẩm quyền, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến, chương trình giám sát quốc gia (Dư lượng, nhuyễn thể).

Để biến cơ hội thành hiện thực tăng trưởng, NAFIQAD cho rằng cần tăng cường giám sát, kiểm tra trong sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu. Nuôi trồng và chế biến thủy sản phải thực hiện đúng quy định của Việt Nam, nước nhập khẩu, đặc biệt vấn đề sử dụng và quản lý phụ gia; Chlorin và khai báo xuất xứ. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như áp dụng mã số vùng nuôi trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC, phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình.

Theo Sáu Nghệ/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay60,015
  • Tháng hiện tại890,742
  • Tổng lượt truy cập92,064,471
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây