Chủ động nguồn, tăng lượng hàng dự trữ
Hiện nay, lượng hàng nhập về của Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng đã tăng khoảng 25 -.30%.
Tất bật vận chuyển hàng hóa từ kho lên hơn 40 đầu xe để tỏa về khắp các địa phương trong tỉnh, nhân viên Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng (TP Hà Tĩnh) đang “chạy” hết công suất để phục vụ thị trường.
Anh Trần Hùng – quản lý công ty cho biết: "Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như đảm bảo công tác dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, công ty nhập hàng theo kế hoạch với số lượng tăng khoảng 25 - 30% so với trước. Hiện, chúng tôi có gần 3.000 đại lý, cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh và cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm”.
Một số mặt hàng thiết yếu như: khẩu trang, thực phẩm khô, dung dịch sát khuẩn… được Siêu thị Vinmart nhập về liên tục với số lượng tăng trên 50%.
Là một trong số những địa chỉ cung cấp hàng hóa tin cậy của người tiêu dùng Hà Tĩnh, thời điểm này, Siêu thị Vinmart cũng nỗ lực cao cho hoạt động cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo anh Võ Công Hải – Giám đốc Siêu thị Vinmart: Lượng hàng nhập về của đơn vị hiện nay tăng cao, có một số mặt hàng thiết yếu như: khẩu trang, gạo, mỳ tôm, dung dịch sát khuẩn… tăng trên 50% để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Được biết, đó là 2 trong số 11 đơn vị được Sở Công thương Hà Tĩnh “chọn mặt gửi vàng” giao nhiệm vụ tham gia dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Theo đó, các đơn vị căn cứ vào diễn biến của thị trường, tình hình cụ thể của dịch bệnh để thực hiện các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của các đơn vị, sẵn sàng cung ứng cho thị trường và khi có chỉ đạo trưng thu, trưng dụng của UBND tỉnh.
Các mặt hàng thực phẩm khô như: mỳ tôm, miến... được bày bán khá dồi dào.
Theo ghi nhận, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng việc mua sắm hàng hóa trong những ngày vừa qua không có biến động lớn (trừ 2 ngày đầu sau khi Hà Tĩnh xuất hiện 2 ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Thạch Hà). Hiện, nguồn cung các mặt hàng như: rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị, đại lý, chợ khá dồi dào và gần như không có hiện tượng người dân mua gom hàng hóa để tích trữ.
Siêu thị Co.opmart thường xuyên khử khuẩn những vị trí thường xuyên tiếp xúc để phòng, chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, ngoài chuẩn bị lượng lớn hàng hóa, các các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa… đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch như: bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào mua sắm; thường xuyên sát khuẩn ở những vật dụng, vị trí như giỏ hàng, tay cầm cầu thang cuốn...
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Trần Thúy An (phường Thạch Qúy, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng gia đình tôi không dự trữ nhiều thực phẩm. Một phần vì biết các mặt hàng thiết yếu luôn được các cơ sở kinh doanh cung cấp; phần nữa vì các cơ quan chức năng cũng đã có sự chuẩn bị, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho người dân”.
Sẵn sàng kịch bản 5 cấp độ cung ứng hàng hóa
Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm, đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo hàng hóa thiết yếu khi dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, kế hoạch xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ gồm: cấp độ 1, chưa ghi nhận trường hợp bệnh; cấp độ 2, có ca bệnh xâm nhập vào địa bàn; cấp độ 3, dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát (dưới 20 trường hợp mắc bệnh); cấp độ 4, dịch bệnh lây lan từ 20 - 100 trường hợp và cấp độ 5 là dịch bệnh lây lan trên 100 trường hợp.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh
Hiện nay, Hà Tĩnh đang triển khai kịch bản cung ứng hàng hóa ở cấp độ 2. Theo đó, ngoài các hoạt động nắm bắt thị trường, chuẩn bị các phương án cho cấp độ cao hơn thì ở cấp độ này tập trung vận động Nhân dân và các cơ sở chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp duy trì đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng tại chỗ và cung cấp ra thị trường khi cần thiết.
Thị trường hàng hóa tại chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Tĩnh khá đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo từng cấp độ của dịch bệnh, các phương án cung ứng hàng hóa được xây dựng phù hợp. Đặc biệt, công tác giám sát chặt chẽ việc bán hàng nhằm ngăn chặn tình trạng găm hàng, nâng giá và xác định vị trí có hiện tượng thiếu hàng để kịp thời có phương án điều tiết được chú trọng.
Đối với cấp độ 5 – cấp độ cao nhất, Hà Tĩnh xây dựng phương án thông tin, tuyên truyền đến người tiêu dùng mua hàng đủ dùng, không gom hàng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; nắm bắt nhu cầu sử dụng hàng hóa ở khu vực bị cách ly, cô lập và tham mưu UBND tỉnh phương án huy động các nguồn hàng dự trữ trong tỉnh đến cung ứng.
Trường hợp cần thiết, tỉnh sẽ đề nghị Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh huy động các doanh nghiệp ngoài tỉnh đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện tương đối ổn định.
Với kế hoạch đảm bảo cung cấp các mặt hàng thiết yếu phòng dịch Covid-19 của Hà Tĩnh, trong các tình huống, nhu cầu hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo. Do vậy, người dân không nên mua đồ dự trữ với khối lượng lớn mà chỉ nên mua lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt cho gia đình.
Theo Thành Chung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã