Một số bà con trồng tiêu ở Krông Năng, Buôn Hồ (Gia Lai) cho biết, giá tiêu hôm nay được các đại lý mua ở mức 80.000 đồng/kg đầu giá, cao hơn khoảng 3.000-4.000 đồng/kg so với giá tham khảo.
Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông, Đắk Lắk giữ nguyên mức 77.000 đồng/kg so với hôm qua.
Giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước giảm nhẹ 500 đồng/kg so với hôm qua, dao động quanh mức 77.500 - 78.500 đồng/kg, giá tham khảo.
So với cùng kỳ năm 2020, giá tiêu hôm nay tại Việt Nam đã tăng cao gấp đôi. Trong khi các dự báo thời điểm đầu vụ cho rằng, giá tiêu sẽ tăng lên khoảng 70.000-75.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm, sản lượng hồ tiêu sụt giảm.
Với giá tiêu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nông dân trồng tiêu đã có lãi khá nhưng bà con vẫn chưa muốn bán ra ồ ạt thời điểm này.
Theo tính toán của Cục Trồng trọt về giá thành sản xuất hồ tiêu trong những năm gần đây, thì giá thành sản xuất 1kg tiêu ở Tây Nguyên khoảng 45.000 đồng/kg; trong khi khu vực Đông Nam Bộ là 48.000 đồng/kg. Căn cứ theo mức giá thành như trên, nông dân các vùng trồng tiêu đang có lãi khoảng 27.000-30.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cho biết mức lãi này chưa thấm tháp vào đâu so với mấy năm liền lỗ liểng xiểng.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giá tiêu bán ra tại vườn hiện đã tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch cách đây hơn 1 tháng.
Ông Tạ Duy Thăng - nông dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, đây là mức giá tiêu cao kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây. Thế nhưng nhiều hộ trồng tiêu đến giờ vẫn quyết định giữ tiêu lại, chưa bán ra.
Ông Thăng kể, xã Xuân Thọ từng là "thủ phủ" hồ tiêu của huyện Xuân Lộc với diện tích hơn 800ha (1/4 diện tích toàn huyện). Khi giá tiêu tại Đồng Nai tuột dốc, nhiều nông dân phải chặt bỏ hồ tiêu, chuyển sang cây trồng khác. Nhiều vườn thì bỏ bê chăm sóc, cằn cỗi nên năng suất tiêu giảm đáng kể. Đa số các vườn tiêu còn lại bình quân năng suất chỉ từ 1,5-2 tấn/ha.
"Giá tiêu tại Đồng Nai đang tăng cao thật đấy, nhưng năm nay chi phí phân bón, thuốc thang cũng tăng cao, giá nhân công thu hái cũng tăng theo. Bán tiêu xong trừ hết mọi công cán, tính ra chủ vườn cũng chẳng còn lời lãi gì mấy" - ông Thăng nói.
Đi qua mấy mùa tiêu thất bát, dễ hiểu vì sao lúc này dù giá tiêu tăng nhưng nông dân vẫn muốn chờ đợi giá tăng cao thêm nữa. Hạt tiêu khô có thể tích trữ 4-5 năm không ảnh hưởng chất lượng, tuy nhiên không phải ai cũng đủ khả năng trữ tiêu lâu dài nên hầu hết bà con lựa chọn phương án bán ra một phần, còn lại tích trữ. Cũng có hộ phải bán tiêu ngay trên cây, khi chưa thu hoạch để trang trải nợ vay, lãi ngân hàng...
Một chuyên gia lâu năm trong ngành hàng hồ tiêu phân tích: Nếu xuất khẩu được nhiều hồ tiêu thì giá chắc chắn tăng, vấn đề là tiêu vụ mới hiện nay phần lớn vẫn đang còn lại trong kho doanh nghiệp, trong nhà dân và trong tay giới đầu cơ. Trước dự báo sản lượng tiêu năm nay giảm mạnh, ngay từ đầu vụ giới đầu cơ đã tung tiền ra gom mua tiêu, đẩy giá lên cao. Tuy nhiên thực chất, hạt tiêu vẫn chưa ra khỏi Việt Nam, trong khi 95% sản lượng tiêu của Việt Nam dành cho xuất khẩu.
Chuyên gia này cũng cảnh báo: Bây giờ bà con nông dân chỉ bán nhỏ giọt để chờ giá tiêu lên, khi thị trường có diễn biến bất ngờ, nếu ồ ạt bán ra cùng lúc thì giá tiêu sẽ giảm. Vấn đề là bà con tuỳ khả năng tài chính, cân nhắc thời điểm bán ra để có lợi nhuận cao nhất. Tuyệt đối không vay nợ để tích trữ hoặc ồ ạt trồng mới vì thị trường hạt tiêu hiện nay vẫn bất ổn, khó dự đoán.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã